(HNM) - Không nghi ngờ gì về sự phong phú, đa dạng, tính độc đáo, hấp dẫn của ẩm thực Việt Nam gắn liền với nền văn hóa đặc sắc của dân tộc. Hà Nội - một trong những trung tâm ẩm thực của Việt Nam được xem là hình ảnh tiêu biểu thu nhỏ của ẩm thực Việt.
Một trong những khẳng định có tính gợi mở đáng suy ngẫm là phát biểu gây sốt “Việt Nam có thể trở thành “bếp ăn” của thế giới” từ chuyên gia marketing Philip Kotler cách đây 10 năm. Mới đây, tại hội nghị “Hà Nội 2018 - Hợp tác đầu tư và phát triển”, điều này tiếp tục được một đại biểu nhắc lại với gợi mở cụ thể hơn rằng “Hà Nội hãy trở thành "bếp ăn" của thế giới”.
Trước hết, việc Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung trở thành “bếp ăn” của thế giới là thể hiện mong muốn đưa ẩm thực, văn hóa mang thương hiệu Hà Nội, Việt Nam lên tầm thế giới. Bên cạnh đó là phát triển loại hình du lịch ẩm thực để tiếp đà tăng trưởng cho du lịch Hà Nội và cả nước. Trở thành “bếp ăn của thế giới” cũng chính là một hình thức của xuất khẩu tại chỗ, thúc đẩy và làm gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp Thủ đô nói riêng, cả nước nói chung…
Tất nhiên ý nghĩa là vậy, tiềm năng cũng thấy rõ, nhưng để hiện thực hóa điều này một cách sâu sắc mà không phải là những cơn sốt làm du lịch ẩm thực qua mau thì phải chuẩn hóa các vấn đề liên quan.
Các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần một chiến lược phát triển ẩm thực rõ ràng. Hà Nội cũng vậy! Thực tế thì với tính chất hội tụ, kết tinh, lan tỏa của mình, ẩm thực Hà Nội đã manh nha các mô hình “bếp ăn” của cả nước và thế giới như Phố ẩm thực, nhà hàng của một số nghệ nhân… Hà Nội cũng đang có lợi thế là một trong 10 địa phương có tăng trưởng tốt nhất cả nước về du lịch.
Đặc biệt, điểm tựa chính sách quan trọng cho hoạt động này của Thủ đô còn là Nghị quyết số 06-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội về phát triển du lịch Thủ đô giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo.
Từ những thuận lợi này, có thể hình dung một vài nét về chiến lược phát triển du lịch ẩm thực của Hà Nội. Đó là thống kê, tư liệu hóa các loại hình di sản văn hóa ẩm thực đặc sắc của Thủ đô; lựa chọn những món độc đáo, phù hợp để quảng bá, trong đó nhấn mạnh khả năng đáp ứng nhu cầu ẩm thực hiện đại, bảo vệ sức khỏe theo xu hướng sống xanh, du lịch bền vững của thế giới. Cần chú trọng nhiều kênh quảng bá từ các hình thức truyền thống, đến phim ảnh, văn học…
“Bếp ấm của mẹ” - cuốn sách mới xuất bản của nhà quay phim Đỗ Phương Thảo, người nổi tiếng với những món ngon tinh tế của Bắc Bộ, đặc biệt là của Hà Nội - là một ví dụ gợi mở cho các hoạt động quảng bá ẩm thực của ngành Du lịch Thủ đô.
Song song với quảng bá, quan trọng là phải xây dựng các tiêu chuẩn cơ bản về hệ thống nhà hàng, an toàn thực phẩm, chất lượng phục vụ. Hà Nội có thể học tập Thái Lan về xây dựng hệ thống nhà hàng Thái, học Nhật Bản về phong cách phục vụ, hệ thống nhà vệ sinh trong nhà hàng sạch như khách sạn 5 sao…
Đây là những điều kiện để xây dựng được những tour ẩm thực gắn với các vùng văn hóa đặc sắc của Thủ đô; kết nối với ẩm thực 7 vùng du lịch đã nêu trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Chuẩn hóa về các khâu là quan trọng, nhưng quan trọng không kém còn ở việc xây dựng ý thức về phát triển ẩm thực là giữ gìn văn hóa, làm du lịch bền vững, nhằm tạo cơ sở lâu dài cho việc hiện thực hóa sâu sắc mong muốn nâng tầm ẩm thực Việt.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.