Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chùa Hà - di tích lịch sử văn hóa và cách mạng

LANHUONG| 06/01/2005 12:53

(HNMĐT) - Theo mạng Hanoi.gov, Chùa Hà có tên tự là Thánh Đức, nay thuộc phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội. Chùa nằm ở vị trí phía Tây kinh thành Thăng Long, nổi tiếng là một vùng quê văn hiến của Xứ Đoài xưa.

(HNMĐT) - Theo mạng Hanoi.gov, Chùa Hà có tên tự là Thánh Đức, nay thuộc phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội. Chùa nằm ở vị trí phía Tây kinh thành Thăng Long, nổi tiếng là một vùng quê văn hiến của Xứ Đoài xưa.

Tương truyền chùa được xây dựng từ rất lâu đời, tường xây bằng gạch vồ, lợp lá gồi, xưa có tên là chùa Vồi.Đến đời vua Hy Tông có hai người quê làng Thổ Hà (Bắc Giang) sang trở chùa để bán các đồ gốm sứ ở chợ trong, ngoài thành Thăng Long. Do buôn bán phát đạt, hai gia đình này tình nguyện công đức số tiền lớn cùng nhân dân trong xóm xây dựng lại chùa bằng gạch ngói vào năm Chính Hòa (1680). Từ đó hai làng Thổ Hà và Dịch Vọng Trung kết nghĩa, đặt tên xóm có ngôi chùa là Bối Hà và chùa có tên nôm là chùa Hà (đến ngày kỵ hàng tháng, hàng năm ở Thổ Hà, nhân dan xóm Bối Hà cử đoàn đại biểu sang lễ, và ngược lại).

Chùa Hà xưa hướng Tây nhìn lên sông Nhuệ, tam bảo 5 gian rộng, hậu cung 3 gian theo kiểu chữ đình, bên cạnh là điện mẫu.

Đời Lê, bên cạnh phía bên phải chùa Hà là ngôi đình Hà to đẹp thờ hai vị thành hoàng là Triệu Chí Thành, tướng của Triệu Việt Vương (Quang Phục - 549 - 570) có công chống quân xâm lược nhà Lương, và Chu Lý Đại vương. Đình được xây mới cao đẹp vào cuối những năm 90 của thế kỷ XX.

Chùa Hà được xây dựng trên vùng đất có bề dày lịch sử lâu đời. Chùa thờ Phật, thờ Tổ, thờ Mẫu theo tín ngưỡng dân gian. Trong Thượng điện của chùa hiện còn lưu giữ một lư hương bằng đồng cao 35 cm, đưòng kính miệng 25 cm, còn khắc 3 chữ Hán "Thánh Đức tự". Theo các cụ cao tuổi trong làng cho biết thì tên chữ của chùa có từ đời Lê Thánh Tông (1460 - 1497). Tương truyền, Nghi Dân Thái tử có tội với triều đình, không được nối ngôi, kết bè đảng, đêm bắc thang vào thành Thăng Long đốt cháy cung điện. Vua Lê Thánh Tông còn nhỏ, phải chạy về chùa Thôn Hậu (xã Dịch Vọng), tên chữ là chùa Thánh Chúa (cách chùa Thánh Đức khoảng 1000m). Khi ấy, ua Lê Thánh Tông cũng lui tới thăm chùa Thánh Đức. Chùa Thánh Chúa và chùa Thành Đức có tên như vậy do nguồn gốc câu chuyện trên.

Hiện nay, trước cửa chùa còn dòng chữ Hán đắp nổi trên cột trụ: "Lê Triều Chính Hòa tạo dựng" ("Chùa dựng năm Chính Hòa Lê Huy Tông"). Có lẽ, đây là lần xây dựng mới từ chùa Vồi nhỏ bé bằng gạch vồ và lợp lá gồi. Trải qua thời gian, thiên nhiên và chinh chiến, chùa Hà cũng có nhiều biến đổi. Cuối đời Lê loạn lạc, chùa bị mất chuông, đến năm Cảnh Thịnh thứ bảy (1799) thời Tây Sơn, nhân dân mới đúc lại chuông. Chuông cao 1m30, chu vi miệng 1m50, quai hình rồng có vây chia làm 4 múi khắc hình long, ly, quy, phượng. Phía trên khắc bốn chữ lớn: "Thánh đức tự chung".Theo nhà nghiên cứu Đỗ Thỉnh viết trong "Di tích và văn vật vùng ven Thăng Long" (NXB Hội nhà văn 1995), cho biết về bài văn chuông do Nguyễn Khuê làm chức xã giáo biên soạn, có giá trị nghiên cứu về quan niệm của người xưa và tình hình ã hội thời Tây Sơn.

"Từng nghe: Trong năm âm thanh của Phật pháp, tiếng chuông được coi là bậc nhất; trong muôn đường tu của con người, phẩm chất phải sửa trước tiên.

Kính chúc Hoàng riều yên vui; quốc gia vững chãi. Khắp chốn sùng kính thờ Phật; mọi người mở rộng từ tâm. Nay giáp Bối Hà... Nước Đại Việt phụng thờ chùa Thánh Đức là nơi cổ tích danh nam, thắng cảnh nổi tiếng.

Ngày trước nơi đây, đất Phật trang nghiêm, nào tụng kinh nào chùa tháp. Nhưng ròi bỗng gặp binh biến, nhà chùa im vắng tiếng chuông. Sau đó một lần tìm thợ đúc lại cũng không thành. Mĩa đến ngày tốt tháng 11 năm Kỷ Mùi (1799), các bậc quan viên hương lão cùng bốn giáp ra sức bỏ tiền của để lo việc đúc chuông... Rồi đặt nơi thu đồng, nấu đồng làm chuông và đúc thành quả phúc. Chuông này nặng hơn 300 cân, cao một thước sáu tấc. Tiếng chuông ngân vang ấm áp hương trời...".

Phần dưới kê các giáp góp tiền và khách cung tiến thập phương.

Đầu Nguyễn Gia Long có lệnh đục phá các di vật thời Tây Sơn, nên nhân dân Bối Hà phải mang chuông thả xuống ao làng. Sau đó, khi xây lại tam quan, mới vớt lên đem treo nên chuông không bị đục mất niên hiệu Tây Sơn, như nhiều quả chuông khác. Trải qua chiến tranh,tam quan vẫn còn nguyên vẹn, được tu bổ chỉnh trang, với quả chuông cổ có giá trị.

Chùa Hà đã trải qua nhiều lần trùng tu, xây dựng. Diện mạo kiến trúc của chùa hiện nay là sản phẩm của những lần trùng tu sửa chữa vào thời Nguyễn và những năm gần đây. Hiện nay, Chùa Hà được nâng cấp, xây dựng lại rất khang trang, bề thế (Phường Dịch Vọng và ban quản lý di tích chùa triển khai xây dựng lại chùa và đình Hà từ năm1995 - 2003; tam quan được giữ nguyên vẹn). Các công trình kiến trúc của chùa được quy hoạch tập trung trng một khoảng không gian rộng thoáng gồm: cổng tam quan, vườn cây xanh, hồ nước hình bán nguyệt, chùa chính kết cấu kiểu chữ "Đinh" có Tiền đường và Thượng điện, nhà thờ Mẫu, nhà thờ Tổ. Tại chùa hiện còn lưu giữ bộ sưu tập di vật văn hóa có giá trị nghệ thuật thuộc thế kỷ XVII, XIX như: quả chuông đồng niên hiệu Cảnh Thịnh 7 (1799); bộ tượng tròn 28 pho, trong đó có 21 pho tượng Phật và 6 pho tượng Mẫu, 1 pho tượng Tổ...; 18 tấm bia đá niên đại triều Nguyễn ghi việc tu sửa và gửi hậu tại chùa; cùng nhiều đồ tờ tự khác như bát hương sứ men lam, cây đèn, lọ hoa, hoành phi, câu đối...

Chùa Hà là di tích có liên quan đến những sự kiện lịch sử cách mạng của Thủ đô Hà Nội.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Chùa Hà và địa bàn Dịch Vọng là một trong những cơ sở họp và liên lạc bí mật của xử ủy Bắc Kỳ 1941 - 1945. Từ năm 1944, Thành ủy Hà Nội xây dựng cơ sở cách mạng trong thôn Trung và thôn Tiến; các đồng chí lãnh đạo Thành ủy thường qua lại đây gặp gỡ, hội ý công tác. Khoảng tháng 6-1945, Thành ủy đã tổ chức lớp huấn luyện chính trị, quân sự cho cán bộ lãnh đạo Tự vệ và Thanh niên xung phong bí mật toàn thành ở cửa Chùa Hà dưới danh nghĩa Hướng đạo sinh đi cắm trại. Tối ngày 15-8-1945, theo chỉ thị của Xứ ủy, Thành ủy Hà Nội triệu tập một cuộc hội nghị bất thường của các cán bộ và đội trưởng các đội công nhân xung phong và thanh niên xung phong ở Chùa Hà do đồng chí Nguyễn Quyết, bí thư thành ủy chủ trì (xã Dịch Vọng, huyện Từ Liêm, nay là phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy), để kiểm điểm lực lượng của ta trong thành phố và bàn những công việc cấp bách cần làm nhằm chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa.

Tối ngày 17-8-1945, tại nhà một cơ sở cách mạng của Thành ủy Hà Nội (nhà bà Hai Nhã, thôn Dịch Vọng tiền, xã Dịch Vọng), Ủy ban khởi nghĩa (tức Ủy ban quân sự cách mạng Hà Nội) đã họp hội nghị mở rộng, có đông đủ đại biểu các đoàn thể cứu quốc, các độ tuyên truyền xung phong, các đội tự vệ chiến đấu để bàn kế hoạch khởi nghĩa. Hội nghị đã quyết định rõ phương thức và kế hoạch khởi nghĩa, cụ thể là huy động sức mạnh đông đảo của quần chúng ở nội thành và ngoại thành tham gia, lấy lực lượng chính trị quần chúng làm cơ bản, có lực lượng vũ trang và nửa vũ trang làm nòng cốt, và thời gian khởi nghĩa là vào sáng 19-8-1945.

Hội nghị này được chuyển tới họp ở Tam quan gác chuông Chùa Hà.

Năm1982 nhân kỷ niệm 37 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, Sở Văn hóa Thông tin Hà Nội đã tổ chức gắn biển di tích cách mạng chùa Hà.

Về tổng thể, với những nội dung trên, chùa Hà (bao gồm cả đình Hà) là di tích tôn giáo có vai trò nhiều mặt trong kho tàng di sản văn hóa của Hà Nội. Chùa Hà, gắn liền với địa bàn Dịch Vọng, là di tích lịch sử cách mạng của dân tộc.

Năm 1995, Chùa Hà đã được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử - văn hóa quốc gia.

Đến tham quan Chùa Hà, Đình Hà, ta tìm thấy giá trị lịch sử - văn hóa ẩn tàng trong khối kiến trúc toàn cảnh hoành tráng, thật nghiêm nhưng bình dị; ta đến lễ Phật, ta nhớ đến hai vị Thành hoàng Triệu Chí Thành và Chu Lý đại vương, và ta nhớ lại một thời kỳ cách mạng oanh liệt do Đảng ta lãnh đạo, đấu tranh giành độc lập, tổng khởi nghĩa tháng Tám năm1945 ở Hà Nội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chùa Hà - di tích lịch sử văn hóa và cách mạng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.