Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chung tay chăm sóc trẻ em khó khăn

Mai Hoa| 22/12/2022 06:24

(HNM) - Một điểm nhấn ấn tượng trong công tác chăm sóc, bảo trợ trẻ em tại Hà Nội, đó là sự vào cuộc chủ động của các nhà quản lý, huy động nhiều nguồn lực xã hội cùng chung tay hỗ trợ cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn. Những tấm lòng hảo tâm đã tạo nguồn động lực lớn, khích lệ các em học tốt, hướng đến tương lai.

Trao hỗ trợ thường xuyên đợt 1 - quý IV năm 2022 cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện Mỹ Đức.

Sự hỗ trợ nhỏ, niềm khích lệ lớn

Mặc dù có các đợt gió lạnh tăng cường, nhưng từ 5h30 sáng chủ nhật (18-12), tại 45 Bà Triệu, quận Hà Đông, các cán bộ, nhân viên của Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội) đã có mặt, lên đường đi thị trấn Phúc Thọ (huyện Phúc Thọ) và huyện Mỹ Đức để trao tận tay các em nhỏ những phần quà huy động được từ nhà tài trợ. Các hoạt động này là sự phối hợp giữa Trung tâm Công tác xã hội, Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội và Quỹ Thiện tâm - Tập đoàn Vingroup.

Theo đó, các em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt, hoàn cảnh khó khăn được Quỹ Thiện tâm hỗ trợ trong vòng một năm. Sau đó, các hoạt động hỗ trợ tiếp tục được duy trì, sau khi đã rà soát, điều chỉnh, bổ sung danh sách hỗ trợ. Trong đợt trao hỗ trợ cho 146 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn 2 huyện lần này, mỗi em được nhận 2,1 triệu đồng (tương đương khoản hỗ trợ 3 tháng, mỗi tháng 700.000 đồng; riêng 3 trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được hỗ trợ theo mức 3 triệu đồng/3 tháng). Tổng kinh phí hỗ trợ thường xuyên đợt 1 trên địa bàn 2 huyện, bao gồm 141,6 triệu đồng tặng 67 em tại huyện Phúc Thọ và 167,7 triệu đồng tặng 79 em có hoàn cảnh khó khăn của huyện Mỹ Đức. Dịp này, Công ty cổ phần Đầu tư quốc tế NCT3 cũng tặng mỗi em 1 hộp sữa trị giá 300.000 đồng…

Học sinh Đỗ Thị Thảo Nguyên (lớp 7A6, Trường Trung học cơ sở Tam Hiệp, huyện Phúc Thọ) chia sẻ: “Em là con út trong gia đình có 4 chị em đều đang đi học. Gia đình em là hộ cận nghèo, bố là nạn nhân chất độc da cam/dioxin, mình mẹ “gánh” nhiệm vụ lo cho cả 6 người trong nhà. Khoản hỗ trợ thường xuyên này là động lực để em phấn đấu nhiều hơn, theo đuổi ước mơ trở thành luật sư trong tương lai”.

Còn em Hà Bảo Châu (học sinh lớp 9C, Trường Trung học cơ sở Tích Giang, huyện Phúc Thọ) cho biết: “Gia đình em thuộc diện hộ nghèo, bố bị bệnh. Chị lớn đã lấy chồng, em và chị còn lại ở cùng bà nội đã ngoài 80 tuổi. Em luôn tự nhủ phải chăm chỉ, cố gắng học tập để sau có việc làm giúp đỡ gia đình”. Hay trường hợp của học sinh Trịnh Nam Anh (lớp 9A1, Trường Trung học cơ sở Hương Sơn, huyện Mỹ Đức), mồ côi cả cha và mẹ, đang ở cùng ông, bà nội đều đã ngoài 60 tuổi, luôn đau đáu với mục tiêu học chăm, học tốt để sau này có thể chăm sóc người thân...

Số lượng trẻ em được Quỹ Thiện Tâm hỗ trợ thông qua Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội không dừng ở con số 146 em ở 2 huyện Phúc Thọ và Mỹ Đức, mà hiện danh sách đã tăng thêm 72 trường hợp, bao gồm 27 trường hợp ở Mê Linh, 25 trường hợp ở Gia Lâm, 20 trường hợp ở Thạch Thất. Đáng chú ý, theo tiết lộ của một lãnh đạo Trung tâm, nhà tài trợ không giới hạn số lượng các em được nhận hỗ trợ, nhưng yêu cầu rất chặt chẽ khâu rà soát hồ sơ, kiểm tra thực tế đúng “người thực việc thực”, đúng đối tượng thụ hưởng theo yêu cầu.

Quan tâm, đồng hành với trẻ em khó khăn

Trực tiếp đến các huyện Phúc Thọ và Mỹ Đức trao tận tay phần quà của nhà tài trợ cho các em có hoàn cảnh khó khăn, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Đinh Hồng Phong chia sẻ: “Trong những năm qua, cùng với sự quan tâm, chỉ đạo của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội, sự tham gia tích cực của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và cộng đồng xã hội đã giúp cho trẻ em Thủ đô, nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, hoàn cảnh khó khăn được chăm lo cả vật chất và tinh thần. Cùng với nguồn kinh phí của thành phố, không thể không nhắc tới các tổ chức, cá nhân hảo tâm đã luôn quan tâm, đồng hành cùng các cơ quan quản lý trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, góp phần bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn Thủ đô”.

Đặc biệt, triển khai Đề án “Vận động nguồn lực bảo trợ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2021-2025” do UBND thành phố phê duyệt tháng 11-2021, trong năm 2022, đã có 191 đơn vị ủng hộ cho các em nhỏ thông qua Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội với tổng kinh phí hơn 9,7 tỷ đồng, thực hiện các hoạt động tặng học bổng, xe đạp, tặng quà, hỗ trợ học tập dài hạn cho trẻ em…

Chia sẻ kinh nghiệm huy động nguồn lực xã hội trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, Phó Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Phúc Thọ Vũ Thị Vân cho biết: “Để nắm chắc hoàn cảnh, tình hình của các trẻ em cần bảo trợ, chúng tôi phải làm thật tốt khâu rà soát, hỗ trợ các gia đình lập hồ sơ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Qua đó, các gia đình cảm nhận được sự quan tâm, chăm lo của lãnh đạo thành phố, tấm lòng sẻ chia của các đơn vị, nhà hảo tâm và toàn xã hội, giúp họ vơi bớt khó khăn trong cuộc sống”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chung tay chăm sóc trẻ em khó khăn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.