Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chúng ta cần tập trung đầu tư để làm giàu từ biển

Vũ Thủy| 20/10/2013 05:47

(HNM) - Việt Nam nằm ở rìa phía tây Biển Đông, vùng biển có vị trí địa kinh tế, chính trị đặc biệt quan trọng và nguồn tài nguyên phong phú.

Tuy vậy, việc khai thác tiềm năng, lợi thế từ biển của nước ta chưa có chiến lược dài hơi, nhất là các ngành khai thác thủy sản, vận tải biển, phát triển khoa học, công nghệ biển. PGS.TS Lê Kế Lâm, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật và kinh tế biển TP Hồ Chí Minh, nguyên Thiếu tướng, Chuẩn đô đốc Hải quân nhân dân Việt Nam đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới về những vấn đề này.

Cần điều chỉnh những tổ hợp kinh tế biển

- Hiện nay, nhiều quốc gia đang nỗ lực phát triển kinh tế biển để trở thành cường quốc biển. Vậy trên thực tế, lợi thế biển của nước ta là như thế nào, thưa ông?

- Việt Nam có hơn 3.260km bờ biển và hơn 3.000 đảo lớn nhỏ. Dọc bờ biển có hơn 100 cảng biển, 48 vụng, vịnh và trên 100 cửa sông, cửa lạch đổ ra biển. Đảo của vùng biển Việt Nam được phân bố chủ yếu ở vùng biển Đông bắc và Tây nam với những đảo nổi tiếng giàu, đẹp và có vị trí chiến lược như: Bạch Long Vĩ, Cô Tô, Cát Bà, Cồn Cỏ, Lý Sơn, Hòn Tre, Phú Quý, Côn Đảo, Phú Quốc, Thổ Chu; và xa hơn có quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa... Kinh tế biển của Việt Nam có hai lợi thế quan trọng. Một là, tiềm năng tự nhiên (lợi thế tĩnh) to lớn. Hai là, vị trí địa - kinh tế và địa - chiến lược đặc biệt. Biển Đông nằm trên các tuyến hàng hải và các luồng giao thương quốc tế chủ yếu của thế giới, nhất là trong thời đại bùng nổ phát triển của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Khai thác lợi thế biển cho phát triển đất nước là công việc không thể xem nhẹ, mang tính chiến lược, đóng vai trò ngày càng quan trọng trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng an ninh.

PGS.TS Lê Kế Lâm.


- Với lợi thế đó, chiến lược phát triển kinh tế biển của chúng ta trong thời gian qua ra sao, thưa ông?

- Do hoàn cảnh khách quan và chủ quan, ta chưa có điều kiện phát triển kinh tế biển tương xứng với tiềm năng, trong khi đó kinh tế biển hết sức đa dạng. Do vậy, để mục tiêu của Việt Nam đến 2020 “kinh tế biển đóng góp 53-55% GDP”, trước hết Nhà nước cần phải điều chỉnh, xây dựng lại những tổ hợp kinh tế biển để khai thác hiệu quả những tiềm năng sẵn có.

- Trong những tổ hợp kinh tế biển của Việt Nam, theo ông, tổ hợp nào đóng vai trò chủ đạo?

- Tôi cho rằng, tổ hợp dầu khí đóng vai trò quan trọng và nước ta khai thác tương đối tốt. Cách đây gần 30 năm, ta khai thác tấn dầu đầu tiên, thì đến nay đã khai thác gần 300 triệu tấn dầu quy đổi. Tuy nhiên, cũng cần có một kế hoạch thăm dò, xác định trữ lượng và khai thác nguồn tài nguyên này một cách hợp lý.

- Thưa ông, ngành thủy sản nước ta cũng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, tuy nhiên chưa thấy ông nhắc tới?

- Ngành thủy sản không những tạo ra nguồn thực phẩm dồi dào, cung cấp cho người tiêu dùng trực tiếp, mà ở tầm vĩ mô, còn mang lại giá trị xuất khẩu cao, tạo việc làm và góp phần xóa đói giảm nghèo cho cư dân ven biển và hải đảo. Tại Việt Nam, việc khai thác, nuôi trồng thủy sản chủ yếu là ở quy mô hộ gia đình nên đã trở thành nguồn thu hút lực lượng lao động. Mỗi năm, ngành nghề này tăng thêm đến 100 nghìn lao động.

- Ông suy nghĩ như thế nào về nghề đánh bắt hải sản hiện nay?

- Theo Bộ NN&PTNT, cả nước hiện có hơn 3 vạn tàu cá, nhưng chủ yếu đều do ngư dân tự xoay xở, đầu tư. Nhà nước cũng có hỗ trợ nhưng chưa có chiến lược toàn diện, dài hơi. Nếu thủy sản phát triển mạnh hơn nữa thì kinh tế biển của Việt Nam không chỉ dừng lại ở mức độ này, vì đó không chỉ là khai thác tự nhiên, nuôi trồng trên biển. Đồng hành với khai thác là chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu và dự trữ quốc gia.

- Như vậy có thể thấy đây là một nghề quan trọng nhưng dường như chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức, thưa ông?

- Thực tế chúng ta vẫn là khai thác tự nhiên như tự nó có, tự ngư dân bung ra để duy trì cuộc sống và phát triển là chính. Tôi nói ví dụ, khi dầu đắt, họ phải đi biển xa bờ, Nhà nước chưa có chính sách hỗ trợ cho họ. Hay như chiến lược đóng tàu có công suất máy trên 100CV để ngư dân ra khơi của ngành thủy sản Việt Nam trong những năm cuối thế kỷ XX cũng không thành công. Chúng ta có đóng một số tàu nhưng đến nay vẫn chưa có tổng kết đóng được bao nhiêu, hết bao nhiêu ngân sách, hiệu quả thế nào? Vấn đề hiện nay là cần phải quan tâm cụ thể, Nhà nước cần hỗ trợ cho ngư dân về kỹ thuật đi biển; cập nhật công nghệ đánh bắt mới; kỹ thuật thông tin… đồng thời thu mua sản phẩm và cung cấp hậu cần trên biển, để cho họ quay vòng chuyến đi dài ngày hơn, ít tốn kém và tăng khả năng đánh bắt… Làm được những vấn đề đó, hiệu suất đánh bắt thủy sản sẽ rất cao, ngư dân thu được nhiều lợi nhuận. Vì thế, tôi cho rằng, ngành thủy sản cần có chiến lược tổng thể, dài hơi.

- Còn ngành nuôi trồng thủy sản của Việt Nam hiện nay ra sao, thưa ông?

- Nước ta có các đảo lớn như: Cát Bà, Cồn Cỏ, Côn Đảo, Phú Quốc, Thổ Chu… đều có thể nuôi trồng thủy sản. Hiện tại chúng ta có làm nhưng mới là thử nghiệm. Như tôi biết, hiện Phú Quốc cũng có mấy trăm lồng bè nuôi thủy sản, Côn Đảo cũng vậy, nhưng chưa phát huy hết lợi thế. Đó là phần nuôi, còn phần trồng như các loại rong biển chẳng hạn thì ta kém xa Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc. Trong khi đó, nuôi trồng thủy sản không chỉ là giải quyết nhu cầu về thực phẩm mà còn là nguyên liệu để chế biến, phát triển ngành mỹ phẩm, dược phẩm…

Vận tải biển chưa được coi trọng

- Nếu nói về kinh tế biển, nước ta có lợi thế rất nhiều từ vận tải biển nhưng thực tế cho thấy ngành này chưa được coi trọng đúng mức. Ông có nghĩ như vậy?

- Ngành vận tải biển, hay rộng hơn là ngành vận tải sông, biển được coi là ngành kinh tế mũi nhọn thứ ba trong nền kinh tế biển, nhưng tôi biết là ta đang gặp nhiều khó khăn. Tập đoàn Vinashin, Vinalines coi như phá sản, vấn đề trách nhiệm cũng chưa giải quyết rốt ráo. Tại các kỳ họp Quốc hội, tôi theo dõi cũng thấy có đại biểu chất vấn về lĩnh vực này nhưng cũng chưa có câu trả lời thuyết phục. Đặc biệt, báo chí còn phản ánh, nhiều tàu vận tải cỡ lớn của ta gần như phải bán sắt vụn… Đó là thảm cảnh của vận tải biển trong bối cảnh nước ta hiện nay, mua thì một núi tiền, mới khai thác được mấy năm, nay đem bán sắt vụn, chỉ có lỗ và lỗ…

- Nhưng như ông đã nói, lợi thế của Việt Nam là có bờ biển dài, nhiều cảng, vịnh lớn, lẽ ra vận tải sông, biển phải phát triển?

- Ta có hơn 200 cảng biển và sông, nhiều cửa sông lớn và cửa lạch đổ ra biển, nhưng thử hỏi mỗi năm xuất bao nhiêu tấn hàng đi các nước bằng vận tải của chính tàu Việt Nam? Mỗi năm cả nước nhập và xuất khẩu hàng trăm triệu tấn hàng, nhưng đội tàu Việt Nam vận tải được bao nhiêu? Tôi nghĩ, các hoạt động này hầu như do tàu nước ngoài đảm nhận. Việt Nam có lợi thế Đồng bằng sông Cửu Long chằng chịt kênh rạch, nhưng thử hỏi rằng vận tải sông nơi đó chở được bao nhiêu khối lượng hàng hóa bằng những đoàn tàu của ngành vận tải thủy? Tỷ lệ giữa vận tải thủy/bộ là bao nhiêu?

- Phải chăng vận tải đường bộ thuận tiện hơn và giá thành hợp lý hơn, thưa ông?

- Tôi nghĩ rằng, tùy theo vùng miền. Ví dụ như trên hệ thống sông Hồng, sông Cửu Long là những con sông lớn thì nên dùng vận tải thủy là chính, còn vận tải đường bộ là phụ. Tuy nhiên, tôi thấy nước ta “say mê” với vận tải đường bộ, nhập nhiều xe tải, xe container lớn. Và lạ lùng thay, có xe chở vượt tải trọng từ 20 đến 40 tấn thì làm sao đường bộ không nát, cầu không chóng hỏng. Thử tính một chiếc sà lan chở khoảng 500 tấn, 1.000 tấn đi từ Cần Thơ hay Đồng Tháp lên TP Hồ Chí Minh gấp mấy chục lần vận tải đường bộ của một chiếc ô tô, giá thành chắc chắn là rẻ hơn, vậy mà không phát triển hệ thống này tương xứng với nhu cầu và lợi thế?

- Theo ông, chúng ta cần phải làm gì để phát huy được lợi thế này?

- Vấn đề vận tải sông, biển của nước ta cần xây dựng lại chiến lược dài hạn, qua đó cấu trúc lại cho hợp lý. Quan trọng hơn nữa là cần bồi dưỡng được những người cán bộ từ đầu ngành đến những thủy thủ say mê với nghề vận tải sông, biển vì đây là nghề vất vả, nhiều rủi ro, chịu tác động lớn của môi trường, thời tiết. Đi kèm theo nghề vận tải sông, biển còn có nhiều nghề khác như đóng tàu, sửa chữa tàu, xây dựng cảng, xếp dỡ hàng hóa, kho bãi, cung ứng xăng dầu, nước ngọt, thực phẩm, dịch vụ các loại. Tôi muốn nói rằng, chúng ta phải cơ cấu, làm dịch vụ đồng bộ thì nguồn thu sẽ rất lớn. Điều quan trọng và bao trùm lên tất cả là các cấp, các ngành liên quan đến vận tải sông, biển cần thông cảm với người làm nghề này, tạo điều kiện cho họ làm ăn đúng luật, công bằng và có lợi.

Ngành du lịch biển vẫn “ăn đong”

- Việt Nam được đánh giá là đất nước có nhiều bãi biển đẹp nhất Đông Nam Á nhưng tại một số địa phương, du lịch vẫn được làm theo kiểu chụp giật, ông đánh giá thế nào về điều này?

- Những nước ven biển đều tập trung phát triển ngành du lịch biển. Ở Việt Nam cũng vậy, nhưng tôi thấy chúng ta vẫn phát triển theo kiểu “ăn đong”. Vấn đề này, ngành du lịch phải xem lại, làm thật bài bản. Ta nên học Singapore và Nhật Bản trong làm du lịch biển. Nhật Bản mỗi năm thu hút mấy chục triệu lượt khách. Singapore - đất nước có mấy triệu dân, diện tích nhỉnh hơn đảo Phú Quốc của chúng ta một chút, mà cũng có mấy chục triệu lượt khách mỗi năm. Trong khi đó, Việt Nam năm 2012 công bố mới có 15 triệu lượt khách.

- Ngoài dịch vụ chưa tốt, vấn đề quy hoạch vùng có ảnh hưởng gì tới phát triển du lịch không, thưa ông?

- Tôi nghĩ vấn đề quy hoạch cũng có ảnh hưởng rất lớn đến tiềm năng du lịch. Do tuổi tác cao, tôi không đi nhiều những năm gần đây, nhưng tôi thấy dọc bờ biển của ta nổi nhất là Nha Trang - một trong các vịnh đẹp nhất thế giới mà phát triển vẫn chưa thật tương xứng. Mới đây, báo chí có nêu địa phương san lấp làm xấu đi vịnh Nha Trang. Một vịnh đẹp thế, phải làm cho ngày một đẹp hơn, việc san lấp, đưa đất đồi núi lấn biển cần phải suy tính toàn diện thật sự cần thiết và không làm mất cảnh quan tự nhiên. Hiện nay, khách du lịch họ muốn cảm nhận vẻ đẹp tự nhiên như vốn có, môi trường sạch, an bình, không khí trong lành, văn minh trong tiếp đón, chứ không phải là những nơi cải tạo chắp vá, không gây ấn tượng tốt, không làm cho du khách “thèm thuồng” mà quay lại.

- Ngoài những tổ hợp kinh tế trên thì nghiên cứu khoa học biển cũng đầy tiềm năng, nhưng có ý kiến cho rằng, lĩnh vực này còn bị bỏ ngỏ. Ông có đồng tình với quan điểm đó?

- Đúng vậy, ngành này rất quan trọng và tiềm năng nhưng ta không phát triển và bỏ ngỏ đã lâu. Thực ra thì “lực bất tòng tâm”. Nghiên cứu biển cũng rất đa dạng chứ không chỉ đơn thuần một vài ngành nghề. Ví như trong nước biển có hàng nghìn nội dung cần nghiên cứu, đặc biệt là nghiên cứu dòng chảy tầng mặt, tầng giữa, tầng đáy…

- Hiện nay, ta đã có những nghiên cứu nào trong lĩnh vực này, thưa ông?

- Ta có Viện Hải dương học, nhưng viện này còn bị hạn chế nhiều thứ nên chưa giải đáp được những vấn đề khó phục vụ cho ngành kinh tế dân sinh trên biển, đặc biệt là phục vụ cho quốc phòng. Vấn đề nghiên cứu khoa học toàn diện về biển rất quan trọng, vừa phục vụ quốc kế dân sinh, phát triển nhiều ngành nghề kinh tế biển, vừa phục vụ quốc phòng. Tôi nghĩ, Đảng và Nhà nước cần quan tâm đầu tư, đưa ngành nghiên cứu khoa học biển thành vấn đề lớn và tương xứng. Ngay bây giờ đã là muộn rồi, nhưng tôi nghĩ muộn còn hơn không.

- Cảm ơn ông về những nội dung trao đổi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chúng ta cần tập trung đầu tư để làm giàu từ biển

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.