Phiên giao dịch ngày 26/5, thị trường chứng khoán Việt Nam nhuộm trong sắc tím, VN-Index tăng tốc hơn 11 điểm lên mức 398 điểm. Tuy nhiên theo các chuyên gia đánh giá nhiều khả năng đây là đợt phục hồi kỹ thuật, không có nhiều ý nghĩa và lực đỡ chỉ có thể giữ trong một vài phiên.
Bởi, ngay trước đó thị trường đã hứng chịu một đợt giảm 10 phiên liên tiếp, đẩy VN-Index tuột tay 96 điểm, xuyên thủng mọi ngưỡng hỗ trợ kỹ thuật lao về mức 386 điểm (25/5). Tương tự, HNX-Index cũng giảm liềm một mạnh 12 phiên mất gần 14 điểm chốt ở mức 69 điểm (25/5).
Thị trường chứng khoán thời kỳ 2008. (Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet) |
Nhà đầu tư nhỏ lẻ trối từ cuộc chơi
Thị trường chứng khoán Việt Nam như vừa trải qua một "cơn đại lốc xoáy", hàng loạt cổ phiếu lớn, trên cả hai sàn niêm yết giảm giá thê thảm. Danh sách những mã cổ phiếu có giá trị giao dịch bằng “mớ rau, chén trà đá” được nối dài sau mỗi phiên.
Song với câu hỏi đã đến thời điểm mua vào và đầu tư giá trị chưa thì cả giới chuyên gia và nhà đầu tư cũng khẳng định chưa thể đưa ra câu trả lời.
“Thị trường đang tái diễn kịch bản của thời kỳ khủng hoảng 2008. Khi mà các chuyên gia cứ luôn cho rằng giá cổ phiếu đã quá rẻ, khiến các nhà đầu tư rơi vào vòng xoáy bắt đáy và cắt lỗ kéo dài tới cả nửa năm và cuối cùng là chạy càng nhanh càng tốt,” ông Nguyễn Tuấn Anh, một nhà đầu tư kỳ cựu đưa ra kinh nghiệm.
Theo tính toán của các nhà đầu tư, thời điểm này gửi tiền mặt vào ngân hàng với lãi suất như hiện tại còn an toàn hơn nhiều lần so với việc nhảy vào, nhảy ra tại thị trường chứng khoán.
Cũng theo ông Tuấn Anh, những nhà đầu tư cá nhân như ông đã đứng ngoài cuộc chơi khốc liệt từ khá lâu rồi.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Trần Đăng Huy, Trưởng phòng Môi giới Công ty Chứng khoán Woori nhấn mạnh, giờ đây thị trường không còn thịnh hành hoạt động đầu tư nhảy sóng, đầu tư theo kỹ thuật. Đến lúc, các quyết định đầu tư phải căn cứ vào các yếu tố cơ bản. Nền kinh tế còn quá nhiều khó khăn, trong khi các doanh nghiệp tăng vốn ồ ạt và sử dụng vốn tràn lan. Hiệu quả kinh doanh của nhiều công ty chưa thấy đâu, song mỗi dự án đầu tư lợi nhuận cá nhân của các ông chủ lớn dường như lại tăng lên và đủ sức khấu hao dần số cổ phần chủ chốt họ đang nắm giữ.
“Nhà đầu tư quá chán nản, họ có cảm giác bị bỏ rơi. Tôi được biết nhiều nhà đầu tư hiện đã quay về gửi tiết kiệm những khoản tiền mặt khá lớn. Phản ứng của họ vẫn là tiếp tục quan sát và chờ đợi,” ông Huy nói
Gánh nặng giải chấp, bán tháo và cả đánh xuống
Đánh giá chung về xu hướng, hầu hết các thành viên trên thị trường đều tỏ ra quan ngại về mối tương quan cung cầu.
Theo nhận định từ Công ty Tư vấn và Đầu tư S&D, “Thực tế lượng tiền sẵn có của nhà đầu tư không nhiều, trong khi huy động vốn qua các kênh tín dụng lại gặp nhiều khó khăn và khả năng chịu đựng rủi ro cũng có giới hạn. Sự hy vọng về một lượng tiền khổng lồ chảy vào thị trường chỉ có thể trông chờ vào những thay đổi tíc cực từ phía Ngân hàng Nhà nước, mà điều này trong ngắn hạn là rất khó xảy ra.”
Vì vậy, các chuyên gia cho rằng sân chơi hiện chỉ dành cho các nhà đầu tư tổ chức và nhà đầu tư lớn chịu đựng được mức rủi ro cao. Đồng thời, nhiều "cơn lốc xoáy" sẽ còn khả năng tiếp diễn trên thị trường khi mà những gánh nặng giải chấp, bán tháo, đánh xuống vẫn đang treo lơ lửng.
“Giá cổ phiếu giảm nhanh càng làm tăng gánh nặng tài chính cho các nhà đầu tư sử dụng hình thức vay cầm cố. Thị trường bị kéo giảm mạnh do ảnh hưởng bởi trạng thái tài khoản thấu chi, khiến nhà đầu tư buộc phải thanh lý chứng khoán nhưng không tìm được giá mua phù hợp. Thêm vào đó, mặc dù giá hàng loạt cổ phiếu đã chạm sàn do tâm lý thị trường và áp lực bán bắt buộc, song việc dồn ứ một lượng lớn cổ phiếu không tìm được người mua khiến tình hình càng thêm trầm trọng," theo ghi nhận từ ông Marc Djandji, Giám đốc Khối Nghiên cứu, Công ty Chứng khoán Bản Việt.
Lợi dụng tình thế thị thị trường, một số nhóm nhà đầu tư sẽ thực hiện hoạt động bán khống, cùng nhau hùa vào đánh xuống thị trường nhằm mục đích mua hàng trả nợ.
Ông Trần Đăng Huy đưa ra, thực tế từ nhiều tháng nay sự hỗ trợ tín dụng của các công ty chứng khoán giảm nhiều, do đó áp lực giải chấp chỉ là một phần. Lợi dụng lực cầu trên thị trường quá yếu cộng thêm vào đó là các thông tin xấu về tình hình lạm phát, lãi suất và chính sách thắt chặt tín dụng sẽ là môi trường cho hoạt động bán khống gia tăng.
Ngoài ra ông Huy cũng phân tích, tình trạng thao túng chỉ số VN-Index trong suốt thời gian vừa qua đã làm méo mó hoạt động phân tích trên thị trường. Trong khi chỉ số HNX-Index đã về dưới mức 70 điểm thấp hơn so với thời điểm khủng hoảng 2008, thì chỉ số VN-Index vẫn quanh vùng 400 điểm. Về thực chất mức giá chứng khoán như hiện nay, chỉ số này đang bị đánh giá sai hơn 100 điểm, khoảng chênh lệnh này cũng chính là cái cớ để các tổ chức vin vào đánh xuống tiếp.
“Trong bối cảnh thị trường hiện nay, các đợt phục hồi hoặc chững lại là cơ hội cho các nhà đầu tư muốn thoát ra khỏi thị trường. Các khu vực hộ trợ bị thủng sẽ chuyển đổi thành khu vực kháng cự, trong khi đó nếu thị trường tiếp tục giảm thì khu vực hỗ trợ mới của VN-Index sẽ là 300 -350 điểm và của HNX-Index là khoảng 50 điểm” theo S&D.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.