(HNM) - Tưởng như gây sốc song quyết định chấm dứt việc thuê, sử dụng cầu thủ ngoại từ mùa giải 2013 đã nhận được sự đồng thuận của làng bóng chuyền, trong đó có cả những đội bị ảnh hưởng trực tiếp về quyền lợi, thành tích.
Nghịch lý thời vụ
Vòng 1 giải VĐQG 2004, lần đầu tiên cho sử dụng thí điểm cầu thủ ngoại, mới chỉ có hai cầu thủ Thái Lan đầu quân cho đội nam Ninh Bình và Giấy Bãi Bằng. Thế nhưng, tới vòng 2 đã có hơn 10 ngoại binh, rồi số VĐV ngoại tăng phi mã qua từng mùa. Cao điểm, có mùa có tới 39 ngoại binh "đổ bộ" vào 22/24 đội bóng hạng mạnh. Hồi đầu, giá thuê chỉ khoảng 1.000 - 1.200 USD/tháng. Không lâu sau, giá tới mức trên dưới 2.000 USD/ tháng, còn những năm gần đây thì cao ngất so với mặt bằng lương trả cho VĐV bóng chuyền tại Việt Nam, hầu hết đã vượt qua mức 3.000 USD/tháng. Cá biệt như chủ công người Thái Wanchai còn được Đức Long Gia Lai trả lương "cứng" tới 6.000 USD/tháng.
Từ năm 2013 bóng chuyền Việt Nam sẽ không còn bóng dáng ngoại binh? |
Số lượng và giá thuê đã là cả vấn đề, nhưng điều đáng nói chính là cách thức thuê và sử dụng ngoại binh của bóng chuyền Việt Nam. Nó hoàn toàn mang tính "thời vụ", phục vụ thành tích trước mắt, lãng phí mà không có ích cho việc phát triển lâu dài, tạo dựng nền tảng. Đã trở thành một nếp quá quen thuộc cả chục năm nay, là các ngoại binh đến sát giải mới sang, rồi ngay sau khi đấu xong lại trở về nước. Họ gần như không có thời gian, điều kiện để hòa nhập với đội hình, lối chơi của đội. Thậm chí, có trường hợp ngoại binh buổi sáng mới xuống sân bay đã phải di chuyển thẳng xuống địa điểm tranh tài, rồi vào sân đấu ngay. Ngay cả một người đã nhập tịch như Supachai - Đinh Hoàng Trai mỗi năm cũng chỉ sang Ninh Bình 2 đợt ngắn, khoảng 10 ngày - tương ứng với 2 vòng đấu.
Tất nhiên, trình độ và kinh nghiệm của đa số ngoại binh đều nhỉnh hẳn so với mặt bằng chung của bóng chuyền Việt Nam, nên họ vẫn có thể đáp ứng được nhiệm vụ. Có điều, khi ngoại binh về nước rồi, đội bóng vẫn như cũ, chẳng có bất cứ dấu hiệu chuyển biến nào, thậm chí còn yếu hơn.
Sự lệ thuộc tai hại
Đó chắc chắn là lý do chính để bóng chuyền Việt Nam buộc phải "nói không" với cầu thủ nước ngoài. Sau 10 mùa giải, đã thấy rõ sự phụ thuộc tệ hại vào ngoại lực. Càng đáng báo động hơn vì lâu nay các ngoại binh chỉ hiện diện một cách "thời vụ" nhưng lại đóng vai chính ở hàng loạt đội bóng, chi phối nền tảng cả môn.
Điển hình nhất là ở các đội "chiếu dưới", đặc biệt là ở các đội nữ, như trường hợp của Thanh Hóa, Quảng Ninh, Hải Dương. Mấy năm nay, các đội này chỉ cậy nhờ ngoại binh để duy trì sự tồn tại yếu ớt của mình. Như đội nữ Quảng Ninh, nếu chỉ với lực lượng nội thì có lẽ đấu ở hạng dưới cũng khó, nói gì đến giải tranh chức VĐQG. Ấy vậy mà họ vẫn trụ được ở giải VĐQG nhờ quân ngoại. Vòng 2 giải năm ngoái, trước nguy cơ xuống hạng, Quảng Ninh đã thuê một lúc 2 chủ công người Thái Lan, với mức chi phí 5.000 USD/người chỉ trong mươi ngày. Chính 2 chủ công này đã thay nhau vào sân để giúp đội bóng đất Mỏ thoát hiểm vào giờ chót.
Có phần đỡ hơn nhưng ngay cả các đội bóng hàng đầu cũng không thoát khỏi cái bóng của ngoại binh. Nam Ninh Bình hay nữ Long An từng lên ngôi vô địch nhờ các cầu thủ ngoại đóng vai chính. Năm ngoái, nếu không có chủ công Seni đến từ Fiji xa lắc, nữ Long An không có cửa tranh ngôi vô địch với Thông tin Liên Việt Bank, dù nỗ lực và may mắn đến đâu.
Chính sự lệ thuộc vào ngoại binh dần khiến làng bóng chuyền quen cách nghĩ, cách làm thời vụ, ăn đong, chú trọng thành tích trước mắt. Chỉ bỏ ra vài nghìn USD để thuê một ngoại binh ngắn ngày là có thể giải quyết được thành tích nên hàng loạt đội đã buông lỏng hoàn toàn khâu phát hiện và đào tạo cầu thủ trẻ hoặc chỉ làm cho có. Bóng chuyền Việt Nam hiện có 24 đội hạng mạnh song ít nhất cũng phải có trên 10 đội không hề có tuyến trẻ. Ngay cả các trung tâm truyền thống như nữ Long An hay nữ Thái Bình cũng sa sút nghiêm trọng, một phần vì tác động ngược của việc dùng ngoại binh. Trong khoảng 5 năm trở lại đây, môn này không còn sinh ra được tài năng nào đúng nghĩa nữa. Đội tuyển quốc gia bị ảnh hưởng rõ nhất vì không có tài năng nào xuất hiện.
"Đóng cửa" với ngoại binh, vì vậy cũng không còn là chuyện bất ngờ nữa.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.