Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2017: Đã giải tỏa nỗi lo?

Thống Nhất| 06/10/2016 06:54

(HNM) - Chiều qua, 5-10, Bộ GD-ĐT đã công bố đề thi minh họa các môn của kỳ thi THPT quốc gia năm 2017. Đây là năm đầu tiên hình thức thi trắc nghiệm được áp dụng cho hầu hết các môn (4/5 môn), cũng là năm đầu tiên Bộ GD-ĐT tổ chức thi theo hình thức bài thi tổ hợp, nên học sinh (HS) có phần căng thẳng hơn.



Kỳ thi THPT quốc gia 2017 sẽ áp dụng hình thức thi trắc nghiệm với hầu hết các môn. Ảnh: Viết Thành



Mức độ trùng lặp của các đề thi là 20%

Nhằm tạo thuận lợi cho HS trong việc ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2017, Bộ GD-ĐT đã công bố 14 đề thi minh họa của các môn thi, bao gồm: Ngữ văn, toán, vật lý, hóa học, sinh học, giáo dục công dân, lịch sử, địa lý, tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Trung, tiếng Đức và tiếng Nhật. Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT lưu ý: Các đề thi minh họa sẽ không được sử dụng làm đề thi chính thức trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2017. Việc công bố đề thi minh họa các môn nhằm giúp giáo viên, HS hình dung được mức độ yêu cầu của đề thi chính thức để có kế hoạch dạy, học và ôn tập phù hợp, đạt hiệu quả cao. Mỗi HS trong phòng thi có đề thi riêng, mức độ trùng lặp của các đề thi chỉ khoảng 20% nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng HS có thể nhìn bài, bảo bài nhau.

Ghi nhận tại các trường THPT công lập, ngoài công lập và trung tâm giáo dục thường xuyên trên địa bàn TP Hà Nội cho thấy, ngay khi có thông tin về cấu trúc đề thi minh họa, ban giám hiệu các trường đã yêu cầu các tổ bộ môn chủ động xây dựng kế hoạch dạy học và ôn tập bám sát theo yêu cầu mức độ và nội dung kiến thức trong đề thi. Nhận định ban đầu từ các giáo viên, nội dung đề thi minh họa nằm trong chương trình lớp 12, như vậy nội dung ôn tập cũng nằm trong phạm vi này, vì vậy, các em HS lớp 12 hiện nay có thể hoàn toàn yên tâm nếu tập trung ôn tập tốt ngay từ bây giờ.

Dù vậy, trước khá nhiều điều chỉnh của kỳ thi năm nay, phía HS vẫn không khỏi lo lắng. “Chỉ riêng việc đổi cách thức thi từ môn thi đơn lẻ sang bài thi tổ hợp đã là một thách thức không nhỏ với chúng em, bởi chỉ còn 8 tháng nữa là kỳ thi diễn ra mà khối lượng kiến thức cần thu nạp không nhỏ. Thực tế, nhìn vào số bài thi thì có giảm so với năm trước, nhưng do có hai bài thi tổ hợp (mỗi bài thi gồm 3 môn) nên số môn thi chúng em phải học lên tới 9 môn” - em Nguyễn Hoàng Lan, Trường THPT Phúc Lợi (Long Biên) chia sẻ.

Thầy Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường THPT Việt-Đức (Hoàn Kiếm) cho biết: Ngay khi Bộ công bố dự thảo phương án thi hồi đầu năm học, nhà trường đã nắm bắt chủ trương để định hướng dạy học, ôn tập cho HS. Nay có đề thi minh họa, cô và trò sẽ bám sát nội dung, mức độ yêu cầu của từng môn để xây dựng phương thức ôn tập hiệu quả. Hơn 600 HS của trường được chia thành các nhóm, vừa bảo đảm ôn tập theo khối thi truyền thống, vừa bổ sung kiến thức để có thể đăng ký ở các tổ hợp mới.

Còn tại Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Ba Đình), Hiệu trưởng Nguyễn Tùng Lâm cho biết mặc dù chưa nhận được thông tin chính thức về các đề thi minh họa, song qua thông tin từ các thầy cô giáo và HS, ông cho rằng việc Bộ GD-ĐT kịp thời công bố cấu trúc đề thi mẫu sẽ giúp cô và trò mường tượng cụ thể hơn về nội dung, hình thức thi từng môn. Việc dạy, học của thầy và trò chắc chắn tập trung hơn và bớt đi những âu lo không đáng có.

Băn khoăn với tổ hợp, trắc nghiệm

Đây là năm đầu tiên Bộ GD-ĐT áp dụng hình thức bài thi tổ hợp, trong đó bài thi khoa học tự nhiên là tổ hợp vật lý, hóa học, sinh học; bài thi khoa học xã hội là tổ hợp lịch sử, địa lý, giáo dục công dân. Đây cũng là kỳ thi đầu tiên nhiều môn học được tổ chức thi trắc nghiệm. Hầu hết các hiệu trưởng khi được hỏi đều cho rằng, với sự điều chỉnh về phương thức thi như vậy thì giáo viên cần là những người vững tin, chắc việc trước tiên, định hướng cho HS hiểu cốt lõi vấn đề là phải nắm vững kiến thức, hình thức thi chỉ là yêu cầu thể hiện, từ đó mới có thể triển khai phương án ôn tập phù hợp cho các em.

Tuy nhiên nhiều phụ huynh vẫn không khỏi băn khoăn: Thời gian chuẩn bị từ nay tới ngày thi quá ngắn, HS phải đối mặt với 4 môn lần đầu thi trắc nghiệm như toán, lịch sử, địa lý, giáo dục công dân. Trong đó khó nhất là môn giáo dục công dân bởi kiến thức đòi hỏi đan xen giữa lý thuyết và cuộc sống, mà dường như chưa khi nào môn này có tên trong danh mục của các kỳ thi - chị Nguyễn Thị Ngân, phụ huynh HS Trường THPT Phan Huy Chú (Đống Đa) bày tỏ.

Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành (Cầu Giấy), bà Nguyễn Thu Anh nhận định: Kỳ thi này có sự thay đổi lớn với 4 trong số 5 bài thi đều là trắc nghiệm, chỉ môn ngữ văn thi theo hình thức tự luận, nên tác động không nhỏ tới giáo viên và HS. Tư duy môn chính, môn phụ không còn. Các môn học đều phải được triển khai dạy học nghiêm túc ngay từ thời điểm này, nếu không sẽ là quá tải.

Năm học 2016-2017, Hà Nội có khoảng 85 nghìn HS lớp 12. Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Phạm Văn Đại cho biết, đã triển khai công tác dạy và học chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia tới toàn bộ 238 trường có HS lớp 12, trong đó đặc biệt chú ý tới việc tổ chức cho HS làm quen với hình thức thi trắc nghiệm. Yêu cầu được nhấn mạnh với đội ngũ giáo viên là dạy đúng, dạy đủ chương trình, bám sát yêu cầu chuẩn kiến thức và kỹ năng, tránh học tủ, học vẹt. Sở GD-ĐT cũng đã chủ động chỉ đạo các nhà trường điều chỉnh phương pháp dạy, học, kiểm tra đánh giá đối với HS khối lớp 10, 11 ngay từ thời điểm này nhằm sẵn sàng đáp ứng những yêu cầu của đổi mới thi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2017: Đã giải tỏa nỗi lo?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.