(HNM) - Chính phủ đã chính thức chấp thuận chủ trương miễn học phí cho trẻ mẫu giáo 5 tuổi và học sinh cấp trung học cơ sở. Đây thực sự là tin vui đối với nhiều bậc phụ huynh, nhất là với những gia đình còn khó khăn.
Chính phủ chủ trương không thu học phí với học sinh trung học cơ sở. Ảnh: Bá Hoạt |
Người nghèo bớt lo
Theo quy định, mẫu giáo 5 tuổi, tiểu học và trung học cơ sở (THCS) là giai đoạn giáo dục bắt buộc, bậc học phổ cập, nhưng hiện nay Nhà nước mới chỉ thực hiện chính sách miễn học phí cho học sinh tiểu học. Điều này gây khó khăn cho việc huy động học sinh THCS đến trường, ảnh hưởng đến mục tiêu giảm tỷ lệ học sinh bỏ học, nhất là ở những vùng khó khăn để thực hiện phổ cập giáo dục.
Thực tế đã nhiều lần, vấn đề này được đưa ra bàn thảo, song trong điều kiện ngân sách còn hạn hẹp, chính sách về học phí cho học sinh mới được thực hiện từng bước, trong đó có việc ưu tiên miễn học phí, hỗ trợ kinh phí ăn trưa cho trẻ mẫu giáo 5 tuổi ở địa bàn khó khăn. Vì vậy, chủ trương miễn học phí cho trẻ 5 tuổi và học sinh THCS vừa được Chính phủ thông qua được coi là một thay đổi quan trọng, thể hiện rõ định hướng giáo dục là quốc sách, đồng thời cho thấy trách nhiệm của Nhà nước đối với bậc học phổ cập.
Tại Hà Nội, bắt đầu từ năm học 2018-2019, mức học phí đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập ở tất cả các địa bàn đều tăng. Cụ thể, học sinh khu vực thành thị đóng 155.000 đồng/tháng/học sinh (tăng 45.000 đồng), ở nông thôn 75.000 đồng/tháng/học sinh (tăng 20.000 đồng), miền núi 19.000 đồng/ tháng/học sinh (tăng 5.000 đồng). Với mức tăng này, người dân ở nông thôn, miền núi thu nhập chủ yếu từ nghề nông, làm thuê, thì việc bớt được vài trăm nghìn đồng tiền đóng học phí mỗi học kỳ sẽ làm giảm đáng kể áp lực về cả tâm lý và tài chính, nhất là với những hộ nghèo có hai con đi học.
Chính vì vậy, thông tin về việc được miễn học phí khiến phụ huynh của 205 học sinh Trường THCS Nam Phương Tiến A (huyện Chương Mỹ) rất phấn khởi. Bà Nguyễn Thị Minh (thôn Nam Hài, xã Nam Phương Tiến) cho biết: “Trận mưa lũ lớn chưa từng thấy hồi cuối tháng 7-2018 vừa qua làm cho nhiều hộ dân trong thôn vốn đã nghèo, nay lại càng thêm vất vả. Việc học sinh THCS được miễn học phí thực sự là một tin vui đối với chúng tôi, nhất là khi năm nay mức học phí của Hà Nội lại tăng”.
Theo thầy giáo Nguyễn Tiến Dũng, Hiệu trưởng Trường THCS Nam Phương Tiến A, hằng năm, nhà trường có từ 30 đến 45 học sinh thuộc diện khó khăn. Năm học này, dù chưa thống kê cụ thể, song do ảnh hưởng của trận mưa lũ vừa qua, khiến rất nhiều gia đình thiệt hại nặng, nên số lượng học sinh khó khăn chắc chắn sẽ tăng. Việc Chính phủ có chủ trương miễn học phí cho trẻ mầm non 5 tuổi và học sinh bậc học THCS là động lực rất lớn để bà con nơi đây tập trung khắc phục hậu quả thiên tai, nhà trường cũng bớt nỗi lo về nguy cơ học sinh bỏ học vì quá khó khăn.
Băn khoăn từ các khoản phí
Cô và trò lớp mẫu giáo 5 tuổi Trường Mầm non Trường Thịnh (huyện Ứng Hòa). Ảnh: Bá Hoạt |
Chủ trương miễn học phí đã đem lại niềm vui cho nhiều gia đình, nhất là những gia đình khó khăn, song không ít người lại cảm thấy lo lắng.
“Đã cho con đi học, phụ huynh đều sẵn lòng đóng góp công sức, kinh phí giúp con em mình ở trường được học tập trong điều kiện tốt nhất. Tuy nhiên, trong các khoản thu ở trường, học phí không phải là gánh nặng của phụ huynh, mà là ở các khoản phí khác như vệ sinh, đồng phục, tủ, chăn, thiết bị dạy học, rèm cửa, ghế ngồi, lắp đặt điều hòa... Điều đáng nói, những khoản này mỗi nơi một mức, không theo quy định nào và còn lớn hơn nhiều so với số tiền học phí được miễn. Tôi lo rằng, được miễn khoản này, các trường lại “đẻ” thêm nhiều khoản khác...” - ông Lê Văn Huynh ở quận Hoàn Kiếm băn khoăn.
Cách đây vài ngày, trên mạng xã hội xuất hiện bức thư kêu gọi phụ huynh đóng góp để mua sắm trang thiết bị dạy học, cải tạo cơ sở vật chất đầu năm học của một trường tại TP Hải Phòng lên tới gần 980 triệu đồng, khiến dư luận choáng váng. Mặc dù cơ quan chức năng đã vào cuộc để làm rõ sự việc, song thực tế này cũng đủ khiến các bậc phụ huynh có con đi học lo lắng về việc liệu cơ quan chức năng có cách nào ngăn chặn để những sự việc tương tự không xảy ra ở trường nơi con mình theo học.
Giáo sư Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, để chính sách miễn học phí thực sự có ý nghĩa, cần giải quyết được tình trạng lạm thu ở các nhà trường. Hiệu trưởng phải bị xử lý nghiêm khắc, nếu để xảy ra lạm thu, tuyệt đối không để tình trạng "giơ cao đánh khẽ".
Trước mối lo học sinh mầm non 5 tuổi và THCS được miễn học phí, nhà trường lại đặt ra các khoản phí khác gây khó khăn cho gia đình học sinh, ông Nguyễn Viết Cẩn, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính (Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội) cho biết: Chính sách miễn học phí hiện mới được thống nhất về chủ trương, chưa được cụ thể hóa, thông qua tại văn bản quy phạm pháp luật. Trước mắt, trong học kỳ I năm học 2018-2019, các trường trên địa bàn Hà Nội vẫn áp dụng mức học phí mới do HĐND thành phố thông qua hồi tháng 7-2018.
Để tránh tình trạng lạm thu, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội nghiêm cấm các trường không được tự ý đặt ra các loại quỹ, các loại phí hoặc lợi dụng danh nghĩa ban đại diện cha mẹ học sinh để thu các khoản ngoài quy định. Hà Nội sẽ xử lý nghiêm khắc người đứng đầu nhà trường, nếu để xảy ra sai phạm về thu chi tài chính.
Theo tính toán của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngoài kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên và chi thực hiện chính sách miễn, giảm học phí cho học sinh theo quy định, khi thực hiện chính sách miễn học phí đối với trẻ mẫu giáo 5 tuổi, học sinh THCS công lập và hỗ trợ học phí cho học sinh ngoài công lập, ngân sách phải chi thêm khoảng 4.730 tỷ đồng mỗi năm. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.