(HNMO) - Ngày 20-9, Bộ Tư pháp đã có buổi làm việc với các Sở, ban ngành TP Hà Nội có liên quan nhằm tìm hướng giải quyết 205 lô hàng bán đấu giá không thành, là tang vật phương tiện vi phạm hành chính (VPHC) bị tịch thu sung quỹ nhà nước trên địa bàn Thủ đô.
Theo báo cáo của Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản (Sở Tư pháp), dù đã giảm giá 2 lần theo quy định pháp luật, nhưng những tài sản trên với tổng giá trị khoảng hơn 10 tỷ đồng không có người mua. Dẫn đến tình trạng chất lượng giảm dần, tăng chi phí bảo quản, gây lãng phí cho tài sản Nhà nước.
Qua theo dõi, Sở Công thương cũng khẳng định bất cập này vì các sản phẩm từ dệt may là loại hàng hóa có tính chất thời vụ, sau khi bị bắt, lưu kho thì đã lỗi mốt. Riêng điện thoại di động giá khởi điểm được xác định từ khi bị tịch thu, nhưng đến lúc đưa ra bán đấu đã thay đổi giá trị rất nhiều. Do đó, Sở Tư pháp sẽ đề xuất với UBNDTP Hà Nội sau khi bán đấu giá lần đầu không thành thì cho phép Hội đồng định giá lại giảm giá theo thực tế giá trị tài sản để có thể bán đấu giá thành trong các lần sau. Đại diện Sở Tài chính cũng đồng tình với đề nghị này.
Tuy nhiên theo bà Nguyễn Thị Minh, Phó Vụ trưởng Vụ Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp, phương án giải quyết của Hà Nội cần phải căn cứ trên các quy định của pháp luật. Cụ thể tại Điều 49, Nghị định 17/2010/NĐ-CP “đối với tang vật, phương tiện VPHC thì sau 2 lần giảm giá mà cuộc bán đấu giá vẫn không thành thì tổ chức BĐGTS trả lại cho cơ quan có thẩm quyền ra quyết định tịch thu để thực hiện thanh lý tài sản theo quy định”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.