(HNMCT) - Chùa Châu Thới không chỉ là một ngôi chùa cổ ghi dấu sự hình thành và phát triển Phật giáo Bắc tông ở vùng Đông Nam Bộ, mà còn là danh thắng nổi tiếng của Bình Dương.
Ngôi chùa cổ nhất vùng Đông Nam Bộ
Chùa Châu Thới có tên đầy đủ là chùa Núi Châu Thới (Châu Thới Sơn tự), là ngôi chùa cổ nhất ở vùng Đông Nam Bộ. Chùa tọa lạc trên núi Châu Thới (phường Bình An, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương). Ngọn núi cao 82m, diện tích khoảng 25ha, nằm trên vùng đồng bằng rộng lớn.
Theo sử sách, chùa Châu Thới được thiền sư Khánh Long (thuộc thiền phái Bắc Tông) xây dựng năm 1612. Ngôi chùa gắn liền với lịch sử di dân lập ấp của người Việt ở Nam Bộ. Thiền sư Khánh Long là người đắc đạo Phật pháp từ nhỏ. Vì thương người dân phiêu bạt nơi rừng thiêng nước độc, ngài tự nguyện đi theo, ngày ngày tụng kinh niệm Phật, cầu an cho chúng sinh, sau đó ngài chọn núi Châu Thới và xây chùa Hội Sơn. Qua vài đời trụ trì, chùa được đặt tên theo ngọn núi Châu Thới. Nhờ địa thế hiểm trở, u tịch, trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, chùa Châu Thới trở thành nơi ẩn náu và hoạt động của cán bộ, chiến sĩ cách mạng.
Trải qua hơn 400 năm, chịu nhiều tác động của thiên tai và chiến tranh, dù mất mát nhiều nhưng những gì còn hiện diện cho thấy Châu Thới là ngôi cổ tự mang đậm dấu ấn văn hóa Phật giáo cùng sự giao thoa với tín ngưỡng dân gian. Ngôi chùa hiện nay là một quần thể kiến trúc đa dạng được xây dựng vào nhiều thời điểm khác nhau, gồm ngôi chánh điện cùng các điện thờ: Thiên thủ thiên nhãn, Linh sơn Thánh mẫu, Diêu trì Kim mẫu, Ngũ hành Nương nương, Ngọc hoàng Thượng đế... Nhà tổ và giảng đường của chùa được trùng tu vào năm 1930.
Từ năm 1971 - 1993, chùa được xây thêm 220 bậc dẫn lên chùa, tam quan và chánh điện. Nét nổi bật về trang trí kiến trúc của chùa phải kể đến 9 con rồng lớn được đắp bằng các mảnh gốm sứ nhiều màu, đặt ở đầu đao trên mái và hướng về các phía. Trong chùa còn lưu giữ nhiều tranh, tượng, pháp khí, đồ thờ tự có giá trị và bộ Thập bát La hán, Thập điện Diêm vương bằng đất nung. Đây là hai bộ tượng độc đáo, cho thấy nghề gốm ở địa phương đã phát triển từ rất sớm. Ngoài ra, chùa còn lưu giữ ba pho tượng Phật bằng đá có niên đại được cho là vào khoảng cuối thế kỷ XVII, và một pho tượng Quan âm bằng gỗ của cây mít cổ thụ được trồng trong vườn chùa.
Ngôi chùa thiêng và "hòn đá thần"
Từ xưa Châu Thới đã nổi tiếng là một ngôi chùa linh thiêng, gắn với nhiều truyền thuyết. Sự linh thiêng ấy được biết đến với câu chuyện về hòn đá thần hay “ông Tà”. Chuyện kể rằng, năm 1971, khi sư trụ trì cho mở đường, xây bậc cấp từ chân núi lên chùa đã phải phá rất nhiều đá. Tới bậc thứ 170, có một tảng đá lớn chắn ngang đường. Những người thợ không thể di chuyển hay phá vỡ hòn đá được. Nghe chuyện, sư trụ trì yêu cầu giữ nguyên hòn đá vì cho rằng đây là vật trấn yểm, là “vị thần” giữ chùa. Hòn đá cứ nằm giữa đường như vậy cho đến nay. Sư trụ trì đã dùng sơn viết lên trên mấy chữ Hán: “Tà lão trung sơn”, tức “ông Tà giữa núi”. Người dân trong vùng gọi đây là “ông Tà” hay “hòn đá thần” và thờ cúng rất trang trọng.
Chị Bùi Mai Hương, du khách từ thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ sau khi tham quan chùa: “Tôi tới đây vãng cảnh và cầu an cho gia đình vì được biết đây là ngôi chùa nổi tiếng linh thiêng, lại có cảnh quan đẹp. Nơi này rất khác so với nhiều ngôi chùa tôi đã tới. Tuy nhiên, tình trạng khai thác đá xung quanh núi có thể ảnh hưởng tới ngôi chùa. Mong rằng, các cơ quan quản lý sớm có biện pháp kịp thời để bảo vệ cảnh quan của chùa Châu Thới”...
Chùa Châu Thới là một danh thắng, địa chỉ tâm linh luôn thu hút khách thập phương. Nơi này rất thuận tiện để du khách kết hợp tham quan các điểm đến khác như: Chùa Tam Bảo, suối Lồ Ồ, núi Bửu Long (thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai). Vị trí và cảnh quan của núi Châu Thới đã tôn lên vẻ uy nghi của ngôi chùa. Đây được coi là nơi tụ hội linh khí của đất trời. Vào mùng 1 và ngày rằm, nhất là dịp lễ Tết, du khách khắp nơi tụ về đây rất đông để chiêm bái, cầu an. Với những giá trị về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, năm 1989 chùa Châu Thới đã được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa và thắng cảnh cấp quốc gia.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.