Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chưa quản lý được hoạt động kinh doanh cầm đồ

Thành Tâm| 16/07/2014 05:59

(HNM) - Từ cuối năm 2013, tại diễn đàn Quốc hội đã có ý kiến đại biểu cho rằng vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, trong đó có dịch vụ cầm đồ rất phức tạp, việc xử lý không nghiêm.

Khi đó, Bộ Công an đã thừa nhận còn tình trạng lợi dụng hoạt động kinh doanh dịch vụ cầm đồ để tiêu thụ tài sản do phạm tội mà có, cho vay nặng lãi, siết nợ, đòi nợ thuê, bắt giữ người trái pháp luật… gây ảnh hưởng xấu đến tình hình ANTT. Đại diện Bộ này cho biết, Bộ đã ban hành Chỉ thị số 08/CT-BCA (ngày 19-9-2013) của Bộ trưởng Bộ Công an về tăng cường công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ cầm đồ, dịch vụ đòi nợ. Tuy nhiên, từ đó đến nay những vi phạm trong lĩnh vực này chưa giảm.


Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính (QLHC) về TTATXH cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2014, tại một số địa phương, tình trạng vi phạm pháp luật tại các cơ sở dịch vụ cầm đồ vẫn phức tạp. Nổi lên là hành vi tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Lực lượng công an đã kiểm tra và phát hiện 1.766 trường hợp vi phạm, tăng gần 300 vụ so với cùng kỳ năm 2013. Đây vẫn chưa phải là thống kê đầy đủ, bởi trên địa bàn cả nước hiện có khoảng 28.000 cửa hàng dịch vụ cầm đồ với khoảng 36.000 người hành nghề cầm đồ; và theo ước tính của Cục Cảnh sát QLHC về trật tự xã hội (Tổng cục Cảnh sát QLHC về TTATXH), khoảng 40% cửa hàng dịch vụ cầm đồ có vi phạm. Thiếu tướng Phạm Thanh Đàm, Cục trưởng Cục Cảnh sát QLHC về TTXH cho biết thêm, có đến 60% tài sản cầm đồ là phi pháp, không rõ nguồn gốc. Ngoài ra còn nhiều loại vi phạm khác như kinh doanh không có sổ sách, không kho bãi, lãi suất "cắt cổ"... Chưa kể đến những vụ việc tranh chấp, siết nợ liên quan đến hoạt động cầm đồ.

Tại sao số vụ vi phạm được phát hiện chưa phản ánh đúng thực tế? Bộ Công an cho rằng, nguyên nhân là do đối tượng phạm tội và phần tử xấu thường lợi dụng các ngành nghề kinh doanh có điều kiện về ANTT để hoạt động vi phạm pháp luật. Trong khi đó, chế tài xử lý vi phạm chưa đủ mạnh, tính răn đe, giáo dục còn hạn chế. Bộ Công an cũng không loại trừ tinh thần trách nhiệm của một số cán bộ, chiến sĩ được giao quản lý lĩnh vực này chưa cao và sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng chưa chặt chẽ, thường xuyên. Lãnh đạo Cục Cảnh sát QLHC về TTXH cho rằng, một nguyên nhân khác là do lực lượng làm công tác QLHC phụ trách quản lý dịch vụ, kinh doanh có điều kiện còn quá mỏng, có quận, huyện chỉ có một cán bộ, nên mỗi năm lực lượng chức năng chỉ kiểm tra được tối đa 50% số cửa hàng cầm đồ. Ngoài ra, lực lượng công an hầu như không nhận được sự phối hợp của các ngành chức năng khác như Công thương, Kế hoạch - Đầu tư...

Tại Hà Nội, đầu năm 2014, UBND thành phố cũng đã ban hành chỉ thị yêu cầu CATP và các ngành chức năng điều tra cơ bản, tăng cường kiểm tra, rà soát, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan đến các hoạt động cầm đồ, dịch vụ đòi nợ, phát hiện những sơ hở, thiếu sót trong quản lý để kịp thời khắc phục và xử lý nghiêm minh. Tuy nhiên, đến nay kết quả thực hiện chỉ thị này chưa rõ nét. Các cửa hàng cầm đồ chưa được chấn chỉnh một cách cơ bản. Trong dịp World Cup vừa qua, hoạt động này còn diễn biến phức tạp hơn, với nhiều hình thức mới như cầm đồ qua internet, giao dịch không cần cửa hàng...

Để nâng cao năng lực quản lý nhà nước trên lĩnh vực kinh doanh dịch vụ có điều kiện cũng như ngăn chặn những tiềm ẩn phức tạp về ANTT, trước hết cần siết chặt hoạt động dịch vụ cầm đồ. Các cơ quan chức năng, đặc biệt là lực lượng công an, cần có sự phối hợp chặt chẽ, đầu tư công sức cho công tác này một cách nghiêm túc và quyết liệt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chưa quản lý được hoạt động kinh doanh cầm đồ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.