(HNM) - Trong những phiên giao dịch gần đây, giá dầu thô thế giới có xu hướng giảm và có thời điểm đã
Những hy vọng sẽ giảm giá bán lẻ xăng, dầu
Trong một tuần, giá dầu thế giới đã giảm 1,71%, đánh dấu sự suy giảm đầu tiên trong vòng hơn 1 tháng trở lại đây. Thông tin của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam) công bố hồi đầu tháng 10 cũng cho biết, lượng xăng, dầu sản xuất được của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã tăng 25% so với dự báo. Hiện trong kho của Petro Vietnam còn tồn đọng hàng chục ngàn tấn xăng, dầu. Dự kiến, cuối năm nay sẽ tồn kho khoảng 727.000 tấn xăng, dầu các loại.
Những thông tin này đã khiến người tiêu dùng trong nước hy vọng, giá bán lẻ xăng, dầu sẽ giảm giá do Việt Nam đã sản xuất được mặt hàng thiết yếu này. Tuy nhiên, theo bảng so sánh giá cơ sở so với giá bán hiện hành do Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) công bố ngày 22-10, sau khi trừ đi các khoản, thuế, phí, lệ phí và lợi nhuận định mức, mức giá cơ sở của tất cả các mặt hàng xăng, dầu ma dút, dầu diesel của Petrolimex đều cao hơn giá bán từ 4% đến 5%. Nguyên nhân là do mức giá xăng, dầu thành phẩm do Petrolimex dựa vào để tính giá cơ sở vẫn ở mức khá cao: xăng ron 92 là 85,57 USD/thùng, diesel: 92,05 USD/thùng, dầu hỏa: 92,50 USD/thùng và dầu ma dút là 463,99 USD/tấn...
Ngày 21-10, Bộ Tài chính đã có quyết định đồng ý để DN kinh doanh xăng, dầu đầu mối được sử dụng quỹ bình ổn giá xăng, dầu nhằm bù đắp mức chênh lệch giữa giá bán hiện hành (hiện đang thấp hơn giá cơ sở). Mức sử dụng quỹ bình ổn giá đối với từng chủng loại xăng, dầu cụ thể là xăng: 550 đồng/lít, dầu diesel: 550 đồng/lít; dầu hỏa: 700 đồng/lít; dầu ma dút: 250 đồng/kg. Theo Bộ Tài chính, quyết định này nhằm thực hiện chỉ thị của Thủ tướng nhằm giữ ổn định giá hàng thiết yếu trong thời gian từ nay đến cuối năm. Như vậy, giá xăng, dầu bán lẻ trong nước sẽ chưa giảm như kỳ vọng của người tiêu dùng.
Cần giám sát chặt việc tính giá xăng, dầu cơ sở
Trao đổi với PV Báo Hànộimới về khả năng liệu giá xăng, dầu bán lẻ trong nước có cơ hội giảm giá hay không, ông Vương Đình Dung, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Xăng dầu Quân đội cho biết, giá xăng, dầu mới chỉ giảm trong 1-2 phiên giao dịch gần đây, trên thực tế, giá xăng, dầu thành phẩm tại thị trường Singapore trong 2 tuần đầu tiên của tháng 10 ở mức khá cao. Thậm chí ngày 3-10, giá xăng thành phẩm còn lên mức hơn 90 USD/thùng. Nếu căn cứ theo quy định của Bộ Tài chính thì chưa thể tính đến phương án giảm giá bán lẻ xăng, dầu trong nước trong thời điểm hiện tại.
Trưởng phòng kinh doanh xuất nhập khẩu của một công ty kinh doanh xăng, dầu cho biết, mặc dù lượng xăng, dầu tồn kho tại Dung Quất khá lớn, song do nhà máy mới vận hành nên khấu hao chưa nhiều. Vì vậy, giá xăng, dầu thành phẩm của Dung Quất đang cao hơn khoảng 1-2 USD/thùng so với giá nhập khẩu từ Singapore. Trong bối cảnh các DN xăng, dầu phải tự cân đối lỗ, lãi như hiện nay, đương nhiên, nguồn hàng rẻ hơn sẽ được ưu tiên. Vì vậy, lượng xăng, dầu tồn kho tại Dung Quất hầu như không tác động nhiều đến mức giá cơ sở của DN. Khả năng giảm giá bán lẻ trong nước trong thời điểm hiện tại cũng chưa thể xảy ra. Bởi hiện tại, mức hoa hồng trích cho tổng đại lý khoảng 700-900 đồng/lít xăng. Chỉ khi nào mức này là 1.000-1.500 đồng, cơ hội giảm giá bán lẻ mới được tính đến.
Trên thực tế, các DN kinh doanh xăng, dầu luôn tính đến phương án an toàn nhất cho DN rồi mới nghĩ đến chuyện giảm giá bán lẻ xăng, dầu. Còn với người tiêu dùng, kỳ vọng giá xăng, dầu được điều chỉnh giảm kịp thời theo biến động của giá thế giới cũng hoàn toàn hợp lý. Tuy nhiên, trong bối cảnh quyền điều tiết giá xăng đã được trao cho DN, cần tăng cường vai trò giám sát của các ngành chức năng xung quanh việc xác định giá cơ sở, giá bán lẻ của DN kinh doanh xăng, dầu. Chỉ khi nào việc tính giá xăng, dầu cơ sở được giám sát chặt chẽ, giá bán lẻ được điều tiết kịp thời thì người tiêu dùng mới có thể yên tâm giá xăng được bán ở mức công bằng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.