Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chưa sát thực tiễn

Minh Ngọc| 23/01/2015 05:41

(HNM) - Ngày 22-1, tại TP Việt Trì (Phú Thọ), BCĐ TƯ Phong trào


Nhiều tiêu chí… trên trời

Với mục tiêu dễ nhớ, dễ hiểu, dễ thực hiện, dễ triển khai, dự thảo Bộ tiêu chí quy định rõ các tiêu chuẩn xây dựng con người có nhân cách, lối sống văn hóa, gia đình văn hóa, làng - tổ dân phố văn hóa, cơ quan đạt chuẩn văn hóa công sở, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa… So với các quy định, thông tư về Phong trào TDĐK XDĐSVH hiện hành, dự thảo Bộ tiêu chí có nhiều điểm mới, bao quát hơn, có thể tạo ra sự thống nhất trong chỉ đạo, triển khai thực hiện phong trào trong toàn quốc. Đặc biệt, một trong những nội dung quan trọng của Nghị quyết 33-NQ/TƯ về "Phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước" là xây dựng con người có nhân cách, lối sống văn hóa cũng đã được đề cập trong dự thảo.

Chung tay xây dựng đời sống văn hóa tại xã Yên Trung (huyện Thạch Thất, Hà Nội). Ảnh: Bá Hoạt



Các đại biểu tham dự hội thảo đồng tình với việc cần có Bộ tiêu chí, song cũng đã chỉ ra rất nhiều điểm chưa hợp lý của bản dự thảo này. Ông Vì Xuân Chương, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL Sơn La phân tích: Hiện nay, nhiều chỉ tiêu của Phong trào TDĐK XDĐSVH khá thấp nhưng nhiều địa phương phấn đấu mãi vẫn chưa thực hiện được, vậy mà dự thảo Bộ tiêu chí lại đưa ra chỉ tiêu cao hơn. Chẳng hạn như quy định gia đình đạt danh hiệu văn hóa phải có thu nhập cao gấp 1,5 lần mức trung bình chung, trong khi Thông tư số 12 năm 2011 của Bộ VH,TT&DL chỉ quy định gia đình đó có kinh tế ổn định, có đời sống vật chất, văn hóa tinh thần ngày một nâng cao. Làng, tổ dân phố đạt danh hiệu văn hóa theo Thông tư 12 có tỷ lệ hộ nghèo thấp hơn mức trung bình chung của tỉnh, thành phố; tỷ lệ hộ gia đình có các công trình hợp vệ sinh cao hơn mức trung bình chung…, nhưng dự thảo Bộ tiêu chí yêu cầu phải có ít nhất 95% số hộ gia đình sử dụng các công trình vệ sinh đạt chuẩn; tỷ lệ hộ nghèo dưới 0,5%... "Theo tôi, những tiêu chí này là phi thực tế, nếu không muốn nói là viển vông, nhất là đối với các địa phương ở vùng sâu, vùng xa, miền núi", ông Vì Xuân Chương nhận định.

Tương tự, ông Trần Hữu Sơn, Giám đốc Sở VH,TT&DL Lào Cai nói: "Trên thực tế, chúng ta mới phấn đấu 20% lao động nông thôn được đào tạo, dạy nghề, trong khi dự thảo Bộ tiêu chí đưa ra số lao động trong độ tuổi đã qua đào tạo, tập huấn nghề nghiệp phải đạt mức 70% trở lên, đó là điều không tưởng".

Cần rõ tính đặc thù, khả thi

Để Bộ tiêu chí thực sự trở thành "cẩm nang" cho những người làm công tác văn hóa, có thể thay thế toàn bộ các quy định chồng chéo về Phong trào TDĐK XDĐSVH hiện hành là cần thiết. Theo ông Trần Hữu Sơn, các tiêu chí cần rõ tính đặc thù để có thể áp dụng theo từng vùng (đô thị, đồng bằng và khu vực miền núi), không nên áp tiêu chí chung cho tất cả các địa phương. Khi triển khai, Bộ tiêu chí sẽ tác động đến nhiều mặt của đời sống xã hội nên Ban soạn thảo cần lấy ý kiến rộng rãi của các ngành, giới nghiên cứu và nhân dân. Bộ VH,TT&DL có thể coi đây là một đề tài nghiên cứu khoa học, mục tiêu là tìm ra nội dung sát với thực tiễn hơn. "Bài học về tiêu chí xây dựng nông thôn mới vẫn còn đó. Sau 3 lần chỉnh sửa, bổ sung, nhiều tiêu chí xây dựng nông thôn mới vẫn chưa thể áp dụng trong thực tế. Chúng tôi mong muốn Bộ tiêu chí rõ tính khả thi, tránh được những điểm còn tồn tại, hạn chế của các văn bản trước đó", ông Trần Hữu Sơn nhấn mạnh.

Chia sẻ kinh nghiệm triển khai thành công cuộc vận động TDĐK XDĐSVH ở khu dân cư trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ tỉnh Phú Thọ khẳng định: Trong mọi hoạt động, người dân phải được phát huy quyền làm chủ. Đối với cuộc vận động xây dựng, thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh, người dân cần có quyền biết, có quyền bàn và quan trọng hơn là có quyền hưởng thụ. Bởi vậy, dự thảo Bộ tiêu chí không thể không lấy ý kiến nhân dân, để trên cơ sở đó xây dựng thêm một số tiêu chí nhằm tạo điều kiện cho người dân được hưởng thụ văn hóa ngày một tốt hơn.

Như vậy, dự thảo "Bộ tiêu chí quốc gia thực hiện Phong trào TDĐK XDĐSVH" còn nhiều điểm chưa hợp lý. Về vấn đề này, bà Trịnh Thị Thủy, Chánh Văn phòng BCĐ TƯ Phong trào TDĐK XD ĐSVH, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở khẳng định, Ban soạn thảo sẽ tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu để tổng hợp, chỉnh sửa nội dung dự thảo Bộ tiêu chí, sau đó lấy ý kiến rộng rãi để hoàn thiện trước khi Bộ VH,TT&DL nghiệm thu, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.

Phấn đấu 100% các tỉnh, thành phố có trang thông tin về văn hóa cơ sở
(HNM) - Ngày 22-1, BCĐ TƯ Phong trào TDĐK XDĐSVH đã lấy ý kiến góp ý cho dự thảo đề án "Truyền thông về phát triển văn hóa cơ sở đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030". Theo dự thảo đề án này, đến năm 2030, 100% xã, phường, thị trấn trên cả nước sẽ được cung cấp tạp chí Xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, 100% Sở VH,TT&DL các tỉnh, thành phố và phòng văn hóa - thông tin cấp huyện có chuyên trang thông tin mạng về phát triển văn hóa cơ sở… Cơ bản nhất trí với các mục tiêu trên, nhiều đại biểu kiến nghị đề án sớm được phê duyệt để các địa phương có căn cứ tổ chức triển khai tuyên truyền về văn hóa cơ sở, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chưa sát thực tiễn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.