Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chưa thống nhất mức tăng thuế suất tài nguyên

Theo Báo Điện tử ĐCSVN| 21/08/2013 16:18

Sáng 21/8, trong ngày làm việc cuối cùng của Phiên họp thứ 20, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về Nghị quyết của UBTVQH sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 928/2010/UBTVQH10 về việc ban hành biểu mức thuế suất thuế tài nguyên.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc sáng 21/8. Ảnh: vov.vn


Cần cân nhắc kỹ khi tăng thuế suất tài nguyên


Theo Tờ trình của Chính phủ, thuế suất thuế tài nguyên đang được thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 928/2010/UBTVQH12, có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2010. Qua 3 năm thực hiện Nghị quyết số 928 đã bộc lộ bất cập, đòi hỏi ban hành Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 928/2010/UBTVQH12.

Theo Tờ trình, việc điều chỉnh mức thuế suất thuế tài nguyên tập trung vào 3 nhóm tài nguyên: Nhóm khoáng sản kim loại, nhóm khoáng sản không kim loại và nhóm nước thiên nhiên.

Cụ thể, theo Biểu mức thuế suất thuế tài nguyên thì nhóm khoáng sản kim loại bao gồm 13 loại, với 4 mức thuế suất là: 10% (áp dụng đối với sắt; bạch kim; bạc, thiếc; vôn-phờ-ram, ăng-ti-moan; chì, kẽm; đồng, ni-ken; cô-ban, mô-lip-đen, thủy ngân, ma-nhê, va-na-đi và khoáng sản kim loại khác), 11% (áp dụng đối với măng-gan và ti-tan), 12% (áp dụng đối với nhôm và bô-xít) và 15% (áp dụng đối với vàng và đất hiếm).

Để thực hiện mục tiêu không khuyến khích việc khai thác tài nguyên không tái tạo có giá trị kinh tế lớn, góp phần bảo vệ nguồn tài nguyên, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân nơi có khoáng sản được khai thác, Chính phủ đề nghị nâng mức thuế suất đối với sắt hiện hành từ 10% lên 13%; thuế suất hiện hành đối với ti-tan từ 11% lên mức 16%; vàng từ 15% hiện hành nâng lên mức 22%; với vonfram và antinmon từ 10% nâng lên mức 18%; đồng và ni-ken từ 10% thuế suất hiện hành nâng lên mức 15% đối với đồng và 12% đối với ni-ken; giữ nguyên mức thuế suất hiện hành đối với bô-xít là 12% và thiếc là 10%.

Về thuế suất đối với nhóm khoáng sản không kim loại, Chính phủ đề nghị điều chỉnh thuế suất đối với đá, sỏi từ 6% lên 7%; cát từ 10% lên 11%; đất làm gạch từ 7% lên 10%; apatit tăng từ 3% lên 5%; than tăng từ 5-7% lên tương ứng là 7-9%.

Đối với nhóm nước thiên nhiên dùng cho mục đích khác (ngoài mục đích dùng cho sản xuất nước sạch), Chính phủ đề nghị thuế suất 3% nếu sử dụng nước mặt và 5% nếu sử dụng nước dưới đất. Đối với nước thiên nhiên dùng cho sản xuất thủy điện, tăng từ 2% lên 4%.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn, với các mức thuế suất dự tính điều chỉnh như nêu trên thì số thu thuế tài nguyên tăng lên khoảng 2.279 tỷ đồng (với giả thiết số thu thuế của các loại tài nguyên khác không thay đổi). Chính phủ cũng đề nghị hiệu lực thi hành của Nghị quyết này là từ ngày 1/1/2014.

Báo cáo thẩm tra do Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Phùng Quốc Hiển trình bày thể hiện khá nhiều quan điểm khác nhau.

Như, với sắt, đa số ý kiến đề nghị xem xét nâng thuế suất lên 15%, nhưng một số ý kiến khác tán thành với mức thuế suất 13% như đề xuất của Chính phủ, và cũng có ý kiến đề nghị giữ nguyên mức thuế suất hiện hành 10% để tạo điều kiện và khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, đổi mới công nghệ khai thác, chế biến loại tài nguyên này.

Với vàng, hiện Luật Thuế tài nguyên quy định khung thuế suất đối với vàng từ 9-25%. Mức thuế suất hiện hành là 15%. Chính phủ muốn nâng lên 22%.

Cơ quan thẩm tra cũng có nhiều loại ý kiến gồm: Loại ý kiến đề nghị giữ như quy định hiện hành là 15%, loại khác tán thành với đề xuất của Chính phủ, và cũng có ý kiến đề nghị nâng thuế suất đối với vàng lên mức trần của khung hiện hành là 25%.

Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển cũng báo cáo thêm thông tin về kiến nghị của một số địa phương, doanh nghiệp và cả Đại sứ quán của một số nước về việc không nên tăng thuế một số loại tài nguyên trong thời điểm hiện nay.

Thảo luận tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn bày tỏ sự băn khoăn, trong điều kiện khó khăn chung của nền kinh tế và khó khăn của doanh nghiệp thì nay lại tăng thuế suất các loại tài nguyên từ mức 1-8% so với thuế suất hiện hành liệu có giải quyết được khó khăn cho các doanh nghiệp hay không? Từ nhận định trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn kiến nghị, trước mắt có thể dừng chưa thông qua Nghị quyết này. Còn nếu phải điều chỉnh thuế suất tài nguyên thì điều chỉnh thấp thôi và có lộ trình cho thích hợp.

Trước câu hỏi của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu và một số đại biểu khác đề nghị cho biết sự khác biệt về thuế suất giữa nước ta với các nước, đặc biệt là những nước mà Việt Nam đang tiến hành đàm phán (như trong Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương - TPP), Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết: Về tỷ lệ, thuế suất của Việt Nam thấp hơn nhiều nước, trong đó có các nước mà Việt Nam đang đàm phán gia nhập TPP (khoảng 80% so với khu vực, 90% so với Australia). Mức thuế đề nghị tăng dựa vào doanh số 3 năm (2010 - 2012) và một số yếu tố khác để bảo đảm lợi ích của doanh nghiệp. Đặc biệt là so với nhiều nước thì mức thuế của Việt Nam vẫn thấp hơn.

Đồng tình cao với đề xuất của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho rằng, hướng quản lý tài nguyên khoáng sản của Việt Nam để xuất khẩu nên học tập theo các nước khác là quản lý tốt tài nguyên của đất nước mình cho hôm nay và mai sau.

”Chủ yếu tài nguyên khoáng sản của ta bán thô là chính với giá rất rẻ, sau đó lại đi mua lại với giá cao để tinh luyện. Một số tài nguyên khoáng sản không có khả năng tái tạo nên nếu bán hết thì còn gì mà dùng, lúc không cần thì bán đi, lúc cần thì lại phải mua lại với giá cao”- ông Nguyễn Văn Hiện nói.

Với cách nhìn nhận như vậy, ông nhất trí cao với Tờ trình của Chính phủ và Bộ Tài chính theo hướng là hạn chế khai thác và để hạn chế khai thác phải tăng cường quản lý nhà nước ở tầm vĩ mô.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu đề nghị xem lại các đánh giá tác động và nên tham khảo thêm ý kiến các hiệp hội và ngành hàng trước khi đưa ra quyết định.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước đề nghị phải làm rõ hơn lợi ích của doanh nghiệp và độ tin cậy của doanh nghiệp nước ngoài với pháp luật Việt Nam. Cùng với đó là làm rõ vấn đề giải quyết việc làm cho lao động như thế nào nếu tăng thuế suất tài nguyên…

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ, quan điểm là không khuyến khích khai thác và xuất khẩu tài nguyên khoáng sản. Tuy nhiên, việc tăng mức thuế suất tài nguyên là vấn đề quan trọng, có tác động lớn nên cần nghiên cứu kỹ.

Nhấn mạnh đây là vấn đề quan trọng, có tác động lớn nên cần nghiên cứu kỹ, ý kiến cơ quan trình và cơ quan thẩm tra còn rất khác nhau, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chỉ rõ: "Chúng ta không khuyến khích xuất khẩu tài nguyên thô, nhưng cũng phải bảo đảm nhất quán chủ trương với doanh nghiệp và thông lệ quốc tế."

Sau khi thảo luận, UBTVQH thống nhất đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra tiếp thu ý kiến tại phiên thảo luận này để tiếp tục bàn thảo, nghiên cứu và thống nhất phương án trước khi trình UBTVQH cho ý kiến vào phiên họp tới.

Tiền lương, tiền thưởng, cơ chế khoán nên có quy định về mức trần hợp lý

Cũng trong sáng nay, UBTVQH thảo luận cho ý kiến nội dung Tờ trình của Chính phủ về việc đánh giá kết quả thực hiện cơ chế quản lý tài chính và biên chế của hệ thống Kho bạc Nhà nước giai đoạn 2009 - 2013 và đề xuất phương án cơ chế quản lý và biên chế của Kho bạc Nhà nước từ năm 2014.

Thảo luận tại Phiên họp, đa số thành viên của UBTVQH cơ bản nhất trí tán thành chủ trương tiếp tục thực hiện cơ chế quản lý tài chính đối với Kho bạc nhà nước từ năm 2014 trở đi như Tờ trình và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách; nhất trí cao việc đánh giá kết quả thực hiện cơ chế khoán tài chính và biên chế thời gian qua như Chính phủ đã đánh giá.

UBTVQH đề nghị cơ quan soạn thảo lưu ý tiếp thu các ý kiến của Ủy ban Tài chính - Ngân sách trong báo cáo thẩm tra. Nội dung chi, tiền lương, tiền thưởng, cơ chế khoán nên có quy định về mức trần hợp lý để quản lý, không nên để vượt quá mức gây bất hợp lý với mặt bằng chi; rà soát nội dung chi, tránh trùng lặp những khoản chi đặc thù và tỉ lệ sử dụng để tăng thu; tiết kiệm chi nên có quy định về tỉ lệ phần trăm cụ thể để quản lý và kiểm soát.

UBTVQH sẽ có Thông báo tới Thủ tướng để ban hành quyết định mới thay thế quyết định cũ về cơ chế khoán.

Phát biểu bế mạc Phiên họp thứ 20 của UBTVQH, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định: Sau hơn một tuần làm việc tích cực, khẩn trương, UBTVQH đã hoàn thành chương trình đề ra.

Tại Phiên họp thứ 20, UBTVQH đã cho ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; thảo luận 7 dự án luật; cho ý kiến về Pháp lệnh cảnh sát cơ động; Nghị định về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế, Nghị định về hoạt động kinh doanh casino; cho ý kiến về Nghị quyết của UBTVQH sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 928 về việc ban hành biểu mức thuế suất thuế tài nguyên; đặc biệt là giám sát báo cáo về việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm chất lượng và chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông…

UBTVQH cũng đã tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Tư pháp và Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường. Đây là một bước tiến trong quá trình giám sát của UBTVQH, cũng là một căn cứ để xem xét, đánh giá trách nhiệm của các Bộ trưởng.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị, UBTVQH, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội... sớm hoàn thiện các văn bản chuẩn bị tốt cho các phiên họp UBTVQH vào tháng 9, 10 và đặc biệt là Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII . Đây là Kỳ họp sẽ thông qua Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, dự án Luật Đất đai và nhiều nội dung quan trọng khác.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lưu ý các cơ quan của Quốc hội chuẩn bị tốt cho việc tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, dự kiến sẽ được tổ chức vào cuối tháng 9, đầu tháng 10 năm nay./.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chưa thống nhất mức tăng thuế suất tài nguyên

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.