(HNM) - TP Hồ Chí Minh hiện có 750 cơ sở y tế bao gồm bệnh viện, phòng khám tư nhân. Tuy nhiên, cơ quan chức năng chỉ mới kiểm soát, xử lý rác thải khu vực y tế nhà nước, còn rác thải rắn y tế của phòng khám tư nhân vẫn trôi nổi lẫn với rác thải sinh hoạt, gây nguy hại cho môi trường.
Khu tập kết rác tạm thời của Bệnh viện Nhân dân 115 (quận 10 - TP Hồ Chí Minh). |
Theo thống kê, khối lượng chất thải rắn y tế phát sinh trên địa bàn TP Hồ Chí Minh dao động từ 12 đến 17 tấn/ngày, do Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị thành phố thu gom tại nguồn. Nhưng việc thu gom mới thực hiện đối với các cơ sở y tế quy mô lớn như các bệnh viện, phòng khám đa khoa, chuyên khoa lớn. Còn lại các cơ sở y tế nhỏ như trạm y tế phường xã, phòng mạch, phòng điều dưỡng, phòng hộ sinh… và một số phòng khám đa khoa tư nhân do 22 công ty TNHH một thành viên dịch vụ công ích của các quận, huyện tổ chức thu gom nhưng vẫn chưa triệt để. Theo Giám đốc Sở TNMT TP Đào Anh Kiệt, hiện có khoảng 10% rác thải rắn y tế của các phòng khám tư nhân nhỏ lẻ để chung vào rác thải sinh hoạt. Đó là chưa nói, trong 285 phòng khám đa khoa, chuyên khoa tư nhân, có đến 200 cơ sở đổ nước thải vào hệ thống chung của thành phố vì chưa có hệ thống xử lý nước thải, ảnh hưởng môi trường nghiêm trọng.
Theo dự báo của Sở TNMT thành phố, với khoảng 15.000 cơ sở y tế tư nhân, cửa hàng kinh doanh dược phẩm, số lượng nguồn phát sinh chất thải rắn y tế của thành phố sẽ tăng nhanh, dự kiến lên đến 40 tấn/ngày vào năm 2019. Trước thực trạng này, tới đây, TP Hồ Chí Minh sẽ kiểm tra, xử lý và ký cam kết đối với các cơ sở hành nghề y tế tư nhân, tránh việc để rác thải y tế lẫn với rác thải sinh hoạt. Đối với các bệnh viện, chất thải được thải ra hằng ngày và thời gian lưu giữ chất thải độc hại là 48 giờ; chất thải lây nhiễm quá 50kg/ngày phải có nhà chứa cách ly và được trang bị thiết bị điều hòa nhiệt độ và không quá 72 giờ. Đối với các cơ sở y tế nhỏ, thời gian lưu giữ các chất thải nhóm chất thải gây lây nhiễm, các vật sắc nhọn, chất thải y tế từ phòng thí nghiệm và chất thải dược phẩm không được quá 1 tuần; riêng chất thải nhóm chất thải bệnh phẩm thì phải được đốt hoặc chôn ngay. Việc vận chuyển chất thải y tế ra ngoài các cơ sở y tế bắt buộc các cơ sở y tế phải ký hợp đồng dịch vụ vận chuyển và xử lý rác thải y tế được các cấp chính quyền địa phương phê duyệt đủ tiêu chuẩn, có biên lai xác nhận việc thực hiện từng đợt. Từ nay đến 2015, Sở TNMT thành phố đề xuất với UBND TP Hồ Chí Minh sử dụng công nghệ xử lý đốt bằng mô hình "Xử lý tập trung bằng lò đốt cố định". Mô hình này không tập trung duy nhất một nhà máy, mà xử lý ở nhiều nhà máy phù hợp với khối lượng rác phát sinh theo khu vực sau đó đưa vào bãi. Mặt khác, ngành chức năng cũng sẽ sớm đưa vào hoạt động bãi chôn lấp an toàn, để tránh tình trạng chất thải đốt rồi không biết đổ tro đi đâu, đành phải bỏ vào chất thải sinh hoạt, tính nguy hại chất thải vẫn có thể thông qua tro khuếch tán vào môi trường.
Mặt khác, TP Hồ Chí Minh đã xây dựng dự thảo "Quy hoạch hệ thống quản lý chất thải TP Hồ Chí Minh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030" nhằm phân loại chất thải thành 5 nhóm: Chất thải lây nhiễm; chất thải hóa học nguy hại; chất thải phóng xạ; chất thải bình chứa áp suất; chất thải thông thường để có hướng xử lý phù hợp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.