Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chung tay bẩy "hòn đá" chất lượng

Quỳnh Phạm| 13/04/2010 07:13

(HNM) -

Dẫu nâng cao CLĐT là vấn đề không mới, nhưng cách khơi dậy sức mạnh của tập thể để đạt mục tiêu này như chương trình hành động của Bộ GD-ĐT đã vạch ra hứa hẹn sẽ đem lại hiệu quả. Có thể nhận thấy điều này tại hội thảo được tổ chức điểm tại Trường ĐH Giao thông Vận tải (GTVT) và ĐH Thái Nguyên vừa qua.

Đào tạo công nghệ thông tin cho các sinh viên tại Trường Đại học Thái Nguyên. Ảnh: Đình Na


Vì sao phải đổi mới?
Thu hút được sự quan tâm của nhiều người, PGS-TS Trần Đắc Sử, Hiệu trưởng Trường ĐH GTVT đã đặt ra câu hỏi: "Vì sao phải đổi mới?" dù khẳng định có hơn 90% SV của trường tìm được việc làm trong sáu tháng đến một năm sau khi tốt nghiệp. Tuy nhiên, điểm yếu chung của nhiều trường là hoạt động đào tạo và nghiên cứu còn thấp so với yêu cầu của sự phát triển. Đặc biệt, sự chuyển biến trong công tác quản lý, trong suy nghĩ của cán bộ và giảng viên chưa theo kịp với sự chuyển biến của nền kinh tế và sự cạnh tranh trong đào tạo.

Hơn nữa, có nhiều lý do khách quan khiến nhà trường phải đổi mới. Theo PGS-TS Trần Đắc Sử, trước tiên đó là tâm lý coi trọng bằng cấp của người học cũng như người sử dụng lao động vốn còn nặng nề sẽ được xóa bỏ trong tương lai không xa. Khi đó lợi thế cạnh tranh sẽ thuộc về các trường ĐH có chất lượng đào tạo tốt hơn. Tiếp đó, các trường ĐH đứng trước sức ép rất lớn phải giữ được uy tín và thương hiệu, tạo được sức hút với xã hội trong khi phải giải quyết bài toán cân đối giữa mở rộng quy mô với bảo đảm chất lượng đào tạo, giữa thị hiếu người học với khả năng đào tạo và cơ cấu ngành nghề.

Làm gì để thay đổi? Trả lời câu hỏi này, GS-TS Đỗ Đức Tuấn Phó Hiệu trưởng Trường ĐH GTVT cho biết, trường đã triển khai một số giải pháp như xây dựng xong toàn bộ chương trình đào tạo theo hệ thống tín chỉ; xây dựng các môn học tự chọn cho các ngành đào tạo tối thiểu là 15% (hiện tỷ lệ trung bình ở Việt Nam là 10-15%); tăng cường kỹ năng tiếng Anh cho SV chương trình tiên tiến; xây dựng chuẩn đầu ra và thực hiện "3 công khai". Giám đốc ĐH Thái Nguyên GS-TS Từ Quang Hiển thì cho rằng, quy hoạch trung hạn, ngắn hạn với những mục tiêu, bước đi thật cụ thể; điều tra tình hình sinh viên tốt nghiệp để đào tạo theo nhu cầu; đẩy mạnh công tác kiểm định và quản lý sinh viên là những giải pháp góp phần hiệu quả nâng cao CLĐT. Thực tiễn triển khai của ĐH Thái Nguyên đã khẳng định điều đó.

Hướng đến người học
Cuộc thảo luận nói riêng và việc triển khai chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về đổi mới giáo dục ĐH nói chung là cơ hội để đội ngũ giảng viên, SV nhìn nhận, đánh giá, rà soát lại toàn bộ các quy định quản lý để tạo ra sự chuyển biến sâu rộng và ý thực tự học, tự bồi dưỡng. Những gì ghi nhận được tại hội thảo vừa qua cho thấy tất cả cán bộ quản lý đều thấy cần phải đổi mới. Sự chuyển biến về nhận thức của đội ngũ cán bộ quản lý là quan trọng song cần phải có sự đồng thuận của các lực lượng tham gia quá trình đào tạo. Bởi vậy, trong chương trình hành động của các cơ sở đào tạo, hoạt động thu hút được sự chú ý của nhiều người là các giải pháp hướng tới người học.

Để người học lo lắng đến việc học là một giải pháp mà các trường thành viên của ĐH Thái Nguyên tập trung triển khai trong hiện tại và tương lai. Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp PGS-TS Nguyễn Như Hiển chia sẻ, việc tổ chức đào tạo theo tín chỉ đã khiến sinh viên phải quan tâm tới việc lập kế hoạch học tập, chủ động và có trách nhiệm hơn với quá trình học tập của mình. Dù chưa thực hiện được đào tạo theo tín chỉ một cách triệt để nhưng kể từ năm 2006 khi trường bắt đầu triển khai phương thức này đến nay, kết quả học tập của sinh viên đã được nâng lên rõ rệt. Bởi thế, trong những năm tới, nếu cơ sở đào tạo được tự chủ hơn trong tổ chức thi tuyển, cơ sở vật chất được đầu tư để đủ giảng đường, lớp học, trang thiết bị… nhà trường sẽ triệt để đào tạo theo tín chỉ.

Cũng hướng tới SV, nhưng ĐH Y khoa Thái Nguyên lại quan tâm tới đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá vì theo thầy Hiệu phó, PGS-TS Trịnh Xuân Tráng thì nếu để SV gian lận được trong thi cử thì họ sẽ không cần học, giảng viên không cần đổi mới phương pháp, nội dung. Thi và kiểm tra trên máy, với ngân hàng đề có chất lượng, quan tâm lượng giá cả kiến thức, thái độ, kỹ năng của SV, ĐH Y khoa Thái Nguyên đã tiến tới học thật, thi thật, chất lượng thật ở 18 bộ môn. Mặc dù vẫn băn khoăn là trong khi SV của trường khó có thể đạt bằng khá, giỏi thì ở những cơ sở đào tạo khác, chuyện ấy lại không quá khó khăn nên sẽ ảnh hưởng tới quyền lợi của SV sau tốt nghiệp, nhất là khi xin việc, nhưng ĐH Y khoa Thái Nguyên vẫn quyết tâm sẽ triển khai phương thức đánh giá mới ở 100% số ngành đào tạo. Còn tại ĐH GTVT, giải pháp sắp tới là tổ chức diễn đàn cho SV để họ thảo luận, hiến kế thực hiện đổi mới quản lý giáo dục và vai trò, trách nhiệm của SV.

Tại hội thảo của ĐH GTVT Phó Thủ tướng, Nguyễn Thiện Nhân đã nhấn mạnh: "800 giảng viên của nhà trường chỉ có thể bẩy được tảng đá chất lượng cùng với sự chung tay của các SV". Sự thống nhất về nhận thức đã có, chắc rằng sẽ có chuyển biến trong hành động để đến được mục tiêu nâng cao chất lượng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chung tay bẩy "hòn đá" chất lượng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.