Bàn luận thêm từ câu chuyện chiếc bánh chưng khổng lồ, nhiều ý kiến cho rằng căn bệnh mê kỷ lục cao, to đã đầy rẫy trong xã hội chúng ta và để hạn chế nó, cần gắn trách nhiệm cụ thể cho những người đề xuất ra các ý tưởng này.
Tô hủ tiếu lớn nhất Việt Nam có đường kính miệng 1,5m, cao 70cm, thể tích 900 lít, gồm 100kg hủ tiếu, 100kg thịt heo và 600 lít nước xúp... tại Lễ hội hoa xuân Sa Đéc 2015 - Ảnh: Thành Nhơn |
Có một câu hỏi được đặt ra rằng có nhất thiết phải là to, cao, dày, nặng mới là tiêu chuẩn của đẹp hay không?
Pho tượng đẹp nhất của đời Lý (còn lại đến hôm nay) cũng chỉ cao chưa tới 2 thước. Đó là pho tượng Phật ngồi thiền định bằng đá ở chùa Phật Tích (Tiên Du, Bắc Ninh). So với pho tượng Phật Bà Quan Âm ở chùa Linh Ứng cao tới 67m (hoàn thành năm 2010) thì pho tượng ở Phật Tích quả là... tí hon.
Hai pho tượng thị giả ở chùa Bút Tháp, những con rối nước, những con chó đá ở cổng làng, thậm chí những con tò he... nhỏ xinh mà vẫn tuyệt đẹp. Bệnh thích to, thích xây chùa to, làm tượng to đang ngày càng nặng, thành một loại dịch suốt từ Bắc đến Nam.
Có cảm giác như người ta đang ganh đua nhau để lập kỷ lục, để xem ai to hơn, ai sẽ thắng chứ không hẳn là hoằng dương Phật pháp. Ví dụ như chùa Bái Đính (Ninh Bình, xây năm 2003) là chùa lập nhiều kỷ lục Việt Nam, thậm chí là kỷ lục của châu Á nhất, nào là ngôi chùa cao to, dài rộng nhất, có nhiều pho tượng đúc bằng đồng mạ
vàng nhất...
Nhưng đạo Phật là đạo tu tâm, tu nhân tích đức chứ đạo Phật không phải là đạo “tu chùa to, tượng to”.
To cao không sao, kỷ lục không sao nhưng khổ một nỗi càng to, càng cao thì càng xấu, đã xấu lại còn to cao dài rộng.
Chưa bao giờ mà phong trào chạy theo chuyện "to nhất, dài nhất" lại phát triển rầm rộ như hôm nay nhưng cũng chưa bao giờ mà lòng người, tâm người lại bất an như hôm nay.
Nhìn thấy nhiều chùa to, tượng to, bánh chưng to, tô hủ tiếu to... thì suýt vui vì cứ ngỡ mọi chuyện đang phát triển, cứ ngỡ đời sống đã giàu có, nhưng kỳ thực đó chỉ là hình thức, là cái vỏ, là cái áo mà cái áo thì chả làm nên nhà sư.
Kinh sách nhiều như biển cả nhưng tựu trung, tôn chỉ của nhà Phật là “kiến tính thành Phật”, “Phật tức tâm, tâm tức Phật” chứ Phật không ở ngoài mình, Phật không ở trong pho tượng, Phật không ở trong ngôi chùa. Đạo Phật là đạo phá chấp. Cứ mải miết chấp vào tượng to, vào chùa to thì làm sao mà thấy tâm, thấy tính, thấy Phật được.
Căn bệnh mê kỷ lục cao to đầy rẫy ngoài xã hội. Nào là ly cà phê kỷ lục (3.600 lít) vượt cả ly cà phê bự nhất của Mỹ (chỉ chứa được 2.500 lít). Nào là chiếc bánh chưng khổng lồ nặng gần 3 tấn, bánh dày nặng hơn 5 tạ...
Những người tổ chức làm các sản phẩm to thường ăn theo cái lý cung tiến, dâng hiến cho dịp quốc lễ này nọ nên cái “tình ngay” ấy rất dễ được nhiều người ủng hộ. Tất nhiên đó cũng chỉ là hội chứng kiểu “vô thức tập thể”.
Không quá khó để tìm ra nguyên nhân của căn bệnh thích hoành tráng, thích phô trương hình thức hào nhoáng kiểu trọc phú này. Cốt lõi vẫn là ở văn hóa. Cho dù mình nhỏ bé nhưng mình đứng trên một cái nền, cái phông văn hóa chắc chắn, dày dặn thì mình vẫn cao lớn. Ngược lại nếu cái gốc rễ văn hóa yếu, mỏng, thấp thì dù có cao to lênh khênh đến mấy cũng vẫn là thấp bé thôi.
* Nhà văn Đoàn Bảo Châu: Gắn trách nhiệm khi đề xuất “to, dài...” Sự nỗ lực chỉ để hướng tới cái gì đấy to là một nỗ lực mang tính tiểu nông, thích sự hoành tráng bắt mắt mà thiếu đi tính sáng tạo và tinh tế. Xin đừng mang cái lý tưởng "to, dài" ấy vào những công trình công cộng. Ví dụ như tháp truyền hình cao nhất thế giới chẳng hạn. Những công trình kiểu ấy khiến dân chúng và trí thức nổi giận bởi sự háo danh, phù phiếm, không thiết thực và lãng phí. Lý do khiến mọi công dân dị ứng với những cái to bởi nhiều mặt trong xã hội của chúng ta yếu kém. Chúng ta tụt hậu so với thế giới về mọi mặt. Vậy "to, dài, cao" để nói lên điều gì? Người dân thì không thay đổi ngay được. Vấn đề này tưởng là đơn giản nhưng thật ra ăn rất sâu trong văn hóa. Hơn nữa, cái ý tưởng “to, dài, cao” trong dân không gây hậu quả gì nhiều. Điều đáng nói là trong đầu óc lãnh đạo, những người được học nhiều, biết rộng thì cái xu hướng “to, dài, rộng, cao” mới là quan trọng. Sao chúng ta không hướng tới sự tinh tế, khiêm cung, hiệu quả, thiết thực mà cứ phải to, dài, rộng, cao rỗng tuếch? Tôi đề nghị mỗi ý kiến “to, dài, rộng, cao” được đưa ra cần gắn với một tên tuổi cụ thể, và người ấy phải trả lời trước công luận về ý kiến ấy của mình. Xã hội chúng ta thiếu trầm trọng sự rạch ròi về trách nhiệm. Khi có được sự rạch ròi về trách nhiệm thì người đưa ra ý tưởng sẽ cân nhắc hơn. Nếu không, họ sẽ làm dân chúng nổi giận về sự hồ đồ, lố bịch. * Nhà báo Gia Hiền (Truyền hình Quốc phòng): Chọn cách quảng bá hiệu quả hơn Nếu để có một cái nhìn khác đi thì tôi chỉ thấy rằng đơn vị làm ra chiếc bánh này cần PR (quảng bá) nhưng vì bí về ý tưởng nên họ chọn cách dễ nhất mà người ta thường làm là làm một cái gì đấy khổng lồ. Đấy là lý do mà kỷ lục Việt Nam toàn thứ khổng lồ. Những yếu tố khác của truyền thông, như mới lạ, ý nghĩa, có tính truyền tải... đều thiếu và yếu. Ở Mỹ vào Columbus Day - một ngày có thể nói là tương tự như giỗ Tổ của VN về ý nghĩa, họ chẳng bao giờ làm cái tàu to nhất cả mà họ làm các chương trình, thu hút học sinh vào các bảo tàng lịch sử, địa lý để giới trẻ hiểu biết hơn về lịch sử cha ông. Giỗ Tổ, nếu nhân dịp ấy, làm sao để dân đến các di tích lịch sử tìm hiểu về lịch sử thì đấy mới là kính ngưỡng tổ tiên. Tiền làm cái bánh chưng dù chỉ là 30 triệu đồng - như đơn vị tổ chức nói - nếu in ra 10.000 tờ lịch bướm, có in những thông tin dạng infographic về triều đại Văn Lang thì nó sẽ có tác động hơn rất nhiều và vẫn là PR thôi. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.