Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chùa Một Cột được công nhận “Ngôi chùa có kiến trúc độc đáo nhất Châu Á”

Minh Ngọc| 13/11/2012 06:04

(HNM) - Sau nửa thế kỷ được xếp hạng Di tích Lịch sử kiến trúc nghệ thuật quốc gia (1962), sau 6 năm được sách kỷ lục Guiness Việt Nam ghi nhận "Ngôi chùa có kiến trúc độc đáo nhất Việt Nam", ngày 12-11, Chùa Một Cột chính thức đón nhận kỷ lục "Ngôi chùa có kiến trúc độc đáo nhất Châu Á" do Tổ chức Kỷ lục Châu Á trao tặng.


Chùa Một Cột còn có tên gọi là Diên Hựu Tự hoặc Liên Hoa Đài, tọa lạc ở phố Chùa Một Cột, quận Ba Đình (Hà Nội). Tương truyền, chùa được xây dựng theo giấc mơ của vua Lý Thái Tông (1028-1054) và theo gợi ý thiết kế của nhà sư Thiền Tuệ vào năm 1049. Trải qua năm tháng, Chùa Một Cột được trùng tu, phục dựng nhiều lần qua các thời Trần, Hậu Lê, Nguyễn. Năm 1954, trước khi rút khỏi Hà Nội, quân Pháp đặt thuốc nổ phá hủy Chùa Một Cột. Năm 1955, Bộ Văn hóa (nay là Bộ VH,TT&DL) tiến hành phục dựng Chùa Một Cột. Công trình được kiến trúc sư Nguyễn Bá Lăng đảm nhiệm. Từ đó đến nay, Chùa Một Cột có hình dáng như bông hoa sen nhô lên trên mặt nước. Chùa hình vuông, làm bằng gỗ, lợp ngói ta, mỗi cạnh 3m, dựng trên một trụ đá, đó là nét độc đáo nhất của ngôi chùa. Trụ đá cao 4m (chưa kể phần chìm dưới nước), đường kính 1,2m, gồm hai khối gắn liền nhau, tưởng như chỉ là một khối. Nóc chùa có mặt nguyệt, đầu rồng chầu mặt nguyệt. Trong chùa, Phật Quan Âm cũng ngồi trên một bông sen bằng gỗ sơn son thiếp vàng ở vị trí cao nhất. "Chùa Một Cột là biểu trưng của đạo Phật, của giác ngộ tự giác (hạnh phúc, tự do), có ý nghĩa văn hóa, tôn giáo to lớn nhưng quy mô lại thu nhỏ với lối kiến trúc độc đáo vượt qua tất cả các kiến trúc đương thời" - Hòa thượng Thích Đức Nghiệp, Phó Tổng Thư ký Giáo hội Phật giáo Việt Nam khẳng định.

Chùa Một Cột được xác lập kỷ lục Châu Á sẽ thêm cơ hội để Hà Nội thu hút khách trong nước, quốc tế và phát triển du lịch. Nhưng ngay từ bây giờ, công tác bảo tồn và phát huy giá trị độc đáo của di tích cần được các ban, ngành chức năng của thành phố Hà Nội cũng như BQL di tích Chùa Một Cột coi là yêu cầu, nhiệm vụ cấp bách. Nói về việc tu bổ, tôn tạo di tích Chùa Một Cột, Đại đức Thích Tâm Kiên, trụ trì chùa cho biết: Dự án tu bổ, tôn tạo Chùa Một Cột đã được xây dựng với kinh phí dự kiến hơn 31 tỷ đồng gồm các hạng mục như tu bổ, tôn tạo chùa, xây mới nhà thờ tổ, nhà tăng, một số công trình phụ trợ... Việc tu bổ, tôn tạo dựa trên cơ sở, căn cứ khoa học và phải hài hòa với quần thể di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh, cho nên dự án vẫn đang được lấy ý kiến để hoàn thiện. Trong khi chờ đợi quyết định cuối cùng từ các cơ quan chức năng, nhà chùa sẽ tăng cường tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá giá trị lịch sử văn hóa và kiến trúc độc đáo, hấp dẫn của di tích tới đông đảo du khách trong nước và quốc tế, giúp họ hiểu hơn về văn hóa Thăng Long - Hà Nội; từng bước huy động tăng ni, phật tử đóng góp để có thể giảm bớt kinh phí từ ngân sách nhà nước.

Sự công nhận của Tổ chức Kỷ lục Châu Á đã một lần nữa khẳng định những giá trị có một không hai của ngôi chùa gần nghìn năm tuổi, đồng thời tạo thêm cơ hội phát triển du lịch cho đất Thăng Long. 

Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam cho biết: Tổ chức kỷ lục Châu Á được thành lập bởi nhóm người nắm giữ nhiều kỷ lục thế giới, trụ sở tại New Delhi (Ấn Độ). Hiện, tổ chức này đã xác nhận gần 200 kỷ lục ở các nội dung như con người có khả năng đặc biệt, có thành tích bất ngờ hay những công trình, đồ vật, hiện vật độc đáo ghi dấu ấn ở các nội dung: Lớn nhất và nhỏ nhất, bộ sưu tập độc đáo, sự sáng tạo, kiến trúc…

Để được xác lập kỷ lục, các tổ chức, cá nhân phải lập hồ sơ đăng ký với Tổ chức kỷ lục trong nước, sau đó hồ sơ được gửi đến Tổ chức kỷ lục Châu Á và tổ chức này sẽ tiến hành thẩm định. Hồ sơ đăng ký xác lập kỷ lục đối với Chùa Một Cột được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam chuyển đến Tổ chức kỷ lục Châu Á từ năm 2006. Chùa Một Cột là kỷ lục Châu Á đầu tiên của Việt Nam ở lĩnh vực kiến trúc tôn giáo.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chùa Một Cột được công nhận “Ngôi chùa có kiến trúc độc đáo nhất Châu Á”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.