(HNMCT) - Ở Việt Nam có hai ngôi chùa đều mang tên Hương Tích, một nằm ở xã Hương Sơn (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) và một nằm ở xã Thiên Lộc (huyện Can Lộc, Hà Tĩnh).
Đặt chân đến chùa Hương Tích (tên dân dã là chùa Thơm) trên đỉnh núi Hồng Lĩnh ở Hà Tĩnh - được mệnh danh là “Hoan Châu đệ nhất danh lam”, du khách như lạc vào tiên cảnh với những câu chuyện đậm màu sắc nhân văn.
Một trong 21 thắng cảnh nước Nam xưa
Nếu như cụm di tích chùa Hương ở Hà Nội được mệnh danh là “Nam thiên đệ nhất động” (Động đẹp nhất trời Nam) thì chùa Hương Tích ở Hà Tĩnh được mệnh danh là “Hoan Châu đệ nhất danh lam” - ngôi chùa đẹp nhất vùng Hoan Châu (xứ Nghệ) và là một trong 21 thắng cảnh của nước Nam xưa.
Chùa được đặt tên Hương Tích bởi xung quanh chùa luôn phảng phất mùi thơm. Vì thế, Hương Tích cổ tự còn được gọi một cách dân dã là chùa Thơm. Trải qua nhiều lần hỏa hoạn, Phật phả, bia ký đều bị phá hủy hoàn toàn nên không còn tư liệu xác định chính xác thời gian khởi dựng chùa. Nhưng dựa theo nghiên cứu của các nhà khoa học, chùa Hương Tích được xây dựng vào khoảng thời Trần (thế kỷ XIII).
Nằm ở độ cao 650m so với mực nước biển, chùa Hương Tích nằm trong quần thể gồm thác Giải Oan, khe Quỷ Khốc, bãi Chợ, am Dược Sư, điện Thánh mẫu..., trong đó cụm di tích chính là chùa Hương Tích với nhà bái đường, thượng điện và am Diệu Thiện cổ kính, uy nghi nằm giữa một rừng thông, trúc, mai u tịch...
Từ bãi Chợ, bước qua 97 bậc đá dốc cao, du khách sẽ lên tới bái đường được làm bằng gỗ lim, theo lối kiến trúc thời Lê. Thượng điện (tam bảo) nằm phía sau bái đường, gian trong thờ Phật, gian ngoài để đồ tế khí. Đến thế kỷ XIII, sau khi đánh thắng giặc Nguyên Mông, vua Trần Nhân Tông cho xây lại thượng điện và am Diệu Thiện. Năm 1885, chùa bị cháy. Đến năm 1901, Đào Tấn - quan Tổng đốc An Tĩnh cho xây lại chùa. Năm 2003, tam bảo chùa được trùng tu, xây dựng bằng gỗ lim trên nền cũ. Trong tam bảo hiện còn 54 pho tượng bằng gỗ quý, được tạo tác qua các thời Trần, Lê, Nguyễn.
Trong quần thể di tích chùa Hương Tích, am Diệu Thiện là công trình đáng chú ý với sự tích nàng Diệu Thiện hóa Phật. Du khách hành hương không khỏi xúc động khi nghe câu chuyện về sự hiếu thảo của người con gái út bị vua cha ruồng rẫy nhưng vẫn hết lòng báo đáp ơn cha. Ẩn sau sự tích ấy là những triết lý nhân văn của nhà Phật, nhắc nhở con người luôn mang cái tâm “từ bi hỷ xả” để đối đãi chúng sinh.
Am Diệu Thiện nằm ở lưng chừng núi, dưới một tảng đá lớn nên còn được gọi là chùa Hang. Phía trong am là một hang sâu vô tận, chưa ai đi được đến tận cùng. Am được xây dưới thời Trần Nhân Tông, bằng chứng là các viên gạch ốp in nổi hình con nghê bằng đất nung, mang nét điển hình của phong cách nghệ thuật thời Trần. Phía trước am là tòa sen được xây trên hòn đá nhô ra, có hai hàng chữ “Nam vô Quan thế âm Bồ tát” đúc trong từng viên gạch vuông. Trải qua bao thế kỷ, cảnh vật xung quanh am Diệu Thiện nay vẫn mang vẻ nguyên sơ, linh thiêng, huyền bí.
Điểm đến quan trọng của miền Trung
Nhờ những giá trị đặc biệt về lịch sử, cảnh quan, khảo cổ và văn hóa tâm linh, năm 1990, chùa Hương Tích được công nhận là Di tích văn hóa thắng cảnh cấp quốc gia. Ông Nguyễn Duy Vỵ, Trưởng ban quản lý Khu di tích chùa Hương Tích cho biết: “Hằng năm, chùa Hương Tích đón khoảng 15 vạn lượt khách. Nhằm biến nơi đây thành trung tâm văn hóa tín ngưỡng, trung tâm du lịch văn hóa - lịch sử và là điểm đến quan trọng trong tuyến du lịch Duyên hải miền Trung, thời gian qua, Hà Tĩnh đã quy hoạch, kêu gọi đầu tư, triển khai các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, tôn tạo các khu chức năng như: Nâng cấp đường tới ga đi, ga đến cáp treo; kè đá lát gạch sân Chợ trời, mở rộng bãi giữ xe... Cùng với đó là nâng cấp hệ thống chiếu sáng, xây dựng hệ thống thùng rác bằng bê tông dọc đường bộ; bảo quản hiện vật, đồ thờ có giá trị”.
Sau chuyến hành hương, chiêm bái chùa Hương Tích, ông Đồng Minh Dự, Giám đốc Công ty Vinago’s Travel chia sẻ: “Tôi thực sự bất ngờ trước khung cảnh hùng vĩ, nên thơ của vùng đất địa linh nhân kiệt. Những công trình kiến trúc cổ kính kết hợp với câu chuyện thấm đẫm triết lý nhà Phật khiến người ta giác ngộ. Đây là điểm đến tâm linh mà các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch cần có phương án phát triển để tăng sức hấp dẫn với dòng khách du lịch hành hương”.
Tuy nhiên, để trở thành một điểm đến quan trọng, bên cạnh việc đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ, tỉnh Hà Tĩnh cần tăng cường công tác quảng bá điểm đến; đồng hành cùng các doanh nghiệp du lịch của tỉnh để liên kết với các tỉnh, thành phố khác nhằm đẩy mạnh liên kết tour, tuyến, định vị thương hiệu du lịch văn hóa tâm linh của chùa Hương Tích trên bản đồ du lịch Việt Nam...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.