(HNM) - Hàng chục năm nay, cứ mỗi khi vào mùa mưa bão, người dân Hà Nội đang sống trong những khu tập thể (KTT) xây dựng từ lâu đang bị xuống cấp lại lo nơm nớp.
Những KTT xưa mà nay người ta quen gọi là "chung cư" đã trải qua gần nửa thế kỷ chịu mưa, chịu gió, cõng chở bao nhiêu phận người, giờ như muốn khuỵu xuống. Nhiều khu nhà bị lún, nứt, nghiêng, điển hình như E6 Thành Công, C8 Giảng Võ khiến người dân không biết lúc nào tai họa sẽ ập đến.
Vô vàn vết rạn nứt tại khu nhà B7b Thành Công. |
"Thiên đường" giờ đã chênh vênh
Leo lên tầng 5, khu tập thể E6 Thành Công, mùi sơn trên những khung sắt mới được gia cố xộc thẳng vào mũi. Kể từ hôm công nhân thi công xong phần khung sắt, người dân ở cầu thang này mới được ngủ yên. Bà Dương Thị Khánh Hòa đã ngoài 70 tuổi, sống ở phòng 401, mới an tâm phần nào khi những kiến nghị của người dân đã được chính quyền các cấp lắng nghe. Thế nhưng, khe hở giữa cầu thang và bức tường vẫn còn rộng toang hoác như trêu ngươi người dân.
Vợ chồng bà Hòa trước khi nghỉ hưu đều là giáo viên. Sau năm 1975, vợ chồng bà ở tạm trong khu nhà của trường Phan Đình Phùng trên phố Phan Đình Phùng. Nơi ở của bà Hòa ngày đó không có bếp, không có nhà tắm. Muốn đi vệ sinh phải sang bên khu vệ sinh công cộng của nhà trường. Nhiều hôm đông quá không chờ nhau được phải đi nhờ nhà vệ sinh của người dân xung quanh. Chồng bà phải căng dây thép ở góc ngoài nhà rồi treo một tấm chiếu lên để làm nơi tắm. Như thế đã là tiện lợi hơn so với nhiều nhà lắm rồi. Có những hôm được chồng đèo bằng xe đạp đi ngang khu Giảng Võ, bà thầm mong ước gia đình cũng được ở trong một căn hộ khép kín giống nhà của những cán bộ ở đây, nhỏ hơn cũng được.
Đến năm 1978, vợ chồng bà vui hơn bắt được vàng khi được Nhà nước cấp cho một căn hộ khép kín rộng 38m2 ở E6, Thành Công. Nhà E6 ngày đó dành riêng cho các nhà giáo chưa có nhà trong 4 quận nội thành. Lần đầu tiên, bà cũng như chồng bà và các đồng nghiệp được ở trong một căn hộ khép kín. Đêm đầu tiên, nằm ngủ trong căn hộ mới được cấp, bà vui không ngủ được. Đến gần sáng, khi chồng tỉnh giấc thấy bà chưa ngủ bèn ngồi dậy nói chuyện. Hai vợ chồng bảo nhau, không biết đây là mơ hay thực khi được ngủ trong một "thiên đường nhỏ" của chính mình.
Sự thực là "thiên đường nhỏ" này đã gắn bó với bà cùng gia đình hơn 35 năm có lẻ. Ngày đó, để vào "thiên đường nhỏ" này, bà phải đi qua một con đường đất, trước và sau đều là ruộng rau. Vào mùa mưa, ếch ương kêu suốt đêm. Tuy vậy, đó vẫn là ước mơ của không biết bao nhiêu gia đình ở Hà Nội.
Trường hợp của bà Hòa giống như trường hợp của ông Trần Trọng Hùng cùng ngoài 70 tuổi, ở phòng 203, nhà C8 Giảng Võ. Trước khi được chuyển về đây vào giữa những năm 70 của thế kỷ trước, vợ chồng ông Hùng cùng hai người con phải tá túc trong nhà tranh lợp mái lá phía ngoài gần đường Giảng Võ bây giờ. Vì là cán bộ nhà nước, ông Hùng được xếp trong diện sẽ được phân nhà. Chờ đợi mãi, rồi gia đình ông được cấp một căn hộ khép kín trong khu C8, gần hồ Giảng Võ. Ngày đó, khu này là "số một" không phải dễ gì để được phân.
Nếu như bà Hòa và ông Hùng là những cán bộ được Nhà nước phân nhà thì bà Lều Thị Hiền, sống tại phòng 204 nhà B7b Thành Công, khi được phân nhà thuộc diện cán bộ cao cấp. Ngày đó chồng bà Hiền làm ở cơ quan Trọng tài Kinh tế nhà nước. Vợ chồng bà vui lắm, tuy căn hộ khép kín chỉ rộng gần 50m2. Nhà B7b được cơ quan của chồng bà đứng ra xây từ năm 1983, đến năm 1985 thì hoàn thành và phân cho người dân vào ở.
Nguy hiểm cận kề
Giờ đây, "thiên đường" thuở nào đang xuống cấp nghiêm trọng. Quá trình nghiêng lún ở nhà E6 đã kéo dài từ lâu. Khoảng những năm 1990, sau nhiều lần đo đạc, khảo sát, nhà E6 đã được đóng cọc bê tông để chống nghiêng lún. Khi làm xong, người dân an tâm lắm! Bà Dương Thị Khánh Hòa là Tổ trưởng tổ 59, phường Thành Công đã họp bàn với dân là không để bồn nước trên mái nhằm tránh dột và không làm thêm "chuồng cọp" để giữ kết cấu tòa nhà bền hơn.
Thế nhưng đến năm 2004, vết nứt ở cầu thang 1 với tường xuất hiện và ngày càng to ra. Ban đầu, vết nứt như sợi chỉ, sau thành sợi len, sau nữa con chuột cũng chui qua được. Người dân cuống quýt làm đơn ra phường và lên cơ quan quản lý nhà. Khoảng tháng 3 năm 2005, một cán bộ tên là Lê Trung Hùng được Xí nghiệp Quản lý nhà Ba Đình cử xuống xem xét. "Anh Hùng nói là vết nứt này vẫn phải theo dõi, xí nghiệp sẽ báo cáo lên công ty rồi sẽ lập kế hoạch xin kinh phí sửa chữa", bà Hòa kể lại, "sau rồi mất hút chả thấy ai xuống nữa".
Trong lúc người dân mỏi cổ mong ngóng tin từ các cơ quan hữu trách, vết nứt vẫn ngày càng rộng ra. Người dân động viên nhau đóng góp kinh phí xây cột để chống đỡ, buộc dây thép để chằng lan can vào với cột của đơn nguyên chưa bị lún nhiều! Bất chấp những nỗ lực của người dân, nhà vẫn lún và vết nứt vẫn rộng ra. Hiện toàn bộ lối đi cầu thang 1 lên nhà bà Hòa đã tách khỏi tường từ 3cm đến 7cm. Càng lên cao, vết nứt càng to. Các dầm chịu lực từ tầng 1 đến tầng 5 tại các chiếu nghỉ cầu thang đã tách khỏi tường từ 5cm đến 7cm, có dầm đã gãy, không còn gắn kết với nhau. Tình trạng nguy hiểm hơn khi trần và nhà không biết sẽ sập, đổ khi nào. Đó là nhìn nhận của những người không có chuyên môn.
Theo đánh giá của Sở Xây dựng, chung cư E6 Thành Công là nhà lắp ghép tấm lớn bê tông cốt thép gồm 2 đơn nguyên. Đơn nguyên 1 mức độ lún lệch tương đối lớn, biến dạng lún theo phương dọc nhà thay đổi, lún mạnh tại khu vực cầu thang và khối nhà bên trái cầu thang. Các liên kết của kết cấu thang bị phá hoại, nhiều cấu kiện thang bị dịch chuyển khỏi vị trí ban đầu và có xu hướng bị tụt khỏi gối đỡ gây nguy hiểm tại khu vực cầu thang. Một số tấm tường ngang nghiêng lớn, vượt giới hạn cho phép, kéo theo các tấm sàn không bảo đảm khả năng chịu lực lâu dài.
Trong khi đó, hiện trạng ở cầu thang 3 nhà C8 Giảng Võ còn nguy hiểm hơn. Đơn nguyên này bị lún lệch với mức độ lớn, đặc biệt mức độ nghiêng lệch theo phương dọc nhà của khối nhà bên phải cầu thang đã vượt quá giới hạn cho phép. Do bị lún lệch nên các liên kết của khu vực cầu thang (dầm, sàn chiếu tới, chiếu nghỉ, sàn mái) vào các tường ngang đã bị phá hoại. Các tấm sàn mái và một số cấu kiện ở tầng 4 và 5 đã tụt khỏi gối đỡ tường ngang. Các cấu kiện khác đã dịch chuyển và có xu hướng tụt khỏi gối đỡ nên toàn bộ khu vực cầu thang và khối nhà bên phải đang trong tình trạng rất nguy hiểm.
Sau khi khảo sát, Sở Xây dựng đánh giá, sự cố sập cầu thang có thể xảy ra, đặc biệt trong mùa mưa bão. Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng đánh giá, đơn nguyên 3 chung cư C8 Giảng Võ thuộc loại nguy hiểm cấp D nên cần phải tổ chức di dời ngay toàn bộ số hộ dân đang sinh sống tại đây.
Mặc dù đã được gia cố nhưng tình trạng nguy hiểm vẫn khiến người dân ở cầu thang 1 E6 Thành Công và cầu thang 3 C8 Giảng Võ không an tâm. Khi mới nhận nhà, những người như bà Dương Thị Khánh Hòa có thể thao thức vì sung sướng thì giờ đây họ lại ăn không ngon ngủ không yên vì lo sợ tai họa có thể đổ ập đến bất cứ lúc nào...
(Còn nữa)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.