Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chứng run tay ở người cao tuổi

BS. Yên Lâm Phúc| 22/02/2011 14:45

Run tay là một chứng bệnh hay gặp ở người cao tuổi. Bắt đầu từ độ tuổi 45, chứng run tay có thể xuất hiện và nguy cơ còn cao hơn nữa khi quá tuổi này.


Yếu tố cản trở sinh hoạt


Run tay là tình trạng xuất hiện những vận động ngoại ý, tự phát, gặp ở tay hay ở bất kỳ một bộ phận trên hệ thống cơ nào trên cơ thể, run khi nghỉ nhưng cũng có khi run lúc vận động. Những vận động run này có cường độ và biên độ rất khác nhau. Có thể run lớn khiến lắc lư cả người nhưng cũng có khi chỉ là những cử động nhanh nhỏ mà thôi. Đây là một chứng bệnh hay gặp ở người cao tuổi. Bắt đầu từ độ tuổi 45 chứng run tay đã có khả năng xuất hiện và nguy cơ gặp còn cao hơn nữa khi tuổi tăng gây khó khăn trong vận động.

Run tay không phải là một biến cố nguy hiểm về sức khoẻ. Nhìn chung, chúng không gây thiệt hại về sức khỏe tinh thần cũng như thể chất, mà điểm đáng chú ý nhất của chứng bệnh này chính là sự cản trở vận động và sinh hoạt. Người bệnh gặp khó khăn khi nói chuyện, khi vệ sinh cá nhân, khi đi lại. Chỉ ở mức độ nặng, người bệnh mới có thể bị chấn thương do tai nạn hay mất thăng bằng gây ngã.

Nguyên nhân gây run tay

Nguyên nhân gây ra chứng run tay ở người cao tuổi trong một số trường hợp cụ thể đã được xác định rõ. Nhưng đa số các trường hợp, nguyên nhân chính xác của tình trạng này vẫn còn là một câu hỏi. Thông thường người ta thường quy run tay vào ba trường hợp sau đây:

- Run lành tính: là loại run xuất hiện khi vận động và mất đi khi nghỉ ngơi. Tuy nhiên, nó lại gây nhiều khó chịu trong cuộc sống vì người cao tuổi khó thực hiện những vận động được cho là đơn giản nhất như uống trà. Người bệnh khó có thể cầm được tách trà như bình thường. Các biểu hiện khác kèm theo run tay bao gồm: gật gù đầu, run môi, run lưỡi. Tình trạng run có thể không đối xứng, nghĩa là một bên bị run nhưng một bên lại hoàn toàn bình thường.

Tập dưỡng sinh làm tăng lưu thông máu lên não làm giảm nguy cơ mắc bệnh.

Hiện tượng run tay lành tính thường gặp ở tuổi trên 80, khoảng 10-20% dân số bị mắc bệnh này. Có đến một nửa số trường hợp có tiền sử gia đình, còn lại người ta chưa xác định rõ nguyên nhân. Các loại run này lại đáp ứng khá tốt với điều trị bằng các thuốc ức chế beta hay gabapentin, primidone nhưng đây là những biện pháp điều trị không mang tính lâu dài. Run lành tính là loại run thường gặp ở người già.

- Run do bệnh Parkinson: Parkinson là một bệnh do thiếu hụt chất trung gian thần kinh dopamin trong hệ thần kinh trung ương. Chúng ta có thể dễ dàng nhận ra bệnh bởi một số dấu hiệu như: cứng đờ, khó vận động, tay xoay vòng, không giữ được tư thế. Người bệnh có dáng đi giật cục và cứng nhắc đặc trưng. Điểm khác biệt nhất là run do Parkinson xuất hiện ngay cả khi nghỉ ngơi. Vì thế mà chúng ta có thể thấy tay người bệnh run rất mạnh ngay cả khi đang ngồi nói chuyện. Ban đầu là run từng đợt thưa, nhưng sau thì các đợt này mau hơn và ta có cảm tưởng là người bệnh run liên tục.

Những người bị mắc chứng Parkinson có thể bị suy giảm trí nhớ và ảo giác. Việc điều trị bệnh đã được thành công hoá khi xuất hiện những chất đồng vận của dopamin. Tuy nhiên cần hết sức chú ý là trong quá trình điều trị vì các tác dụng phụ gây rối loạn tâm thần hay trên hệ ngoại tháp của các thuốc này gây ra.

- Run do suy giảm chức năng não bộ: Run trong trường hợp này thường là do chức năng não bộ bị suy giảm gây rối loạn điều hoà vận động. Run xuất hiện khi người cao tuổi tập trung chú ý, càng để ý càng run. Liên quan tới tình trạng này là hiện tượng bị bệnh vữa xơ động mạch não có giảm lưu lượng máu não nghiêm trọng. Cũng có thể gặp ở những trường hợp nghiện rượu, uống quá nhiều thuốc chống động kinh loại phenytoin, hội chứng cận u hay teo não bệnh lý thứ phát.

Dự phòng như thế nào?

Một số trường hợp run tay là do các bệnh lý trước đó ở một cơ quan khác gây ra. Với những trường hợp này, việc điều trị các nguyên nhân bệnh lý đóng vai trò là căn nguyên được coi là những biện pháp thích đáng. Tuy nhiên phần nhiều những trường hợp run tay là do hiện tượng rối loạn thần kinh-cơ khi về già. Chính vì vậy, chúng ta cần thực hiện để giảm tốc độ rối loạn thần kinh ở người cao tuổi mang tính chiến lược hơn trong khắc phục chứng bệnh này.

Những biện pháp có tác dụng phòng ngừa run tay

- Hạn chế rượu, bia. Rượu, bia làm tăng tốc độ suy giảm thần kinh, gây thiếu hụt vitamin B1 trầm trọng khi nghiện nặng. Rượu làm tăng rối loạn sự điều phối thần kinh-cơ trong vận động, làm nặng thêm mức độ run khi mắc bệnh.

- Tích cực sử dụng các loại rau củ quả trong chế độ dinh dưỡng. Ðặc biệt là các loại rau củ quả có màu xanh đậm như rau ngót, rau cải, súp lơ, bắp cải, su su, cải cúc, các loại hoa quả củ có màu sặc sỡ như gấc, bí ngô, cam, cà rốt... vì chúng là nguồn chứa các hoạt chất chống ôxy hoá tự nhiên được cho là có tác dụng chậm lại sự suy thoái của bộ não điều khiển. Vốn giàu vitamin E, vải, đu đủ, đào, lê được khuyên dùng nhằm hạn chế sự tiến triển của bệnh.

- Thông báo kịp thời cho bác sĩ những biến cố do tác dụng phụ run tay của thuốc trong quá trình điều trị một bệnh khác. Những người đang sử dụng thuốc điều trị chống trầm cảm loại lithium, thuốc chống động kinh loại phenytoin có thể xảy ra những tác dụng phụ trên hệ thần kinh-cơ. Sử dụng những thuốc này kéo dài hoặc tuỳ tiện có thể gây ra run tay mức độ nặng.

- Giảm căng thẳng, lo âu vì căng thẳng, lo âu là một yếu tố tâm lý ảnh hưởng nhiều đến mức độ run. Ở người già, sự thay đổi tâm lý luôn là một vấn đề thường trực, nhất là trạng thái hay lo nghĩ. Trong các trường hợp bị run tay thì vấn đề khó khăn trong vận động càng làm cho những lo âu trở nên trầm trọng. Càng lo nghĩ càng run, càng cố gắng điều chỉnh thì càng làm tăng cường độ. Trong các trường hợp run do suy giảm chức năng não bộ thì vấn đề tâm lý càng đóng vai trò ảnh hưởng lớn. Chúng ta cần hết sức giúp đỡ để những yếu tố tâm lý không làm trầm trọng thêm bệnh.

- Thực hiện các bài tập dưỡng sinh nhẹ nhàng, đủ cường độ, đều đặn để làm tăng lưu thông máu lên não. Các bài tập dành cho đầu và cổ có tác dụng làm giảm mức độ nặng của bệnh.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chứng run tay ở người cao tuổi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.