(HNM) - Động thái của cơ quan quản lý nhà nước (Tổng cục TDTT) yêu cầu Super League phải thay tên, theo giới bình luận bóng đá, chứa đựng nhiều ẩn ý đằng sau và có thể phần nào dự báo trước về tương lai đầy khó khăn của VPF. Và dường như tổ chức non trẻ này đang ngày càng cô đơn sau vụ tranh chấp bản quyền truyền hình.
Trong công văn mới nhất gửi cho VFF, Tổng cục TDTT đã yêu cầu phải giữ nguyên tên gọi bằng tiếng Việt của Giải vô địch bóng đá chuyên nghiệp quốc gia, đồng thời, khi sử dụng tên viết tắt của giải đấu phải có chữ V (viết tắt của từ Việt Nam) ở phần trước tên gọi tiếng Anh và tên đơn vị tài trợ cho giải đấu theo đúng quy định chung (Ví dụ: VLeague-Eximbank Cup 2012). Với yêu cầu này, có thể thấy cơ quan quản lý nhà nước không hài lòng với tên gọi mới là Super League và có thể cái tên này sẽ bị thay bằng một cái tên khác bắt đầu bằng chữ V, kiểu như V-League, V-Super League hoặc thậm chí là VPF League.
Thay đổi tên gọi giải bóng đá chuyên nghiệp ít nhiều gây ảnh hưởng tới việc tổ chức các trận đấu. Ảnh: Minh Hoàng |
Thực ra, trên thế giới cũng chẳng có quy định nào bắt buộc đặt tên cho một giải đấu phải có tên quốc gia ở phía trước. Chẳng hạn, các quốc gia phát triển ở Châu Âu và Châu Mỹ thường không có tên quốc gia trong tên viết tắt của giải đấu: Anh là Premier League hoặc Premiership, Italia là Serie A, Pháp là Ligue 1, Argentina là Primera Division, Mỹ là Major League Soccer… Giải Đức hay Áo cũng đều chung cái tên là Bundesliga, trong đó "bundes" trong tiếng Đức có nghĩa là liên bang, còn "liga" là giải đấu. Gộp lại có nghĩa là giải đấu liên bang. Người Tây Ban Nha cũng gọi giải của mình là Primera Division hoặc Liga BBVA và vắn tắt nhất là La Liga chứ hoàn toàn không có tên quốc gia trong tên gọi.
Ngay cả các giải có đặt tên viết tắt quốc gia phía trước thì cũng không hoàn toàn tuân theo công thức: tên viết tắt quốc gia + League. Chẳng hạn, nếu như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia đều dùng công thức trên (J-League, K-League, A-League) thì người Thái lại đặt tên giải của mình là Thai Premier League, Malaysia là Malaysia Super League, Indonesia là Indonesian Premier League…
Từ thực tế đó có thể thấy, cái tên Super League không phải là vấn đề và không vi phạm bất cứ quy định nào. Buổi họp báo giới thiệu giải đấu cũng như tên gọi mới của nó có mặt đầy đủ đại diện của Tổng cục TDTT cũng như VFF, nhưng chưa thấy ai có ý kiến phải thay tên giải. Thậm chí, như trả lời phỏng vấn của một lãnh đạo VPF thì khi đổi tên giải thành Super League, VPF cũng đã có văn bản xin phép các cơ quan chức năng. Thế nhưng, sau gần 2 tháng vận hành thì bỗng nhiên Super League bị buộc phải thay tên. Việc thay tên giữa chừng này có thể ảnh hưởng đến rất nhiều vấn đề. Đầu tiên là phải làm việc lại với các đối tác tài trợ, bởi hợp đồng tài trợ quy định tài trợ cho một giải đấu mang tên khác. Thậm chí, khi làm việc lại, rất có thể VPF sẽ bị cắt trừ tiền tài trợ do ảnh hưởng của việc thay đổi thương hiệu. Thứ hai, toàn bộ logo của giải đấu sẽ phải làm lại, kéo theo hệ lụy là tất cả các biển quảng cáo trên 12 SVĐ (2 sân Thống Nhất và Hàng Đẫy có 2 đội dùng chung sân) sẽ phải bỏ đi, gây tốn kém không cần thiết.
Thế nên, mới có nhiều nhận định cho rằng, động thái yêu cầu thay tên này không phải là do cái tên "Super League" có tội mà người đặt tên cho nó "có tội". Và như thế, có thể thấy trước là VPF sẽ còn phải đối mặt với nhiều sóng gió hơn nữa chứ không chỉ đơn thuần là chuyện thay một cái tên giải. Chẳng hạn, trong yêu cầu mới nhất của Tổng cục TDTT, toàn bộ điều lệ giải, Quy chế Bóng đá chuyên nghiệp đã được VPF gửi lên Tổng cục bị gửi trả về VFF. Đồng thời, Tổng cục yêu cầu VFF phải phê duyệt các văn bản này rồi mới chuyển lên Tổng cục xem xét. Tức là giờ đây, muốn làm bất cứ động thái gì với các cơ quan quản lý nhà nước thì VPF cũng phải thông qua và được sự đồng ý của VFF. Rơi vào vòng kiềm tỏa của VFF và với sự khác biệt quá lớn trong thời gian qua thì có thể thấy VPF sẽ ngày càng "khó sống".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.