Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chuẩn bị lắp đặt hầm dìm Thủ Thiêm: Đã có “kịch bản”

Hải Yến| 06/03/2010 07:59

(HNM) - Ban Quản lý dự án Đại lộ Đông - Tây và các đơn vị liên quan chuẩn bị thực hiện kế hoạch lai dắt, lắp đặt đốt hầm đầu tiên trong 4 đốt của hầm Thủ Thiêm, dự kiến được tiến hành vào ngày 7-3-2010 sắp tới. Cho tới hôm nay, các phương án vận hành tốt nhất đã hoàn tất; tuy nhiên, dư luận vẫn còn một chút băn khoăn về năng lực của tàu lai dắt…


6 giờ lai dắt hầm

Thi công đường vào hầm Thủ Thiêm (phía quận 1).



Theo ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án Đại lộ Đông - Tây, đúng 7 giờ ngày 7-3 đốt hầm đầu tiên sẽ bắt đầu được lai dắt từ bể đúc (Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) ra sông Nhà Bè để đưa về vị trí lắp đặt trên sông Sài Gòn, phía Thủ Thiêm. Sẽ có 4 tàu làm nhiệm vụ kéo chính ở 4 góc, 1 tàu kéo dự bị, 2 tàu đẩy cảnh giới và 5 ca nô cao tốc làm nhiệm vụ lai dắt, dẫn đường. Từ bể đúc ra tới ngã ba sông Sài Gòn, do tuyến giao thông khá rộng nên vận tốc di chuyển dự kiến là 3 hải lý/giờ (tương đương 5,5km/giờ). Từ ngã ba sông tới vị trí lắp đặt (khu vực Mỹ Cảnh, Thủ Thiêm) do tuyến giao thông hẹp, có nhiều đoạn bờ sông uốn cong nên tốc độ lai dắt dự kiến 2 hải lý/giờ (tương đương 3,7km/giờ). Thời gian dự kiến cho cả chặng đường khoảng 6 giờ. Khi đến điểm lắp đặt, hầm sẽ được tháo bỏ phần bảo vệ và được bơm nước vào các bồn chứa để tạo cân bằng cho đốt hầm, rồi từ từ đưa vào vị trí lắp đặt. Nước sẽ được bơm thêm vào các bồn chứa bên trong để chống lại lực đẩy, bảo đảm cho đốt hầm không bị nổi lên. Dự kiến đến 23 giờ đêm cùng ngày, sẽ hoàn thành quá trình dìm hầm và từ 23 giờ cho đến 11 giờ sáng hôm sau các nhà thầu sẽ thực hiện công tác bịt lối vào bên trong hầm, tháo dỡ các thiết bị phụ trợ… Nếu không có gì thay đổi, khoảng 9 giờ sáng ngày 10-3-2010 sẽ kết nối thông đốt hầm đầu tiên với đường dẫn phía Thủ Thiêm.


Tàu lai dắt có đủ lực kéo?

Sở Giao thông Vận tải, Công ty Hoa tiêu Khu vực 1, Công ty Đảm bảo an toàn hàng hải 2 - những đơn vị trực tiếp liên quan đến công tác lai dắt đốt hầm không phản đối kế hoạch của Ban Quản lý dự án Đại lộ Đông - Tây nhưng quyết liệt bảo lưu ý kiến mà họ cho biết "đã góp ý với Ban Quản lý", đó là nên xem xét lại công suất của tàu lai dắt. Theo các đơn vị này, việc nhà thầu Obayashia đưa các tàu kéo chính chỉ khoảng 3.500 mã lực/tàu vào lai dắt đốt hầm, sợ không đủ sức. Ông Lê Toàn, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải phân tích: "Cách tính toán sức kéo của nhà thầu là trong điều kiện đốt hầm được lai dắt xuôi dòng. Trong khi đó, trên toàn bộ hành trình, đốt hầm có thể bị trôi xéo hoặc trôi ngang. Lúc đó, lực kéo phải tăng lên mới có thể kéo hầm đi được". Cả ba đơn vị đều đề nghị Ban Quản lý dự án, nhà thầu xem xét lại công suất tàu kéo.

Tuy nhiên, các nhà thầu vẫn cương quyết bảo vệ quan điểm của mình với lý do vừa lai dắt thành công một đốt hầm ngầm ở Ôxtrâylia cũng với cách tính toán như lai dắt hầm Thủ Thiêm. Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng Quân khẳng định, việc lai dắt, lắp đặt đốt hầm Thủ Thiêm là phải thành công và đây là nhiệm vụ chính trị của thành phố. Chính vì vậy, ông chỉ đạo phải tổ chức diễn tập, lượng tính hết các tình huống có thể xảy ra để có phương án xử lý kịp thời. Các khuyến cáo của 3 đơn vị phải được nhà thầu xem xét, cân nhắc thận trọng. Nhà thầu phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước quyết định của mình. Chủ tịch UBND TP yêu cầu các địa phương - nơi công trình đi qua cùng ngành y tế phải tham gia bảo đảm trật tự, an toàn trong suốt quá trình lai dắt hầm. Buổi diễn tập sẽ diễn ra vào sáng thứ bảy ngày 6-3, sau đó UBND TP Hồ Chí Minh sẽ chủ trì họp rút kinh nghiệm để ngày 7-3, ngày mà theo tính toán của ngành thủy văn có dòng chảy nhẹ nhất, sẽ lai dắt đốt hầm. Dự kiến, việc kéo đốt hầm thứ 2 sẽ được tiến hành vào ngày 5-4, đốt thứ 3 vào ngày 4-5, thứ 4 vào ngày 4-6-2010. Được biết, mỗi đốt hầm có chiều dài 92,4m, rộng 33,3m, cao 9,1m.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chuẩn bị lắp đặt hầm dìm Thủ Thiêm: Đã có “kịch bản”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.