Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chúng ta yêu thế nào sau những đau thương?

vân lam| 17/03/2022 11:26

(HNMCT) - Ai đó từng nói, trẻ em là những người vị tha, nhân hậu nhất thế giới. Bởi chúng rất dễ dỗ dành và rất nhanh quên với những hứa hẹn, sai lầm mà người lớn gây ra, trong đó có cả tiếng quát mắng và những trận đòi roi.

Cậu bé Chó Con trong câu chuyện “Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian” (tiểu thuyết của tác giả người Mỹ gốc Việt Ocean Vuong) phải chăng cũng thế khi sau này lớn lên cậu đã đứng chênh vênh giữa hai bờ câu hỏi: “Người ta nhớ lại những gì về những ngày khi người ta trẻ?”. Ký ức đã qua là niềm vui hay nỗi buồn, là yêu thương hay đau thương, chính Chó Con cũng không thể trả lời. Bởi toàn bộ ký ức đó đan xen vào nhau, tương hỗ với nhau làm nên hành trình trưởng thành rực rỡ của cậu.

“Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian” là tập hợp những bức thư của người con trai gửi cho người mẹ không biết chữ của mình với mong muốn “để đến gần thêm mẹ - dù mỗi chữ con đặt xuống đây là thêm một chữ rời mẹ xa hơn”. Những bức thư như đã khai quật lịch sử của một gia đình, đồng thời là chứng nhân cho tình yêu mãnh liệt mà bà, bác gái, và đặc biệt là người mẹ đơn thân dành cho đứa con trai duy nhất trong gia đình. Từng mẩu chuyện vụn vặt trong cuộc đời như những thước phim ngắn mà cậu trai hai mươi tuổi kể lại trên từng trang thư, để từ đó dựng nên cuộc đời của bà, của mẹ và của chính cậu. Từ ký ức về chiến tranh, về cuộc di cư kéo dài từ làng quê Việt sang đất Mỹ, đến cuộc sống mà “ta là kẻ lạ trong đất nước mình đang sống, ngay từ màu da” với những vật lộn trong nghèo đói, bị bắt nạt, bị bạo lực... Và bạo lực còn đến từ chính cả người mẹ vẫn hằng ngày chăm sóc và yêu thương. Sự kiệt quệ bởi công việc, bởi mệt nhọc và đói nghèo đã khiến người mẹ thường trút tất cả lên đứa con của mình, để cậu bé ấy luôn tự nhủ “mẹ con mình sinh ra từ chiến tranh”.

Nhưng sau bao đau thương trong hành trình trưởng thành như thế, cậu bé Chó Con đã biết mình nhầm. Mẹ con cậu không phải sinh ra từ chiến tranh, mà: “Mình sinh ra từ cái đẹp. Đừng để ai nhầm chúng ta là trái quả sinh ra từ bạo lực - mà hãy để họ biết rằng thứ bạo lực đó, dù đã càn qua quả, vẫn không làm hỏng được nó”. Bởi cũng chính những người phụ nữ vừa yêu thương vừa khắc nghiệt trong gia đình, theo những cách khác nhau đã mang đến cho Chó Con hình dung về đất nước Việt Nam, chủ yếu trong nghèo khó và khói lửa chiến tranh mà họ đã chứng kiến. Và họ cũng dạy cậu cách kiên cường, truyền nghị lực vượt lên hoàn cảnh, và cả con mắt nhìn nhận được cái đẹp của thế giới, dù là một cánh chim ruồi, một vạt hoa hay một chiếc đầm trong cửa hàng.

Viết về hiện thực trần trụi bằng thứ ngôn ngữ thấm đẫm chất thơ, giàu tính tự truyện nên tiểu thuyết “Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian” ngay khi vừa ra đời đã lọt vào danh sách bán chạy ở Mỹ, trở thành cuốn sách đáng mong đợi nhất năm 2019 và gặt hái nhiều giải thưởng. “Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian” được dịch giả Khánh Nguyên chuyển ngữ, được Nhã Nam và NXB Hội Nhà Văn liên kết xuất bản. Và chỉ sau một tháng ra mắt, tác phẩm đã được tái bản.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chúng ta yêu thế nào sau những đau thương?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.