(HNM) - Từ ngày 17-10 đến 18-11 hằng năm là tháng cao điểm “Vì người nghèo”. Dịp này, các cấp, ngành của Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung cùng nhìn lại những kết quả đạt được, xác định nội dung, yêu cầu đặt ra trong công tác giảm nghèo, từ đó tiếp tục phát huy tinh thần tương thân, tương ái, chung tay hỗ trợ giảm nghèo, giúp các gia đình ổn định cuộc sống.
Tạo động lực cho người nghèo vươn lên
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, anh Dương Phú Nam, thôn Hợp Nhất, xã Ba Vì (huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội) phấn khởi cho biết: “Năm 2019, gia đình tôi được tiếp cận nguồn vay vốn ưu đãi để phát triển chăn nuôi, mở rộng diện tích trồng cây thuốc Nam - nguồn dược liệu quý của đồng bào dân tộc Dao cư trú tại xã Ba Vì. Nhờ đó, gia đình tôi đã thoát nghèo, cuộc sống dần ổn định”. Cùng ở xã Ba Vì, cũng được vay vốn ưu đãi, gia đình bà Hoàng Thị Quy, thôn Hợp Sơn đã không còn bị cái nghèo “đeo bám”. "Từ sự giúp đỡ của các cấp, ngành, gia đình tôi sẽ tập trung mở rộng, phát triển nghề thuốc Nam để tạo thu nhập ổn định lâu dài", bà Quy chia sẻ.
Trao đổi về việc này, Chủ tịch UBND xã Ba Vì Lăng Văn Hà cho biết, được sự quan tâm của thành phố, sự chung tay hỗ trợ của cộng đồng, công tác giảm nghèo ở xã Ba Vì đã đạt kết quả khả quan. Đầu năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo của xã còn tới 48,7% thì đến thời điểm này cơ bản không còn hộ nghèo (trừ một số hộ không có khả năng tự thoát nghèo).
Không riêng xã Ba Vì, các cá nhân, gia đình có hoàn cảnh khó khăn dù ở vùng miền núi, nông thôn hay thành thị đều được trợ giúp về nhiều mặt để vươn lên ổn định cuộc sống. Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Mê Linh Nguyễn Thị Thanh Tám cho rằng, các chính sách, giải pháp giảm nghèo của thành phố Hà Nội phù hợp với nhu cầu, khả năng của từng hộ, đặc thù từng địa phương và được triển khai linh hoạt theo thời điểm, giai đoạn. Đặc biệt, thời gian qua, những người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đã được hỗ trợ kịp thời để vượt qua giai đoạn khó khăn.
Thực hiện đồng bộ các biện pháp hỗ trợ giảm nghèo, nên dù chuẩn nghèo của Hà Nội cao hơn chuẩn chung của cả nước, song công tác giảm nghèo ở Thủ đô vẫn đạt kết quả tích cực. Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội, hiện thành phố cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều. Trong đó, thành phố có 12/30 quận, huyện, thị xã không còn hộ nghèo (Ba Đình, Cầu Giấy, Đống Đa, Hà Đông, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Nam Từ Liêm, Tây Hồ, Thanh Xuân, Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức).
Cũng như Hà Nội, công tác giảm nghèo trên phạm vi cả nước có nhiều tín hiệu tích cực. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo của cả nước ước còn 2,75% (giảm 1% so với cuối năm 2019).
Tiếp tục hỗ trợ giảm nghèo bền vững
Bên cạnh những kết quả tích cực, quá trình triển khai các chính sách giảm nghèo còn bộc lộ những bất cập, cần được quan tâm tháo gỡ để bảo đảm kết quả giảm nghèo bền vững. Theo Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội Bạch Liên Hương, mức chuẩn nghèo hiện còn thấp hơn so với mức sống thực tế của người dân, khiến một số chính sách trợ giúp chưa thực sự tạo đòn bẩy để người dân có thể tự thoát nghèo. Hơn nữa, trong bối cảnh thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp, không ít cá nhân, gia đình có nguy cơ rơi vào cảnh nghèo hoặc tái nghèo. Do đó, các cơ quan chức năng cần sớm ban hành chuẩn nghèo giai đoạn 2021-2025 phù hợp với thời kỳ mới, làm căn cứ cho các địa phương triển khai hỗ trợ người nghèo đúng, trúng, đạt hiệu quả cao.
Còn Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng, các chính sách giảm nghèo đang triển khai còn dàn trải. Nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo của một số địa phương còn thấp… “Để giảm nghèo bền vững, trước hết người dân phải có việc làm, thu nhập đều đặn, giảm tỷ lệ thất nghiệp… Vì vậy, các cơ quan, đơn vị, địa phương cần khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều người dân được tiếp cận với cơ hội có việc làm”, ông Bùi Sỹ Lợi nói.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, Bộ đang xây dựng chuẩn nghèo đa chiều quốc gia giai đoạn 2021-2025 để trình Chính phủ xem xét, ban hành. Theo đó, chuẩn nghèo đa chiều mới sẽ nâng tiêu chí về thu nhập. Dự kiến, hộ nghèo ở khu vực nông thôn là hộ có thu nhập bình quân từ 1,5 triệu đồng/người/tháng trở xuống, còn hộ nghèo ở khu vực thành thị có mức thu nhập bình quân từ 2 triệu đồng/người/tháng trở xuống (hiện nay là 700.000 đồng/người/tháng trở xuống ở nông thôn; 900.000 đồng/người/tháng ở thành thị). Ngoài ra, tiêu chí về việc làm gắn với thu nhập là cơ sở để đánh giá, phân loại hộ nghèo trong giai đoạn tới. Nguồn lực đầu tư cho việc này cũng được mở rộng hơn, nhưng không làm gia tăng ngân sách so với giai đoạn trước.
Cùng với việc nâng tiêu chí để tăng mức hỗ trợ, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội còn tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, thu hút người dân học nghề; quan tâm đào tạo nghề cho lao động nông thôn, giúp người dân thêm cơ hội có việc làm, tăng thu nhập. Đặc biệt, trong tháng cao điểm “Vì người nghèo” năm nay, Bộ phối hợp với các bộ, ngành chức năng, các địa phương triển khai nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực nhằm huy động thêm các nguồn lực chung tay hỗ trợ giảm nghèo. Điểm nhấn của chuỗi hoạt động này là chương trình “Cả nước chung tay vì người nghèo năm 2020”, diễn ra vào tối 17-10 tại Hà Nội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.