(HNM) - Không hạn chế số lần và mức giảm giá, quản lý chặt chẽ các quyết định tăng giá cũng như việc trích lập, sử dụng Quỹ bình ổn giá (BOG) xăng, dầu là những nội dung quan trọng tại nghị định mới về kinh doanh xăng, dầu do Chính phủ vừa ban hành.
Như vậy, sau một thời gian dài chờ đợi, nghị định mới thay thế Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu đã được ban hành với kỳ vọng việc điều hành giá mặt hàng thiết yếu này được thực hiện công khai, minh bạch hơn. Tuy nhiên, vẫn còn đó những băn khoăn trước ngày nghị định mới có hiệu lực vào ngày 1-11-2014.
Tăng giá, phải báo cáo
Sau một thời gian dài chờ đợi với nhiều luồng ý kiến trái chiều nhằm xây dựng và hoàn thiện một nghị định nhằm điều hành chặt chẽ, hiệu quả giá xăng dầu, một mặt hàng thiết yếu có tác động trực tiếp tới nền kinh tế mỗi khi tăng hay giảm giá, Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu vừa được Chính phủ ban hành đầu tháng 9. Theo quy định mới, giá bán, xăng dầu được thực hiện theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước. Thương nhân đầu mối được quyết định giá bán buôn và có trách nhiệm tham gia BOG theo quy định của pháp luật, đồng thời được nhà nước bù đắp lại những chi phí hợp lý khi tham gia BOG. Thời gian giữa hai lần điều chỉnh giá xăng, dầu liên tiếp tối thiểu là 15 ngày đối với trường hợp tăng giá, tối đa là 15 ngày đối với trường hợp giảm giá.
Người tiêu dùng kỳ vọng việc điều hành giá xăng dầu sẽ được công khai, minh bạch hơn. |
Việc điều chỉnh giá xăng, dầu cũng được quy định khá chặt chẽ. Khi các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở giảm so với giá cơ sở liền kề trước đó, trong thời hạn tối đa 15 ngày, thương nhân đầu mối phải giảm giá bán lẻ tối thiểu, tương ứng giá cơ sở tại thời điểm thương nhân điều chỉnh giá; đồng thời, gửi văn bản kê khai giá, quyết định điều chỉnh giá đến liên Bộ Công thương - Tài chính. Thương nhân đầu mối chịu trách nhiệm trước pháp luật về mức giá được điều chỉnh.
Trường hợp điều chỉnh tăng giá bán lẻ xăng dầu, khi các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở tăng trong phạm vi 3% so với giá cơ sở liền kề trước đó, thương nhân đầu mối được tăng giá bán lẻ tương ứng giá cơ sở tại thời điểm thương nhân điều chỉnh giá; đồng thời gửi văn bản kê khai giá, quyết định điều chỉnh giá đến liên Bộ Công thương - Tài chính. Khi các yếu tố cấu thành làm cho giá cơ sở tăng vượt 3%-7% so với giá cơ sở liền kề trước đó, thương nhân đầu mối gửi văn bản kê khai giá, dự kiến mức điều chỉnh giá tới liên bộ. Trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ khi nhận được văn bản kê khai giá, dự kiến mức điều chỉnh giá của thương nhân đầu mối, liên bộ sẽ có văn bản trả lời thương nhân đầu mối về việc điều chỉnh mức giá, sử dụng Quỹ BOG. Quá thời hạn 3 ngày làm việc, nếu liên bộ không có văn bản trả lời, thương nhân đầu mối được quyền điều chỉnh giá bán lẻ tối đa tương ứng với mức giá cơ sở tại thời điểm điều chỉnh nhưng không được vượt quá 7% so với giá cơ sở liền kề trước đó. Nếu các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở tăng trên 7% so với giá cơ sở liền kề trước đó hoặc việc tăng giá ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội và đời sống nhân dân, thì liên Bộ Công thương - Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến về biện pháp điều hành cụ thể.
Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, việc cân nhắc tìm ra một cơ chế cạnh tranh thị trường có yếu tố đầy đủ với việc cho phép nhiều thương nhân tham gia kinh doanh mặt hàng xăng, dầu cũng là việc cần tính đến. Bởi chỉ khi nào thị trường xăng dầu thực sự có cạnh tranh về giá giữa các DN thì giá xăng dầu mới được điều hành bám sát thị trường và người tiêu dùng khi đó sẽ được quyền lựa chọn thương nhân đưa ra mức giá bán hợp lý nhất. |
Không thể vừa "đá bóng", vừa thổi còi
Nghị định 83 ra đời được kỳ vọng sẽ giúp khắc phục những bất cập trong hoạt động kinh doanh xăng dầu, minh bạch công thức hình thành giá, quản lý chặt việc tăng, giảm giá cũng như Quỹ BOG mặt hàng này, qua đó góp phần bảo đảm quyền lợi của 3 bên liên quan là: Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Tuy nhiên, quy định mới dường như vẫn dành nhiều sự ưu ái cho các DN trong việc điều chỉnh tăng, giảm giá bán lẻ xăng dầu mà chưa tạo ra sự cạnh tranh thực sự trên thị trường xăng dầu. Khoảng 50% thị phần xăng dầu hiện nay vẫn thuộc về Tập đoàn Petrolimex, có bộ chủ quản là Bộ Công thương. Có ý kiến cho rằng, nếu để Quỹ BOG xăng dầu tại DN quản lý như hiện nay, khi quyền điều hành giá xăng dầu thuộc về Bộ Công thương thì sẽ khó tránh khỏi tình trạng "vừa đá bóng vừa thổi còi". Thêm vào đó, với 13 DN đầu mối nhưng lại có một DN chiếm thị phần lớn như hiện nay, tình trạng "nhìn nhau tăng giá" chắc chắn sẽ xảy ra. Bởi sẽ không có đầu mối nào đủ khả năng cũng như "dũng cảm" bán xăng, dầu rẻ hơn Petrolimex bởi xét về năng lực cũng như hệ thống phân phối, họ đang lép vế hơn rất nhiều. Một khi không có sự cạnh tranh thật sự về giá thì người tiêu dùng cũng chưa thể mua xăng, dầu với giá cạnh tranh thực sự. Thêm vào đó, việc cho phép DN tăng giá xăng, dầu dưới 3% mà không cần đề xuất với cơ quan quản lý cũng rất dễ dẫn đến khả năng các DN bắt tay nhau cùng tăng hay giảm giá. Khi đó, cả người tiêu dùng và Nhà nước sẽ cùng chịu thiệt. Liên quan đến việc quản lý Quỹ BOG xăng dầu, nhiều ý kiến cũng cho rằng, nên chuyển quỹ này sang Kho bạc Nhà nước quản lý. Nếu để tại DN thì phải công khai, minh bạch việc sử dụng cũng như khả năng sinh lời của nguồn tiền quỹ. Bởi trên thực tế, tồn quỹ này có thời điểm lên tới hơn 1 nghìn tỷ đồng, số dư quỹ tại một số DN cũng lên tới hàng trăm tỷ đồng. Như vậy, việc tận dụng nguồn tín dụng này sao cho hợp lý, tránh việc sử dụng sai mục đích cũng là một vấn đề đáng bàn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.