Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chưa đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2021

Hà Hiền| 05/08/2020 14:19

(HNMO) - Sáng 5-8, tại Hà Nội, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã họp phiên thứ hai bàn phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2021. Ông Lê Văn Thanh, Chủ tịch Hội đồng, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phiên họp.

Sau gần 3 giờ bàn bạc, trao đổi, Hội đồng Tiền lương quốc gia đồng ý chưa đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2021.

Hội đồng Tiền lương quốc gia bỏ phiếu tại phiên họp ngày 5-8.

Trước đó, phiên họp đầu tiên của Hội đồng Tiền lương quốc gia diễn ra ngày 23-6 tại Quảng Ninh, Bộ phận kỹ thuật của Hội đồng Tiền lương quốc gia đã đề xuất 2 phương án tiền lương tối thiểu vùng năm 2021.

Phương án 1: Khuyến nghị tiếp tục thực hiện mức lương tối thiểu vùng năm 2020 đến hết năm 2021 (không điều chỉnh lương tối thiểu năm 2021).

Phương án 2: Từ 1-7-2021 (lùi 6 tháng so với thông lệ các năm trước), điều chỉnh bình quân 2,5% để duy trì, bảo đảm mức sống tối thiểu cho người lao động.

Tại phiên họp thứ hai, trao đổi với đại diện các cơ quan truyền thông sau khi kết thúc phiên họp, Hội đồng Tiền lương quốc gia cho biết, hội đồng đã đưa ra hai nội dung để bỏ phiếu, gồm: Không điều chỉnh lương tối thiểu năm 2021 và chưa áp dụng việc tính lương tối thiểu theo giờ. Đại diện các bên tham gia có quyền bỏ phiếu hoặc không bỏ phiếu. Trong phạm vi được ủy quyền, đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam không tham gia bỏ phiếu.

Sau khi trao đổi, bàn bạc, 9/13 thành viên tham gia bỏ phiếu đề xuất chưa tăng lương tối thiểu vùng năm 2021, giữ nguyên mức lương như năm 2020.

Lý giải nguyên nhân, về phía người sử dụng lao động, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay, dịch Covid-19 tác động, ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu, khiến nhiều doanh nghiệp phải tạm dừng hoặc thu hẹp quy mô sản xuất, kinh doanh; đồng thời làm đứt đoạn các chuỗi cung ứng, nguyên liệu đầu vào. Ở nước ta, nhiều ngành, lĩnh vực cũng bị ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt là những ngành sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, du lịch, vận tải…

Trong bối cảnh đó, thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều gói hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động vượt qua giai đoạn khó khăn.

“Chúng tôi kiến nghị chưa điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng trong thời gian tới nhằm bảo đảm cho doanh nghiệp có cơ hội hồi phục. Doanh nghiệp có hồi phục, phát triển, thì quyền lợi của người lao động mới được bảo đảm. Do đó, chúng tôi mong muốn người lao động cảm thông, chia sẻ với doanh nghiệp để cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn”, ông Phòng nói.

Mức lương của người lao động trong doanh nghiệp tạm thời chưa tăng.

Đại diện phía người lao động, ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho rằng, ở thời điểm này có thể tạm chưa bàn tới việc điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng, nhưng đến đầu quý I hoặc quý II-2021, các bên liên quan có thể căn cứ vào tình hình thực tế để bàn bạc. Hơn nữa, từ năm 2021, Bộ luật Lao động năm 2019 sẽ có hiệu lực thi hành với nhiều tiêu chí mới về việc đánh giá lương tối thiểu vùng, nên việc đề xuất tăng lương hay không cần bình tĩnh xem xét.

Còn theo ông Lê Văn Thanh, Chủ tịch Hội đồng, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, với tỷ lệ 9/13 thành viên bỏ phiếu thông qua, việc giữ mức lương tối thiểu năm 2021 như năm 2020 là hoàn toàn hợp lý. Như vậy, các thành viên bỏ phiếu đã đồng thuận giữ nguyên mức lương tối thiểu năm 2020 áp dụng cho năm 2021 và chưa bàn về điều chỉnh lương tối thiểu theo giờ.

Ông Lê Văn Thanh cho biết thêm, sau cuộc họp ngày 5-8, các thành viên Hội đồng Tiền lương quốc gia sẽ tiếp tục bàn bạc để tìm ra tiếng nói đồng thuận giữa giới sử dụng lao động và người lao động…

Lương tối thiểu vùng được áp dụng đối với người lao động làm việc ở các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có thuê lao động theo hợp đồng lao động; không áp dụng đối với công chức, viên chức, lực lượng vũ trang…

Năm 2020, lương tối thiểu vùng của người lao động trên địa bàn thuộc vùng I (khu vực thành phố, đô thị thuộc một số tỉnh, thành phố có nền kinh tế phát triển) là 4.420.000 đồng/người/tháng. Lương tối thiểu của người lao động trên địa bàn thuộc vùng II (khu vực huyện, thị xã thuộc nhiều tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng hoặc ở khu vực trung tâm các tỉnh trung du, miền núi) là 3.920.000 đồng/người/tháng.

Người lao động trên địa bàn thuộc vùng III (các huyện, thị xã thuộc các tỉnh khó khăn hơn vùng II) nhận mức lương 3.430.000 đồng/người/tháng; vùng IV (vùng nông thôn, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn) là 3.070.000 đồng/người/tháng. Mức lương tối thiểu vùng năm 2020 đã tăng 5,5% so với năm 2019.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chưa đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2021

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.