Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chưa thống nhất về mô hình tổ chức VKSND cấp huyện hay khu vực

Vân An| 05/06/2014 10:04

(HNMO) – Mô hình tổ chức VKSND cấp huyện hay khu vực là một nội dung được các đại biểu sôi nổi cho ý kiến trong phiên thảo luận sáng nay (5/6) về dự án Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi).


Đa số ý kiến đại biểu nhất trí với tên gọi, phạm vi điều chỉnh, cơ cấu, nội dung của dự thảo luật. Các đại biểu đề nghị dự thảo hoàn thiện thêm việc sắp xếp các chương, mục, điều cho hợp lý, bảo đảm phù hợp với Hiến pháp và các luật về tổ chức bộ máy Nhà nước; bảo đảm sự kiểm soát, chế ước lẫn nhau giữa các cơ quan tư pháp; quy định đầy đủ, rõ ràng về mối quan hệ giữa VKSND với Hội đồng nhân dân; có sự thống nhất, tương thích với dự thảo Luật tổ chức Tòa án nhân dân (TAND) (sửa đổi)….

Về nhiệm vụ, quyền hạn của VKSND, nhiều ý kiến cho rằng nội dung các quy định là chưa rõ, chưa phân biệt được hai chức năng của VKSND là thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, còn lẫn lộn giữa quyền hạn và trách nhiệm. Vì vậy, Ban soạn thảo cần chú ý, nếu quy định theo kiểu liệt kê thì phải bảo đảm đầy đủ, bao quát hết các trường hợp; phải rà soát, sửa đổi để phân biệt cụ thể, rõ ràng hai chức năng của VKSND, đồng thời căn cứ vào quy định của Hiến pháp để cụ thể hóa chức năng, nhiệm vụ của VKSND, không quy định thêm các chức năng, thẩm quyền khác.

Một số ý kiến đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định về chức năng, nhiệm vụ của VKSND để nâng cao vai trò của VKSND trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra vụ án hình sự; bổ sung cơ chế giúp VKSND kiểm sát việc phân loại, xử lý các hành vi vi phạm, bảo đảm toàn diện, nghiêm minh, không bỏ lọt tội phạm; quy định VKSND có một cơ cấu bộ máy, cán bộ riêng để thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp, tách bạch với bộ máy, cán bộ thực hiện chức năng thực hành quyền công tố.

Về chức năng, nhiệm vụ của VKSND, các đại biểu đề nghị, quy định về vấn đề này trong luật cần bám sát và thể chế hóa đầy đủ quy định của Hiến pháp. Đặc biệt, các đại biểu lưu ý, dự luật cần làm rõ nội hàm khái niệm “thực hành quyền công tố”, bởi việc quy định nội dung thực hành quyền công tố bao gồm xác định tội phạm và người phạm tội là chồng chéo với chức năng của Cơ quan điều tra.

Các đại biểu cũng đề nghị làm rõ hơn phạm vi và mối quan hệ giữa nguyên tắc “tập trung thống nhất do Viện trưởng lãnh đạo” với nguyên tắc “tranh tụng trong xét xử được bảo đảm” theo quy định của Hiến pháp.

Liên quan đến mô hình tổ chức VKSND cấp cao, một số ý kiến cho rằng, cơ sở lập luận về sự cần thiết phải tổ chức VKSND cấp cao chưa thuyết phục. Cơ quan soạn thảo cần giải trình rõ hơn về chức năng, nhiệm vụ của VKSND cấp cao; mối quan hệ giữa VKSND cấp cao với VKSND cấp tỉnh, VKSND khu vực, đồng thời đưa ra hai phương án thành lập hoặc không thành lập VKSND cấp cao, trong đó nêu rõ sự cần thiết, vị trí, vai trò của VKSND cấp cao để đại biểu Quốc hội xem xét, thảo luận.


Đặc biệt, về mô hình tổ chức VKSND cấp huyện hay VKSND khu vực, nhiều ý kiến nhất trí với phương án giữ nguyên mô hình tổ chức VKSND cấp huyện như hiện nay vì mô hình tổ chức của VKSND không nhất thiết phải hoàn toàn phù hợp với mô hình tổ chức của TAND do phần lớn hoạt động của VKSND gắn liền với hoạt động của Cơ quan điều tra. Mặt khác, mô hình tổ chức VKSND cấp huyện như hiện nay vẫn đang phát huy tốt hiệu quả hoạt động.

Các đại biểu nhận định, việc thành lập VKSND khu vực không những gây tốn kém mà còn gặp nhiều khó khăn, không bảo đảm tính đồng bộ với Cơ quan điều tra và Cơ quan Thi hành án (vẫn tổ chức theo cấp huyện); cơ chế giám sát của Hội đồng nhân dân đối với hoạt động của VKSND khu vực cũng chưa rõ ràng. Nếu muốn triển khai, trước tiên nên thí điểm để rút kinh nghiệm.

“Mô hình như hiện nay là phù hợp vì 2/3 biên chế hiện nay của VKS gắn liền với hoạt động của cơ quan điều tra, thi hành án… nên tổ chức bộ máy phải gắn với cơ quan điều tra là cấp huyện, chứ không thể khu vực được. VKS phải chống oan sai ngay từ khâu điều tra, nên để nâng cao chất lượng tư pháp, không phải là cải cách trụ sở, mô hình mà phải cải cách con người, lương tâm, trách nhiệm của người làm nhiệm vụ”, đại biểu Đỗ Văn Đương – TP Hồ Chí Minh nói.

Tuy nhiên, cũng không ít ý kiến ủng hộ phương án tổ chức VKSND khu vực, vì vừa bảo đảm phù hợp với hệ thống tổ chức của TAND, vừa bảo đảm tính khách quan, độc lập trong hoạt động của các cơ quan này theo đúng tinh thần cải cách tư pháp.

Có ý kiến còn cho rằng, Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị đã xác định việc thành lập TAND sơ thẩm khu vực và VKSND cũng được tổ chức phù hợp với hệ thống tổ chức của Tòa án nhưng việc triển khai quá chậm.

Bên cạnh đó, một số đại biểu tuy nhất trí với mô hình tổ chức VKSND khu vực nhưng đề nghị quy định linh hoạt để tùy hoàn cảnh cụ thể ở từng địa phương có thể thành lập theo từng đơn vị cấp huyện hoặc liên huyện. Một số ý kiến khác cũng tán thành nhưng đánh giá các căn cứ nêu trong Tờ trình của VKSNDTC còn chưa đầy đủ và thuyết phục.

Có ý kiến cho rằng mô hình tổ chức của VKSND cần bảo đảm phù hợp với mô hình tổ chức của TAND. Do vậy, việc quy định mô hình tổ chức VKSND cấp huyện hay VKSND khu vực sẽ phụ thuộc vào việc quyết định mô hình tổ chức TAND cấp huyện hay TAND sơ thẩm khu vực.

Giữa hai luồng ý kiến trái chiều, một số đại biểu cho rằng, Ban soạn thảo nên nghiên cứu kỹ lưỡng và giải trình rõ hơn về các phương án tổ chức VKSND cấp sơ thẩm, trong đó cần nêu rõ ưu điểm, nhược điểm của từng mô hình, đặc biệt là mối quan hệ với Cơ quan điều tra, Cơ quan Thi hành án, cơ chế giám sát của Hội đồng nhân dân với tổ chức và hoạt động của VKSND khu vực; thống kê cụ thể số lượng VKSND khu vực nếu được thành lập, giảm được bao nhiêu đơn vị so với mô hình tổ chức hiện nay; làm rõ vị trí, vai trò của VKSND khu vực trong hệ thống chính trị… Trên cơ sở đó, đại biểu Quốc hội mới có đầy đủ căn cứ để lựa chọn mô hình tổ chức VKSND phù hợp.

Ngoài các nội dung này, các đại biểu cũng cho ý kiếnvề tổ chức và nhiệm vụ của cơ quan điều tra VKSND, kiểm sát viên, bảo đảm hoạt động của VKSND…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chưa thống nhất về mô hình tổ chức VKSND cấp huyện hay khu vực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.