(HNMO) - Sáng 27-2, Bộ Y tế tiếp nhận 20 tỷ đồng do Tập đoàn Vingroup tài trợ để nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng vắc xin phòng Covid-19 có tên Covivac do Viện Vắc xin và Sinh phẩm y tế (IVAC) trực thuộc Bộ Y tế sản xuất.
Đây là vắc xin phòng Covid-19 thứ hai của Việt Nam được tiến hành thử nghiệm lâm sàng trên người sau Nano Covax của Công ty cổ phần Công nghệ sinh học dược Nanogen.
Ông Dương Hữu Thái, Viện trưởng IVAC cho biết, dự kiến ngày 3-3, sẽ tiêm thử nghiệm vắc xin Covivac trên người. Giai đoạn 1 sẽ thực hiện tại Trường Đại học Y Hà Nội với khoảng 120 người tham gia. Những người tham gia thử nghiệm tiêm vắc xin có độ tuổi từ 18-59 tuổi (cả nam và nữ), được tiêm 2 mũi/0,5ml (tiêm vắc xin hoặc tiêm giả dược) cách nhau 28 ngày.
Sau 43 ngày tiêm mũi thứ hai (thuộc giai đoạn 1), nếu kết quả an toàn miễn dịch tốt, chọn được mức liều tối ưu, nhóm nghiên cứu sẽ tiếp nối chuyển sang nghiên cứu giai đoạn 2. Giai đoạn này dự kiến bắt đầu vào tháng 7-2021, được thực hiện tại Trung tâm Y tế huyện Vũ Thư (tỉnh Thái Bình). Ở giai đoạn 2, việc thử nghiệm sẽ mở rộng số lượng người tham gia lên 300 người, đồng thời mở rộng độ tuổi từ 18-75 tuổi (trong đó tuổi từ 60-75 chiếm khoảng 1/3). Dự kiến, quá trình nghiên cứu lâm sàng Covivac sẽ hoàn thành vào tháng 10-2021.
Theo tính toán, mỗi liều vắc xin Covivac không quá 60.000 đồng. Việc nghiên cứu kháng thể vắc xin Covivac cho thấy khả năng chống được biến chủng vi rút SARS-CoV-2 từ Anh và Nam Phi. Cơ quan chức năng cũng đang nghiên cứu kháng thể với các chủng khác của vi rút này.
Phát biểu tại buổi lễ tiếp nhận, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: "Đến nay, mọi vắc xin trên toàn cầu chỉ có mức độ bảo vệ khoảng 6 tháng đến 1 năm. Do biến chủng vi rút nhiều, hiệu lực bảo vệ của vắc xin chỉ trong thời gian nhất định, chúng ta phải luôn chủ động về vắc xin và coi đây là vấn đề an ninh, sức khỏe. Một mặt, Bộ Y tế thúc đẩy quá trình mạnh mẽ nghiên cứu sản xuất, sử dụng vắc xin trong nước, một mặt thúc đẩy tìm kiếm vắc xin trên thế giới để phục vụ nhu cầu trước mắt, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường".
Đánh giá về những lợi thế của IVAC khi tiến hành nghiên cứu, sản xuất, thử nghiệm Covivac, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho rằng, đây là nghiên cứu đa trung tâm và quốc tế. Trước đây, chúng ta đánh giá tiền lâm sàng ở trong nước, với vắc xin này, được đánh giá tiền lâm sàng ở cả 3 quốc gia (Mỹ, Ấn Độ và Việt Nam) và đều chứng minh vắc xin có hiệu quả.
"Chúng tôi tự tin, ngoài vắc xin Nano Covax của Nanogen đang được thử nghiệm giai đoạn 2 thì Covivac của IVAC được coi là vắc xin tiềm năng trong công cuộc ứng phó đại dịch Covid-19. Ngoài ra, tới đây, Việt Nam sẽ tiếp tục thử nghiệm lâm sàng trên người đối với vắc xin Covid-19 thứ ba của VABIOTECH. Tôi tin tưởng, với việc sản xuất vắc xin trong nước, Việt Nam có thể chủ động, bảo đảm nguồn cung, bảo đảm an ninh y tế, sẵn sàng ứng phó đại dịch", Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.
Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người. Để cài đặt ứng dụng này trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.
Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.
Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.