Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chưa thể kết luận có "lobby chính sách" hay không

Ngân Hạ| 20/08/2013 09:28

(HNMO)- Luật nhiều nhưng chưa đi vào cuộc sống; văn bản hướng dẫn thi hành luật được ban hành quá chậm chễ dẫn đến luật “treo”… là thực trạng được nhiều ĐB nêu chất vấn Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trong sáng nay (20-8)

Đã có 39 ĐB đăng ký nêu câu hỏi, trong đó 25 ĐB đã nêu câu hỏi và nhiều vị tái chất vấn và trao đổi thêm với Bộ trưởng.

Ảnh: VGP.


ĐB Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) nêu chất vấn về việc chậm ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh tới 3-5 năm. Ví dụ như Luật Năng lượng điện tử, Luật Công nghệ cao từ năm 2009, Luật Viễn thông và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục năm 2010 đến nay chưa có hướng dẫn đầy đủ.

“Cử tri cho rằng hiện nay tham nhũng xảy ra trong nhiều lĩnh vực, trong đó có tham nhũng về chính sách pháp luật. Xin Bộ trưởng cho biết có hay không việc này? Thực tiễn có nhiều văn bản mâu thuẫn "đá nhau" để bảo vệ quyền lợi của bộ mình. Bộ trưởng có giải pháp gì để khắc phục? Theo nhiều phương tiện truyền thông đại chúng, hiện có tới 10.000 văn bản có dấu hiệu vi phạm pháp luật, trách nhiệm này thuộc về ai?” – ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) chất vấn.

Trong phần trả lời, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, việc chậm ban hành văn bản hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh, trước đây thuộc trách nhiệm của Văn phòng Chính phủ (VPCP). Kể từ ngày 1-7, VPCP đã bàn giao công việc và Bộ Tư pháp đã đảm nhận. Bộ đang xây dựng quy chế phối kết hợp, phần mềm liên thông giữa hai cơ quan, giữa một bên tham mưu kế hoạch và một bên đôn đốc thi hành. Ngoài ra, Bộ cũng đang cố gắng hoàn thiện để trong tháng 9 tới có thông tư tổ chức thực hiện nhiệm vụ mới CP đã giao.

Bộ trưởng đồng tình với đề nghị của ĐB QH về việc định kỳ 6 tháng QH nên chỉ đạo CP có báo cáo chuyên đề về vấn đề này. Bộ đang cố gắng vào ngày 31-8 sẽ có báo cáo đầy đủ để trình tại kỳ họp tới của QH về toàn bộ câu chuyện ban hành văn bản hướng dẫn thi hành luật và pháp lệnh.

Giải đáp chất vấn của ĐB Nguyễn Bá Thuyền về câu chuyện có lợi ích nhóm hay không và tạo ra tham nhũng trong văn bản quy phạm pháp luật không?, Bộ trưởng khẳng định, quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật là hết sức đầy đủ, chặt chẽ, qua nhiều tầng nấc nên đều được kiểm soát chặt chẽ. Tuy nhiên, cũng không loại trừ có những quy định còn sơ hở

Trả lời câu hỏi của ĐB Trần Thị Quốc Khánh về việc có bao nhiêu văn bản Bộ Tư pháp đã thẩm định mà vẫn lọt, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết, từ đầu nhiệm kỳ tới nay, Bộ đã thẩm định 426 văn bản, mỗi văn bản có khoảng 50 nội dung. Như vậy tổng thể có trên 2 vạn nội dung. “Những sai sót vừa qua gây bức xúc dư luận cũng có nhưng không nhiều lắm so với 2 vạn nội dung. Những văn bản đó CP đã có tiếp thu. Ví dụ như quy định để họ tên cha mẹ trong chứng minh thư nhân dân...”

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cũng đã nêu một số câu hỏi, đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp đánh giá về chương trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của QH hiện nay là tốt hay dở? Chất lượng văn bản pháp luật hiện nay là tốt hay chưa tốt. Tình trạng chậm ban hành văn bản hướng dẫn có nghiêm trọng hay không và Bộ trưởng có định làm cho tốt không và sẽ làm gì?

Bộ trưởng Hà Hùng Cường đánh giá, dù chương trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của QH hiện nay có chuyện “rút, lùi, bổ sung” nhưng kết quả thực hiện ngày càng nề nếp. Chất lượng văn bản quy phạm pháp luật cũng ngày càng tốt hơn. Bộ Tư pháp, với trách nhiệm của mình, tới đây sẽ thực hiện triệt để hơn nữa để giải quyết đồng bộ những thực trạng đang tồn tại và tin tằng sẽ có những chuyển biến tốt hơn.

Trả lời chất vấn của ĐB Trần Xuân Vinh (Quảng Nam) về có hay không tình trạng nhiều đơn vị, doanh nghiệp tranh thủ các bộ, ngành liên quan để có được cơ chế, chính sách có lợi cho đơn vị mình, làm thất thoát tài sản và ngân sách Nhà nước,Bộ trưởng Hà Hùng Cường khẳng định, “Lobby chính sách” ở các nước là phổ biến nhưng ở nước ta thì hãn hữu và không phù hợp. Còn thực chất có lobby hay không, Bộ trưởng xin phép chưa kết luận.

ĐB Lê Nam (Thanh Hóa) nêu nhiều ý kiến cử tri về thực trạng luật pháp ngày càng nhiều nhưng chưa đi vào cuộc sống. Nguyên nhân do nhiều dự án luật chất lượng không cao, chung chung, thiếu văn bản hướng dẫn; việc triển khai pháp luật thường chỉ đến cán bộ, còn chưa đến nhân dân.

“Chưa bao giờ các bộ có nhiều thông tư gây bức xúc cho người dân như vừa qua. Một bộ phận cán bộ làm công tác này xa rời thực tế, làm chính sách trên trời… Phải chăng chất lượng bộ máy tư pháp ở các cơ quan chính phủ trong nhiều năm qua đã bị xem nhẹ, chưa thực sự trở thành kỷ cương” – ĐB này chất vấn.

Bộ trưởng Hà Hùng Cường phản biện lại: “Có lẽ chưa bao giờ cán bộ, công chức, viên chức và người dân ta lại có ý thức cao trong thực thi công vụ, chấp hành luật pháp như hiện nay. Ví dụ như việc đội mũ bảo hiểm xe máy đã trở thành nếp sống, là một thành công rất lớn”.

Theo đề nghị của Bộ Tư pháp, năm 2012, Chính phủ ban hành Nghị định số 59 về vấn đề theo dõi thi hành pháp luật. Nghị định mới này đang triển khai thực hiện, nếu tốt thì câu chuyện thực thi pháp luật của đất nước ta sẽ có chuyển biến hơn nữa trong thời gian tới.

Về những thông tư gây bức xúc dư luận thời gian qua, Bộ trưởng Hà Hùng Cường lý giải, hiện các thông tư và thông tư liên tịch không qua thẩm định của Bộ Tư pháp và theo dõi của VPCP. Tuy nhiên, Bộ vẫn phải có trách nhiệm kiểm tra. “Thực tiễn cũng đúng là có một số quy định đưa ra chưa phù hợp với thực tế. Nhưng cũng phải dần dần đưa cuộc sống vào trật tự, văn minh. Ví dụ như vụ cháy trạm xăng dầu vừa qua nguy hiểm vô cùng. Nghe điện thoại tại chỗ bán xăng gây nguy hiểm cao độ. Việc ra những quy định, cảnh báo, xử phạt nghiêm minh để mọi người dần dần chấp nhận là rất quan trọng” – Bộ trưởng Hà Hùng Cường tiếp tục phản biện lại nội dung chất vấn về “chính sách trên trời” của ĐB Lê Nam.

Cũng trong sáng nay, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Vũ Đức Đam giải trình thêm về vấn đề liên quan đến trách nhiệm của Chính phủ và VPCP trong ban hành văn bản hướng dẫn thi hành luật. Bộ Trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình báo cáo một số nội dung liên quan đến cán bộ làm công tác pháp chế.

Chiều nay, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang sẽ trả lời về các nội dung: Trách nhiệm quản lý nhà nước về khai thác tài nguyên, khoáng sản (vàng, cát,…) gắn với bảo vệ môi trường; kết quả triển khai việc giao và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tình trạng sử dụng đất lãng phí; việc xử lý tồn đọng khiếu nại, tố cáo về đất đai.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chưa thể kết luận có "lobby chính sách" hay không

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.