(HNM) - Từ bản hướng dẫn sinh đẻ có kế hoạch cho nhân dân (Quyết định số 216 của Thủ tướng Chính phủ, ngày 26-12-1961), đến nay công tác DS-KHHGĐ đã được quan tâm toàn diện.
Từ năm nay, tháng 12 hằng năm được chọn làm "Tháng hành động quốc gia về dân số (DS)" với ý nghĩa tạo phong trào để toàn xã hội chung sức, đồng lòng xắn tay thực hiện công tác DS, vì sự phát triển bền vững của đất nước. Năm 2010 này, năm đầu tổ chức "Tháng hành động quốc gia về DS", chủ đề hành động là "Kiểm soát, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh - trách nhiệm của chúng ta".
Chỉ số báo động
Phân tích kết quả thu được từ cuộc Tổng điều tra DS năm 2009, mới đây Quỹ DS Liên hợp quốc (UNFPA) đã đưa ra lời cảnh báo về sự mất cân bằng giới tính khi sinh (GTKS) ở Việt Nam. Theo tổ chức này, sự mất cân bằng giới tính đang diễn ra phức tạp, cần được quan tâm đặc biệt bởi sự gia tăng nhanh chóng mức chênh lệch GTKS - số trẻ trai cao hơn số trẻ gái sẽ dẫn đến tình trạng thừa nam, thiếu nữ, gây tác động lớn đến quá trình phát triển văn hóa, xã hội, kinh tế, thậm chí là dẫn tới sự bất ổn.
Mít tinh hưởng ứng Tháng hành động quốc gia về dân số năm 2010. Ảnh: Vân Nga |
Theo thống kê vào năm 2009, tỷ số GTKS (trẻ trai/100 trẻ gái) trên phạm vi cả nước ta là 110,6, trong đó có tới 16 tỉnh, thành có tỷ số GTKS ở mức trên 115 như Hưng Yên (130), An Giang (128), Trà Vinh (124), Thanh Hóa và Bắc Ninh (122)... Mặc dù chưa có số liệu thống kê của năm 2010 song sự mất cân bằng GTKS ở nhiều địa phương vẫn tiếp tục tăng mạnh. Các chuyên gia nhận định, năm 2010 này sẽ có một số tỉnh được "kết nạp" thêm vào top tỉnh, thành phố có tỷ số GTKS cao. Tại Hà Nội, tính chung cho 10 tháng đầu năm nay, tỷ số GTKS đã vụt lên mức 120, trong khi năm 2009 mới chỉ là 113,2 (theo kết quả Tổng điều tra DS năm 2009). Sự mất cân bằng GTKS của Hà Nội chủ yếu diễn ra ở khu vực nông thôn, 15/29 quận, huyện có tỷ số cao trên 120/100, trong đó thị xã Sơn Tây chiếm vị trí cao nhất (139/100), tiếp theo là Thạch Thất, Đông Anh, Chương Mỹ, Ba Vì, Ứng Hòa, Phúc Thọ, Thường Tín… Đặc điểm nói trên là điều dễ thấy ở Đồng bằng sông Hồng, như nghiên cứu của UNFPA cho thấy là một vùng có mức chênh GTKS ở mức cao (115,4 trai/100 gái), trong đó tỷ số ở khu vực nông thôn là 117,1 - cao hơn thành thị (111,5). Trên bình diện quốc gia, sự mất cân bằng GTKS cũng tập trung ở các tỉnh thiên về nông nghiệp.
Quyết tâm cao trong Tháng hành động
Những con số thống kê nói lên nhiều điều và đặt ra yêu cầu giải quyết bài toán mức chênh tỷ số GTKS ở một tầm mức phù hợp. Được xem là "nóng" nhất trong số những vấn đề mũi nhọn của công tác DS-KHHGĐ, tình trạng mất cân bằng GTKS đã được chọn làm chủ điểm của "Tháng hành động quốc gia về DS" năm nay - được tổ chức với quy mô lớn trên khắp các tỉnh, thành.
Thực hiện Quyết định số 2161/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, lấy tháng 12 hằng năm là "Tháng hành động quốc gia về DS", ngay từ đầu tháng này, tỉnh Lào Cai được Tổng cục DS-KHHGĐ chọn làm điểm phát động bởi đây là tỉnh miền núi, lại nằm trong nhóm địa phương có sự mất cân bằng GTKS tương đối cao (113,7) - nếu xét đến số dân trong tỉnh này. Theo bà Bùi Thị Kim Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo công tác DS-KHHGĐ, tỉnh Lào Cai quyết tâm chỉ đạo và thực hiện các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng DS, hạn chế tối đa nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và Tháng hành động quốc gia về DS năm nay là dịp để thúc đẩy điều đó.
Năm 2010, tỉnh Thái Bình đã giảm được tỷ số GTKS từ mức 120 vào năm 2009 xuống còn 114, song Tháng hành động là cơ hội thực sự để tỉnh này tập trung toàn lực cho mục tiêu tiếp tục giảm mức chênh tỷ số GTKS. Trong tháng 12 này, Thái Bình sẽ tăng cường phối hợp tuyên truyền, kiểm tra, giám sát các cơ sở y tế về vấn đề lựa chọn GTKS. Tại Hà Tĩnh, một tỉnh miền Trung đang gặp khó khăn bởi vừa trải qua trận lũ lịch sử, ông Lê Lành, Phó Giám đốc Sở Y tế kiêm Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh cho biết, các hoạt động về DS-KHHGĐ sẽ được triển khai một cách tiết kiệm, thiết thực, hiệu quả, phù hợp mà vẫn bảo đảm thông tin về Tháng hành động quốc gia về DS đến đông đảo nhân dân.
Còn ở Hà Nội, với quyết tâm và nỗ lực thực hiện mục tiêu đặt ra trong Tháng hành động, UBND thành phố đã giao nhiệm vụ cho các cấp, ngành, đoàn thể thúc đẩy công tác truyền thông, tăng cường kiểm tra, phát hiện sự vi phạm trong việc thực hiện chính sách DS, đặc biệt là hệ lụy từ việc siêu âm lựa chọn giới tính thai nhi... Thành phố sẽ tổ chức 15 điểm truyền thông quy mô lớn tại quận, huyện. Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó Giám đốc Sở Y tế, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ Hà Nội khẳng định: "Đây là dịp tốt nhất để huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị cùng chung vai thực hiện công tác DS-KHHGĐ một cách quyết liệt nhất, hiệu quả nhất".
Theo TS Dương Quốc Trọng, Tổng Cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ, quyết định tổ chức Tháng hành động quốc gia về DS của Thủ tướng Chính phủ mang tầm chiến lược, vì sự phát triển bền vững của đất nước, của dân tộc, gắn kết các cộng đồng dân tộc Việt Nam. Quyết định này là một trong những hành động thể hiện quyết tâm lớn của Chính phủ trong việc thực hiện các cam kết quốc tế về DS-KHHGĐ.
Hy vọng với sự xuất hiện của Tháng hành động quốc gia về DS và sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị - xã hội, vấn đề kiểm soát và giảm thiểu sự mất cân bằng GTKS sẽ gặt hái được thành công trong năm 2011 và những năm tiếp theo.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.