Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chứng khoán châu Á hồi phục sau khi giảm mạnh

H.V| 09/08/2011 15:46

(HNMO) - Chứng khoán châu Á chiều (9/8 đã hồi phục sau khi giảm sâu trước đó trong ngày sau sự sụt giảm lớn nhất của Phố Wall kể từ năm 2008, với chỉ số All Ordinaries của Úc đóng cửa tích cực: tăng 1% sau khi giảm 5% trong phiên giao dịch buổi sáng.


Chỉ số Nikkei của Nhật Bản cũng phục hồi, đóng cửa giảm 1,7%, sau khi giảm 4,4% trong phiên giao dịch buổi sáng. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc đóng cửa giảm 3,64%.

Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông giảm 3% trong phiên giao dịch cuối chiều nay, sau khi đã mất hơn 7% trước đó.

Các nhà đầu tư đã phản ứng với sự bất ổn khi Mỹ bị đánh tụt hạng chỉ số tín dụng từ AAA xuống AA+ và cuộc khủng hoảng nợ ở khu vực châu Âu vẫn đang diễn ra.

Hôm qua, chỉ số công nghiệp Dow Jones đã giảm mạnh hơn 630 điểm, hay 5.5%, và bị đẩy xuống  dưới mức 11.000 điểm lần đầu tiên kể từ tháng 11/2010. Chỉ số S&P 500 đã giảm 6,6% và Nasdaq Composite đã giảm khoảng 6,9%.

Cũng trong ngày hôm qua, Standard & Poor đã hạ cấp tập đoàn thế chấp khổng lồ Fannie Mae và Freddie Mac, nhiều thành phố của Mỹ, các công ty bảo hiểm và các tổ chức khác có liên quan đến tỷ lệ tín dụng Mỹ.

Sẽ có nhiều sự hạ cấp dự kiến được đưa ra trong tuần này.


Động thái của S&P trong việc hạ cấp Mỹ từ AAA xuống AA+ đã vấp phải sự chỉ trích nặng nề từ phía chính quyền của Tổng thống Barack Obama giữa lúc có lo ngại rằng điều này có thể góp phần cho một cuộc suy thoái khác.

Moody, một tổ chức xếp hạng lớn khác, đã xác nhận kết quả đánh giá về các khoản nợ của Mỹ ở mức AAA vào ngày 2/8. Tổ chức này nói rằng việc hạ cấp xếp hạng tín dụng là có thể xảy ra trước năm 2013 nếu kỷ luật tài chính của đất nước bị suy yếu hoặc triển vọng kinh tế xấu đi một cách đáng kể.

Bên cạnh việc Mỹ bị hạ cấp tín dụng, các nhà đầu tư còn lo ngại về cuộc khủng hoảng nợ ở một số quốc gia châu Âu, mặc dù hành động của các nước G7 và Ngân hàng Trung ương châu Âu hôm 7/8 đã giúp xoa dịu tình hình.

Các đại diện tài chính của các quốc gia công nghiệp hàng đầu cho biết, họ cam kết dùng "mọi biện pháp cần thiết để hỗ trợ sự ổn định tài chính và tăng trưởng với tinh thần hợp tác chặt chẽ và tự tin".

Các quốc gia G7 gồm Anh, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Canada và Mỹ.

Tương tự như vậy, Ngân hàng Trung ương châu Âu cũng đã thực hiện một nỗ lực để bình ổn thị trường hôm 7/8. Ngân hàng cho biết sẽ thực hiện một chương trình mua trái phiếu và hoan nghênh các thông báo của Ý và Tây Ban Nha về các biện pháp mới nhằm giảm thâm hụt ngân sách.

Động thái này thể hiện sự leo thang trong phản ứng chính thức với cuộc khủng hoảng nợ châu Âu, hiện đã kéo dài hơn 1 năm và cho đến gần đây đã có mặt của các nền kinh tế nhỏ hơn như Hy Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chứng khoán châu Á hồi phục sau khi giảm mạnh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.