(HNM) - Thông tin quan trọng về kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2020 mà học sinh cần lưu ý, đó là Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quyết định giữ ổn định hình thức thi và số lượng môn thi như năm 2019. Hiện, các nhà trường đang nỗ lực hỗ trợ để học sinh học hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của kỳ thi, đồng thời tạo nền tảng cho các em học tập tốt ở các bậc học sau.
Hỗ trợ học tập bằng nhiều hình thức
Để bảo đảm tiến độ thời gian năm học, giảm áp lực cho học sinh trong điều kiện học tập khó khăn hơn các năm trước, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chủ động yêu cầu các nhà trường tăng cường các hình thức học tập từ xa, tinh giản nội dung chương trình, ban hành bộ đề thi tham khảo kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2020.
Tại Hà Nội, ngoài việc tích cực chỉ đạo, tổ chức dạy học qua internet, Sở Giáo dục và Đào tạo đã triển khai hai hình thức học: Học trên kênh HTV1, HTV2 (Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội) và qua hệ thống học tập trực tuyến Hanoi Study tại địa chỉ: http://study.hanoi.edu.vn.
Theo ghi nhận, hầu hết các nhà trường đã chủ động thực hiện nhiều hình thức để tổ chức hỗ trợ học sinh học tập, không còn tâm lý dạy cầm chừng như thời gian đầu nghỉ học để phòng, chống dịch Covid-19. Bà Nguyễn Thị Vân Khanh, Ủy viên Hội đồng Quản trị phụ trách Trường Trung học cơ sở - Trung học phổ thông Hà Thành (quận Bắc Từ Liêm) cho biết: Từ giữa tháng 2-2020, nhà trường đã tổ chức dạy học qua internet cho học sinh và dành sự ưu tiên về mọi mặt cho 184 học sinh lớp 12. Xác định việc học tập qua mạng internet có những hạn chế so với hình thức học trực tiếp, nhà trường đã tổ chức dạy theo các nhóm học sinh...
Để khắc phục những khó khăn trong việc tổ chức dạy học qua mạng internet, các trường học ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn đã có nhiều giải pháp. Theo ông Nguyễn Duy Bỉnh, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Minh Quang (huyện Ba Vì), qua rà soát, nhà trường nhận thấy có gần 10% trong tổng số 230 học sinh lớp 12 chưa có thiết bị để có thể học tập qua mạng internet, giáo viên của trường đã trực tiếp chuyển các nội dung hướng dẫn học và bài tập về nhà cho các em. Những học sinh có điện thoại cố định thì giáo viên giao bài qua điện thoại; một vài học sinh thuộc hộ gia đình chưa có ti vi được hướng dẫn, hỗ trợ để có thể học nhờ nhà hàng xóm hoặc nhà bạn...
Em Trần Hoài Nam, học sinh Trường Trung học phổ thông Nguyễn Gia Thiều (quận Long Biên) chia sẻ: "Đến nay, em đã quen với việc học tại nhà, các giờ học cũng không bị chồng chéo, trong đó buổi sáng học trên truyền hình, buổi chiều học qua mạng internet với thầy, cô giáo của trường. Việc lùi thời gian tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia một tháng rưỡi so với năm trước và đã có đề thi tham khảo, phần nào giảm áp lực cho chúng em trong quá trình học tập".
Nắm vững kiến thức cơ bản, phát huy tinh thần tự học
So với các năm trước, học sinh lớp 12 năm nay chịu nhiều áp lực hơn, do nghỉ học kéo dài và phải điều chỉnh cách thức học tập, vì ảnh hưởng của dịch Covid-19. Để học tập hiệu quả, sẵn sàng cho kỳ thi trung học phổ thông quốc gia (dự kiến diễn ra từ ngày 8 đến 11-8-2020), ngoài việc nghiêm túc học tập trên truyền hình và qua internet, học sinh cần chủ động cập nhật những thông tin mới về kỳ thi để có cách thức học tập phù hợp, tránh bị quá tải.
Theo ông Sái Công Hồng, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), qua phân tích đề thi tham khảo cho thấy, có 70% số câu hỏi trong phạm vi kiến thức cơ bản, 20% câu hỏi ở mức độ vận dụng và 10% câu hỏi ở mức độ vận dụng cao. Hiện tại, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tinh giản nội dung chương trình học kỳ II lớp 12, chỉ còn lại những kiến thức cơ bản. Vì vậy, học sinh có thể yên tâm học tập theo nội dung bài học mà giáo viên truyền đạt ở các giờ dạy qua internet, trên truyền hình.
Để khắc phục khó khăn trong quá trình học tập từ xa, thầy giáo Nguyễn Như Tùng, Trường Trung học phổ thông Phan Đình Phùng (quận Ba Đình) - một trong những nhà giáo đảm nhận việc dạy học trên truyền hình cho học sinh trên địa bàn Hà Nội cho rằng, trong quá trình giảng dạy, các giáo viên khó có thể xác định được mức độ tiếp nhận kiến thức của học sinh, nên các em phải tự giác học tập, vào học đúng giờ và thực hiện đầy đủ các yêu cầu.
Còn ông Lê Việt Dương, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Trương Định (quận Hoàng Mai) lưu ý, nếu nhận thấy chưa vững kiến thức, học sinh có thể mở lại các bài giảng trên truyền hình để học lại. Trong trường hợp cần sự hỗ trợ, các em hoàn toàn có thể liên lạc với thầy, cô giáo.
Liên quan đến vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Lê Ngọc Quang cho biết, Sở đã xây dựng kế hoạch dạy học trên truyền hình, bảo đảm để học sinh hoàn thành chương trình vào trước ngày 15-7-2020. Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng dự kiến tổ chức khảo sát chất lượng học tập của học sinh lớp 12 trên hệ thống học tập trực tuyến Hanoi Study để đánh giá chất lượng và kịp thời điều chỉnh trong quá trình tổ chức dạy học.
“Toàn bộ nội dung bài giảng trên truyền hình và qua internet đã được thực hiện theo hướng dẫn tinh giản của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Học sinh cần phát huy tinh thần tự học, nắm vững kiến thức cơ bản, bởi đây là những kiến thức nền tảng để các em trưởng thành trong tương lai; đồng thời, cũng là để học tập tốt ở bậc học sau, chứ không nên có tư tưởng trông chờ vào phương án bỏ thi”, ông Lê Ngọc Quang nhấn mạnh.
Trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2020, ngoài 3 môn: Toán, ngữ văn, tiếng Anh bắt buộc, học sinh còn phải lựa chọn một trong hai bài tổ hợp để dự thi, đó là: Khoa học tự nhiên (gồm ba môn vật lý, hóa học, sinh học) hoặc khoa học xã hội (lịch sử, địa lý, giáo dục công dân). Đề thi năm nay sẽ không vào các nội dung kiến thức đã tinh giản, song học sinh cần lưu ý vẫn có thể vào phần tự học có hướng dẫn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.