Theo dõi Báo Hànộimới trên

"Chưa bao giờ Bộ Y tế giấu thông tin dịch sởi!”

Hương Thủy| 18/04/2014 17:26

(HNMO) - Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định như vậy tại buổi họp báo chiều 18/4.

Ảnh minh họa


4 nguyên nhân khiến số trường hợp mắc sởi nặng và tử vong cao

Chiều 18/4, Bộ Y tế đã tổ chức họp báo công bố thông tin phòng chống dịch sởi. Theo  thông tin được Bộ Y tế cung cấp tại cuộc họp, từ đầu năm đến 18/4/2014, cả nước ghi nhận 3.256 trường hợp mắc sởi trên 8.779 người bị phát ban nghi mắc sởi. Phần lớn số mắc là trẻ em dưới 10 tuổi (76,5%), 87% ca mắc sởi không được tiêm chủng hoặc không rõ tình trạng tiêm chẳng vắc xin sởi. Đến nay, đã ghi nhận 25 trường hợp tử vong xác định do sởi trong số 112 trường hợp tử vong có liên quan đến bệnh sởi. Số tử vong ghi nhận tại các tỉnh miền Bắc, trong đó 50% số trẻ tử vong tại Hà Nội. Những tỉnh, thành có số mắc cao nhất là Hà Nội, TP HCM, Hà Giang, Yến Bái. Dịch phân bổ rải rác chứ không tập trung.

Hiện bệnh viện (BV) Nhi TW đang điều trị cho 257 trong tổng số 1.358 nhập viện từ đầu năm. Đáng chú ý là bệnh nhân nhập viện mới tại đây hôm nay chỉ là 5 người, giảm nhiều so với bình quân các ngày trước (30 bệnh nhân) do phân tuyến điều trị. BV Bạch Mai đang điều trị cho 49 bệnh nhân, không có bệnh nhân tử vong. BV Bệnh Nhiệt đới TW đang điều trị cho 60 bệnh nhân, trong đó có 16 bệnh nhân mới, không có bệnh nhân tử vong…

Điều may mắn là, theo các chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và báo các của các viện Vệ sinh dịch tễ và Pasteur, hiện nay các chủng virus sởi gây bệnh tại Việt Nam chưa có sự biến đổi về gen cũng như độc lực của virus sởi.

Cơ quan quản lý này nhận định, dịch sởi năm nay có số mắc thấp hơn so với vụ dịch năm 2009-2010, nhưng số trường hợp mắc nặng và tử vong sẽ tiếp tục gia tăng bởi số bệnh nhân là trẻ em nhỏ, trong đó có nhiều trẻ em dưới 9 tháng tuổi nên dễ diễn biến nặng phải điều trị thời gian dài; do quá tải bệnh nhân nên việc kiểm soát lây nhiễm trong bệnh viện khó khăn; điều kiện thời tiết giao mùa thuận lợi cho bệnh viêm phổi phát triển; tâm lý lo lắng cho các gia đình đã đưa trẻ đến khám chữa bệnh vượt tuyến tại BV Nhi TW và các bệnh viện của TP Hà Nội gây hiện tượng quá tải cục bộ.

Bộ Y tế đã cấp hơn 30 máy thở ôxy cho các BV: Xanh-pôn (4 máy), Nhi TW (10 máy), BV Bệnh Nhiệt đới TW (10 máy), Bạch Mai (10 máy).

Không công bố dịch không có nghĩa là không có dịch


Tại cuộc họp báo, các vấn đề về công bố dịch, giấu dịch, xét nghiệm, phác đồ điều trị…được nhiều phóng viên quan tâm và đặt câu hỏi.

Trả lời các thắc mắc về xét nghiệm, TS.Trần Minh Điển-Phó Giám đốc BV Nhi TW giải thích, việc xét nghiệm lúc đầu không bị bệnh sởi sau đó xét nghiệm lại bị không phải do máy xét nghiệm kém chất lượng mà ở giai đoạn đầu chưa có phản ứng miễn dịch của cơ thể nên kết quả xét nghiệm chưa thể hiện rõ.

Ông cũng cho biết thêm, sáng nay việc thị sát tại BV Đống Đa và BV Xanh-Pôn đã được tiến hành để giảm tải. Theo đó, với tất cả các bé đang thoái triển bệnh (giảm sốt, nhỉ ho húng hắng nhẹ) thì không giữ bé ở viện mà cho các cháu về nhà, hàng ngày bố mẹ mẹ đưa con đến để khám, 2 BV trên tổ chức 2 phòng khám cho các bé này để tránh tình trạng nhằm đông đúc ở viện.

Về phác đồ điều trị, TS. Nguyễn Văn Kính-GĐ BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, không phải Bộ Y tế không có phác đồ, mà năm 2009 đã có phác đồ điều trị bệnh này. Năm nay tiếp tục điều trị bằng phác đồ đó và cập nhật thêm vì phát hiện thêm có trẻ em dưới 9 tháng tuổi mắc sởi tử vong. Để cấp cứu được các trường hợp trên, phải ứng dụng thở máy phù hợp với tháng tuổi của các cháu nên bổ sung phác đồ điều trị.

Cũng trả lời các câu hỏi của phóng viên, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế cho hay, dịch sởi năm nay xảy ra ở hầu hết các nước trong khu vực, kể cả nước đã công bố loại trừ dịch sởi. Ông khẳng định tiêm vắc xin vẫn là biện pháp phòng chống bệnh này hữu hiệu nhất.

Theo ông, việc không công bố dịch không có nghĩa là không có dịch. Trước đây, Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn giám sát và phòng dịch sởi, trong đó nhấn mạnh có 1 ổ dịch sởi với 3 trường hợp trở lên, trong đó 2 trường hợp nhiễm là thông báo dịch, WHO cũng gọi là thông báo dịch. Ông cho rằng, từ “công bố” ở mức độ cao hơn từ “thông báo”. Đối với các tỉnh, thành phố, dịch vượt quá tầm kiểm soát, có biến đổi mang tính độc lực cao, phải áp dụng biện pháp hành chính cao hơn (đóng cửa trường h ọc, hạn chế hội họp, cưỡng chế cách ly, hạn chế giao thông) khi đó sẽ công bố dịch. “Hiện đã và đang có dịch sởi, 61 địa phương đã báo cáo trường hợp sởi”.-Ông nhấn mạnh. Theo Thứ  trưởng, tất cả thông tin Bộ Y tế đều minh bạch, chưa bao giờ Bộ giấu thông tin, kể cả trường hợp nghi mắc sởi. Công bố hay không công bố thì các biện pháp chuyên môn đều phải thực hiện quyết định của Bộ y tế là 1 trường hợp nghi nghờ mắc sởi phải triển khai biện pháp phòng chống. Và trên thực tế Bộ đã thực hiện.

Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận một số địa phương không thực hiện đúng về việc phòng chống dịch cho dù sau khi dịch xảy ra tại Hà Nội và TP HCM, việc chỉ đạo tiêm vét cho trẻ dưới 2 tuổi đã được tiến hành. Bên cạnh đó, Bộ cũng liên tục yêu cầu các địa phương đoàn thể tham gia chống dịch sởi. “Như vậy là có nóng về chỉ đạo nhưng lại lạnh về thực hiện”.-Thứ trưởng Bộ Y tế nói.

Nói về con số tử vong do sởi, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, 25 trường hợp tử vong chắc chắn  là do sởi (do  virus sởi gây ra dẫn biến chứng nguy hiểm là viêm cơ tim, gây viêm phù phổi cấp không kịp cứu và gây não viêm). Còn với những trường hợp liên quan đến sởi, các cơ quan chuyên môn xác định từng bệnh án cụ thể.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Chưa bao giờ Bộ Y tế giấu thông tin dịch sởi!”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.