Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chưa rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý

Phong Thu| 11/07/2014 06:09

(HNM) - Hiệu quả đầu tư cho KH&CN và xử lý nhà

Khó định lượng hiệu quả KH&CN?

Một trong những lĩnh vực được nhiều ĐB quan tâm tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 10 này là KH&CN. Các ĐB đề nghị UBND thành phố báo cáo hiệu quả đầu tư kinh phí vào lĩnh vực KH&CN từ đầu nhiệm kỳ đến nay; đặc biệt là việc sản phẩm tàu nạo vét bùn thuộc đề tài "Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo hệ thống thiết bị nạo vét bùn cho các sông thoát nước đã kè bờ của TP Hà Nội" đã bàn giao 4 năm, song vẫn chưa đưa vào vận hành, sử dụng. Trả lời HĐND thành phố, Giám đốc Sở KH&CN Lê Xuân Rao cho biết, từ năm 2011 đến nay, đã có gần 100 đề tài, dự án được đưa vào sử dụng; hơn 570 xã, phường được cấp chứng nhận ISO; Sở KH&CN đã hỗ trợ nhiều doanh nghiệp, địa phương xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa… Về tàu nạo vét bùn chưa đưa vào vận hành, sử dụng, theo Giám đốc Sở KH&CN, nguyên nhân chính là do chưa xây dựng định mức, đơn giá cho sản phẩm; đồng thời cho biết, dự kiến trong tháng này thành phố sẽ hoàn thành việc xác định định mức làm cơ sở đưa tàu vào khai thác, sử dụng.

Chưa hài lòng với các thông tin được giải đáp, ĐB Phạm Thị Thanh Mai (Tổ Hà Đông) thẳng thắn nhận định, thực trạng hoạt động KH&CN đang khiến chúng ta chưa hài lòng. Về việc sản phẩm tàu nạo vét bùn, từ 2 năm trước, Ban Pháp chế HĐND thành phố đã 2 lần rà soát, chỉ ra nhiều hạn chế, nguyên nhân và kiến nghị cụ thể nhưng đến nay, câu trả lời của Sở KH&CN vẫn là "đang làm". Cũng theo bà Phạm Thị Thanh Mai, qua báo cáo trả lời cho thấy, trách nhiệm của Sở KH&CN quá mờ nhạt. Liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Lê Văn Hoạt nêu quan điểm: "Cần làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm. Dường như Sở KH&CN chỉ chịu trách nhiệm nghiệm thu đề tài, chứ chưa quan tâm đến đưa ứng dụng vào thực tiễn".

Các ĐB Nguyễn Hoài Nam (Tổ Hai Bà Trưng), Nguyễn Văn Diên (Tổ Ứng Hòa) cùng băn khoăn: Đề tài KH&CN được đánh giá là sử dụng tốt, vậy địa chỉ ứng dụng đó ở đâu? Tỷ lệ đề tài ứng dụng vào cuộc sống là bao nhiêu? Hiệu quả thế nào? ĐB Đức Thịnh nhận định: Trong báo cáo của Sở KH&CN, tính định lượng về hiệu quả ứng dụng KH&CN rất thấp, cần mở rộng so sánh với các địa phương và các nước khác, cũng như phải đánh giá được bao nhiêu đề xuất, kiến nghị, phát minh sáng chế được đưa vào ứng dụng… Bởi nếu không định lượng được thì rất khó đánh giá hiệu quả. Trả lời vấn đề này, Giám đốc Sở KH&CN cho rằng: "Đặc thù của ngành khó có thể đánh giá, định lượng cụ thể".

Kết luận phần chất vấn liên quan đến lĩnh vực KH&CN, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Ngô Thị Doãn Thanh khẳng định: TP Hà Nội có đủ căn cứ pháp lý, đường lối chủ trương, các điều kiện vật chất tinh thần để xây dựng Hà Nội thành trung tâm phát triển KH&CN. Ngân sách dành cho KH&CN lúc nào cũng đúng quy định, song ngành KH&CN vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi của sự phát triển Thủ đô...

Nhà “siêu mỏng, siêu méo” mọc lên tại một số tuyến phố mới khiến diện mạo đô thị tại đây thiếu khang trang, sạch đẹp. Ảnh: Ngọc Châu


Chưa làm hết trách nhiệm

Tình trạng nhà "siêu mỏng, siêu méo" chưa giải quyết xong tồn tại cũ lại xuất hiện thêm nhiều vấn đề mới. Dẫn chứng cụ thể tại tuyến đường Vành đai 1 (đoạn Hoàng Cầu - Ô Chợ Dừa) nhiều ĐB đề nghị làm rõ giải pháp và lộ trình khắc phục.

Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục cho biết: Khi thực hiện các dự án mở đường theo quy hoạch, việc thu hồi đất giải phóng mặt bằng theo chỉ giới đường đỏ. Do vậy, đã hình thành các công trình, các thửa đất còn lại nằm ngoài chỉ giới mở đường có hình dạng bất hợp lý, không được thu hồi, đặc biệt là đối với các tuyến đường mới đầu tư xây dựng đi qua các khu vực nội đô. Tuyến đường Vành đai 1 (đoạn Hoàng Cầu - Ô Chợ Dừa) khởi công từ tháng 4-2010, hoàn thành đưa vào sử dụng từ tháng 4-2014. Thời gian qua đã phát sinh một số hoạt động xây dựng cải tạo, sửa chữa trên các diện tích đất xen kẹt không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng (58 trường hợp). UBND quận Đống Đa đã phối hợp cùng các sở, ngành tập trung giải quyết được 30/58 trường hợp. Theo lãnh đạo Sở Xây dựng, UBND quận Đống Đa, Ban quản lý Các dự án trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội, các sở, ngành đang tập trung giải quyết tiếp 28 trường hợp "siêu mỏng, siêu méo" còn lại.

ĐB Nguyễn Hoài Nam cho rằng: Phần trả lời là chưa hết trách nhiệm của Sở. Nếu lãnh đạo Sở Xây dựng không nhận trách nhiệm và không quyết liệt chỉ đạo giải quyết thì việc xử lý sau này đối với các trường hợp vi phạm vô cùng khó khăn.

"Chốt" lại vấn đề nhà "siêu mỏng, siêu méo", Chủ tịch HĐND thành phố Ngô Thị Doãn Thanh nhấn mạnh: Đây là vấn đề không mới, chất vấn qua nhiều kỳ nhưng thường xuyên tái diễn. Lần này HĐND thành phố tiếp tục đưa ra để làm rõ nguyên nhân; đồng thời đưa ra những giải pháp để những con đường sau không còn tình trạng như vậy. Theo Chủ tịch HĐND thành phố, dù Sở Xây dựng chưa nêu thời điểm nào sẽ giải quyết xong 28 trường hợp nhà "siêu mỏng, siêu méo" còn tồn tại, nhưng đến kỳ họp cuối năm, vấn đề này phải được giải quyết cơ bản. Đáng chú ý, Chủ tịch HĐND thành phố Ngô Thị Doãn Thanh cho rằng sự phối hợp giữa Sở Xây dựng với các sở, ngành, các cấp chưa tốt, cần được nghiêm túc rút kinh nghiệm để mỗi đơn vị làm tốt nhiệm vụ của mình, góp phần quản lý đô thị tốt hơn. Chủ tọa kỳ họp hy vọng, từ "Năm trật tự và văn minh đô thị - 2014" trở đi, trên địa bàn thành phố sẽ không còn xuất hiện nhà "siêu mỏng, siêu méo".

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chưa rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.