(HNM) - Theo quy định tại Thông tư 33 của Bộ NN&PTNT, từ ngày 3-9, thịt và phụ phẩm bảo quản ở nhiệt độ thường chỉ được bày bán trong vòng 8 giờ kể từ khi giết mổ nhằm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP).
Thời gian thực hiện còn gần 20 ngày, nhưng theo nhận định của các chuyên gia thì quy định này khó có thể thực hiện được trong thời gian trước mắt. Vậy, đâu là giải pháp để quy định này thực sự đi vào cuộc sống, để không trở thành quy định "treo". Đây là những nội dung được Bộ NN&PTNT họp bàn trong hội nghị về công tác quản lý chất lượng, VSATTP vào chiều 14-8.
Cần nhưng khó thực hiện
Thông tư 33 quy định: "Thịt để trong tủ lạnh dưới 5 độ C phải được sử dụng trước 72 giờ, phụ phẩm thì trước 24 giờ. Không được dùng hóa chất bảo quản. Còn thịt tươi chỉ được bày bán trong vòng 8 giờ kể từ khi giết mổ. Thịt bán phải có dấu kiểm soát giết mổ, tem kiểm tra vệ sinh và giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan thú y...".
Theo nhận định của các chuyên gia và người kinh doanh thì thông tư này chưa sát thực tế và khó tổ chức giám sát, kiểm tra việc thực hiện "thịt bán trong 8 giờ", vì lực lượng chức năng mỏng và thiếu sự phối hợp, kiểm tra chéo giữa các đơn vị liên ngành. Nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) Trần Đáng băn khoăn: Nếu thiếu quy định để thực hiện thì Thông tư 33 rất dễ bị "treo". Phó Cục trưởng Cục Thú y Phạm Văn Đông (Bộ NN& PTNT) cho biết, Cục Thú y đã phối hợp với các đơn vị có liên quan của Bộ NN&PTNT tiến hành lập các tờ trình và chế tài xử phạt trình Bộ NN&PTNT xem xét, để trong quá trình triển khai không xảy ra vướng mắc và khó khăn. Tuy nhiên, theo quyền Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội Cấn Xuân Bình cho biết, quy định về kinh doanh thịt phải bảo đảm VSATTP theo Thông thư 33 sẽ rất khó thực hiện và phải có thời gian. Hà Nội có 1.200 chợ cóc, chợ nhỏ nằm ở rải rác ở các quận, huyện. Hàng thịt được bày bán khắp thôn, xóm, có mặt trong từng ngõ ngách, không có cách gì kiểm soát được chất lượng sản phẩm. Trong khi đó, do thói quen tiêu dùng của người Việt Nam chỉ sử dụng thực phẩm tươi, nên hầu hết các cửa hàng thịt nhỏ lẻ đều không có phương tiện bảo quản.
Thêm nữa, do chế tài xử phạt người kinh doanh hiện nay vẫn thiếu nên việc quy định bán trong thời gian 8 giờ là khó khả thi. Ngoài ra, trung bình mỗi ngày Hà Nội tiêu thụ 500-600 tấn thịt các loại, nhưng các cơ sở giết mổ tập trung chỉ đáp ứng 5-10% còn lại là sản phẩm của 3.700 điểm giết mổ nhỏ lẻ nằm trong các khu dân cư và việc kiểm soát các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ này rất khó thực hiện. Đáng nói là trong khi lực lượng cán bộ thú y còn rất mỏng, không thể kiểm soát nổi các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, thì lấy đâu ra người để kiểm tra, xử lý các cửa hàng, quầy bán lẻ vi phạm quy định bán thịt quá 8 giờ sau khi giết mổ?
Chị Đỗ Thị Thịnh, một tiểu thương buôn bán thịt lợn tại chợ Hà Đông cho biết: "Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, chúng tôi cũng biết được Nhà nước quy định từ ngày 3-9, thịt sống chỉ được bán trong vòng 8 giờ. Hầu hết các lò mổ hoạt động từ 1-3h sáng, phải lấy hàng từ 4h sáng thì đến 12h trưa là phải bán hết, nếu còn cũng không được bán. Quy định này rất khó thực hiện, bởi không phải ngày nào tôi cũng bán được hết thịt từ sáng đến trưa. Đó là chưa kể nếu thịt phải vận chuyển đi các chợ xa thì quỹ thời gian ra sạp thịt không còn bao nhiêu. Bà Nguyễn Thị Xuyên, ở tổ 11, Quang Trung, quận Hà Đông lại băn khoăn vì công việc bận không thể đi chợ vào buổi sáng được, vậy không biết mua thịt ở đâu!
Phải có lộ trình
Theo ông Cấn Xuân Bình, để quy định này có hiệu quả, cần phải có lộ trình thực hiện. Điều quan trọng mấu chốt của việc này là người tiêu dùng phải vào cuộc và thay đổi thói quen, không dùng sản phẩm thịt ôi thiu. Hiện Chi cục Thú y Hà Nội đã lên kế hoạch mở các lớp tập huấn cho cán bộ trạm thú y, lãnh đạo các xã, người kinh doanh… hiểu được quy định này, từng bước tuyên truyền để người dân hiểu và làm theo, không sử dụng các sản phẩm từ thịt không bảo đảm VSATTP. Khi Thông tư 33 có hiệu lực, các ngành chức năng phải thường xuyên kiểm tra các quầy bán hàng thịt tại các chợ, nếu phát hiện sai phạm phải xử lý thật nặng, nếu kiểm tra 2-3 lần mà vi phạm vẫn tái diễn thì tịch thu luôn sản phẩm thịt. Ngoài ra, hiện nay nhiều nội dung của Thông tư 33 còn chung chung, do đó Bộ NN&PTNT cần quy định cụ thể hơn về tiêu chí, hướng dẫn thực hiện, kiểm tra và chế tài xử phạt đối với người kinh doanh không chấp hành đúng quy định.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho rằng, thực hiện Thông tư 33 nhằm cung cấp cho thị trường những sản phẩm thịt bảo đảm chất lượng. Thời gian tới Cục Thú y phải phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh việc giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ, kinh doanh thịt ở các địa phương quản lý chặt chẽ "đầu vào" và "đầu ra" của sản phẩm. Đồng thời, kiên quyết xử lý những cơ sở giết mổ và người kinh doanh thịt vi phạm. Chính quyền, các ban, ngành ở địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về sử dụng thịt an toàn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.