Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chưa nới trần lãi suất huy động

Vân An| 29/04/2011 16:38

(HNMO) – Chiều ngày 29/4, tại phiên họp báo thường kỳ của Chính phủ, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến cho biết, tại thời điểm này, Ngân hàng Nhà nước chưa tính đến việc nới trần lãi suất huy động.


Phiên họp do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì.

Cùng dự có Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Đỗ Quý Doãn, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến.

Xem xét, hỗ trợ bổ sung cho 3 nhóm đối tượng

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã thông báo tóm tắt các nội dung của phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 4.

Nhìn chung, nền kinh tế có những chuyển biến tích cực, đã kiểm soát được tình hình, đặc biệt là về quản lý tiền tệ, tỷ giá, đầu tư công… Bên cạnh đó ,cũng có tồn tại như giá cả tăng cao, lãi suất cao, nhập siêu còn cao (còn nhiều mặt hàng xa xỉ được nhập), đời sống nhân dân, nhất là người ăn lương còn khó khăn…

Bộ trưởng cho biết, Chính phủ đã kết luận một số tình hình: đề nghị các ngành, các cấp theo dõi chặt chẽ tình hình thế giới để có những biện pháp xử lý phù hợp, tập trung thực hiện tốt nghị quyết 11, giữ mức tăng trưởng cần thiết để đảm bảo việc làm cho người lao động...

Làm rõ thêm nội dung phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh cho biết, CP đang thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp trong Nghị quyết 11 của Chính phủ.

“Việt Nam đang có đà phát triển tương đối tốt, cân đối vĩ mô bước đầu ổn định và đã kiểm soát được ở một số lĩnh vực”, Bộ trưởng Ninh nói.

Về giá tiêu dùng tháng 3 tăng cao, Bộ trưởng Ninh cho biết, đó là do nhiều yếu tố tác động, trong đó có ảnh hưởng do 3 nhóm mặt hàng chính tăng cao: giao thông; ăn uống và dịch vụ; vật liệu xây dựng. 3 nhóm này chiếm gần 80% tỷ trọng tăng giá. Thêm vào đó, trong nước vừa rồi thực hiện điều chỉnh giá điện, xăng dầu, điều chỉnh tỷ giá, tiền lương; tình hình kinh tế thế giới đang có triển vọng phục hồi nhưng chậm chạp và các nước đều có lạm phát, khiến giá tăng cao… Tất cả những yếu tố đó đã ảnh hưởng đến chỉ số giá tháng 3.

Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, trước tình hình này, Chính phủ đã nhất trí bổ sung 3 nhóm đối tượng cần xem xét hỗ trợ an sinh xã hội: công nhân lao động trong các DN ngoài nhà nước; chiến sĩ lực lượng vũ trang; học sinh-sinh viên.

Cũng liên quan đến việc sửa thuế thu nhập cá nhân theo hướng miễn giảm thuế cho 1 số đối tượng nhằm tháo gỡ khó khăn trước biến động tăng giá, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho biết, hiện ông chưa thể khẳng định được thời điểm miễn giảm vì thuộc thẩm quyền Quốc hội. Tuy nhiên, ông cũng nhất trí, nên xem xét miễn giảm tùy theo đối tượng cần tháo gỡ khó khăn. Các mức cụ thể Chính phủ sẽ trình Quốc hội.

Chưa đặt vấn đề nới trần lãi suất


Theo ông Nguyễn Đồng Tiến, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, thời gian qua, Ngân hàng nhà nước đã áp dụng những biện pháp cần thiết để quản lý tín dụng nên tính thanh khoản của các ngân hàng có bị ảnh hưởng. Để tháo gỡ, Ngân hàng đã cho phép sử dụng tín dụng thị trường mở.


Về trần lãi suất huy động hiện là 14%, ông Tiến thừa nhận, hiện có một số tổ chức vi phạm, huy động tiền gửi với lãi suất cao hơn mức tiền này. Mặc dù lạm phát có xu hướng tăng, nhưng ông Tiến khẳng định, Ngân hàng Nhà nước chưa đặt vấn đề nới trần lãi suất tại thời điểm hiện tại.

Về tăng trưởng tín dụng, số liệu 4 tháng cho thấy, tín dụng tăng trưởng trên 5%. Nếu duy trì tốc độ này thì để cả năm đạt mức dưới 20% theo ông Tiến sẽ cần phải chỉ đạo chặt và cần sự phối hợp của nhiều biện pháp khác. Ông Tiến cho rằng, ở thời điểm hiện nay, không nên thực hiện thêm những biện pháp thắt chặt tiền tệ, nhưng cũng cần duy trì các chính sách để đánh giá trong 3 tháng tới, từ đó có những giải pháp phù hợp

Về ngoại hối, ông Tiến cho biết, thị trường ngoại hối đã dần đi vào ổn định và có chuyển biến tích cực. Hiện tỷ giá USD-VND trên thị trường tự do đã xuống dưới trần quy định và thấp hơn cả tỷ giá liên ngân hàng. Các DN cũng đã bắt đầu bán ngoại tệ cho ngân hàng. Ngày hôm nay, Ngân hàng Nhà nước đã có thông báo về việc mua ngoại tệ từ các tổ chức dư thừa.

Trong lĩnh vực quản lý vàng, ông Tiến cho biết, trong tuần này sẽ có văn bản của Nngân hàng Nhà nước về việc ngừng huy động cho vay bằng vàng.

Theo ông Tiến, người dân nắm giữ vàng có thể bán lại cho các tổ chức tín dụng hoặc gửi tại két của ngân hàng. Ông Tiến cũng cho biết, điều tra của ngân hàng cho thấy, thực tế người dân gửi vàng không nhiều, chỉ chiếm khoảng 11% lượng huy động trên cả nước, trong đó nhiều tỉnh không có người gửi tiết kiệm bằng vàng. 76% số vàng huy động nằm tại TP.HCM. Điều này cho thấy, vàng đã trở thành phương tiện đầu tư, trong một số trường hợp là đầu cơ. Việc dừng huy động cho vay bằng vàng sẽ có tác động tích cực nhiều hơn tiêu cực.

Về giải pháp cho tiền xu, ông Tiến cho biết, trước mắt, Ngân hàng Nhà nước không tiếp tục đưa tiền xu ra lưu thông hay in đúc thêm. Tuy nhiên, tiền xu vẫn được lưu thông bình thường.

Giải đáp về việc số serie trên đồng tiền polyme của Việt Nam gần đây xuất hiện thêm 2 đầu số 10 và 11, ông Tiến cho biết, 2 số đầu tiên trên đồng tiền thể hiện năm phát hành đồng tiền. Hiện chúng ta đã bước sang các năm của đầu số 10, nên các đồng tiền được in trong các năm 2010 và 2011 sẽ có 2 số serie đầu tiên tương đương là 10 và 11.

Nhà máy điện Hiệp Phước cắt điện không phải do EVN nợ tiền

Về vụ EVN nợ Nhà máy điện Hiệp Phước và Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam, ông Trần Đình Biên, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, EVN nợ là do trong những tháng mùa khô vừa qua, EVN phải huy động nguồn điện giá cao nhưng vẫn phải bán theo giá Nhà nước, nên đã lỗ lớn trong kinh doanh. Lỗ này hình thành trong nhiều năm, đặc biệt là trong những tháng mùa khô 2 năm gần đây. Vì vậy, Bộ Công thương đã chỉ đạo các bên thương thảo nhưng chưa thể giải quyết ngay được. Giá điện vừa rồi mới tăng được 1/3 so với mong muốn của EVN.

Ông Biên cũng khẳng định, việc Nhà máy điện Hiệp Phước cắt điện nguyên nhân chính không phải do EVN nợ tiền mà chính là nhà máy đang huy động nguồn nhiên liệu sản xuất ra điện cao, chủ yếu bằng dầu, nên giá thành sản xuất ra 1kw là hơn 20 cent, trong khi lại bán theo giá nhà nước. Do đó, nhà máy lỗ gần 6 triệu USD và đã thông báo không thể cung cấp điện với mức lỗ lớn như vậy. Hiện Chính phủ đã có phương án đảm bảo bán điện cho người dân thuộc Nhà máy điện Hiệp Phước và chuyển giao lưới điện khu vực này về cho EVN quản lý

Về công tác chuẩn bị cho việc mở thầu thị trường xuất khẩu gạo, ông Biên cho biết, hiện các DN đang hoàn tất thủ tục để xác nhận năng lực, cơ sở vật chất, hạ tầng… để được cấp phép kinh doanh xuất khẩu gạo. Các DN có thời gian chuẩn bị từ nay đến hết tháng 9 và từ 1/9 mới bắt buộc.

Theo ông Biên, hiện chưa có nhà đầu tư nước ngoài nào xin cấp phép kinh doanh xuất khẩu gạo.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chưa nới trần lãi suất huy động

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.