Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chủ trương lớn đang thành hiện thực

Phi Long| 13/09/2014 06:40

(HNM) - Mỗi chuyến ra khơi, ngư dân phải đối mặt với biết bao lo lắng hiểm nguy rình rập. Giữa biển khơi mênh mông, họ thấy mình nhỏ nhoi, mong manh trên những chiếc tàu đánh cá cũ nát...


Đây là điểm tựa để ngư dân và các hợp tác xã đánh bắt, khai thác thủy sản mạnh dạn đầu tư đóng tàu vỏ thép công suất lớn, trang bị phương tiện đánh bắt hiện đại để nâng cao hiệu quả sản xuất, vươn khơi bám biển, bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế và chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Và, ước mơ đó đang từng bước trở thành hiện thực khi những chiếc tàu cá vỏ thép công suất lớn đầu tiên đã hạ thủy, hứa hẹn một mùa cá bội thu...

Hai tàu cá vỏ thép chuẩn bị bàn giao cho ngư dân tại Công ty cổ phần Công nghiệp tàu thủy Sông Đào (Nam Định).


Cửa biển của thị trấn Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn (tỉnh Bình Định) sáng đầu thu nhộn nhịp hẳn lên khi tàu BĐ 96053 TS sau hơn nửa tháng đánh bắt cá ngừ ngoài ngư trường Trường Sa cập bờ. Thuyền trưởng Cao Văn Tiết hướng mũi con tàu nhỏ về phía cảng cá, nơi đã có sẵn các thương lái sẵn sàng thu mua những "lộc giời" của bà con đi biển về. Chuyến đi biển này, 11 thuyền viên trên tàu câu được gần 2 tấn cá ngừ đại dương. Sản lượng tuy còn khiêm tốn, chỉ bằng phân nửa so với những lúc "trúng mùa". Nhưng khi cân cá bán cho thương lái xong, mỗi thành viên cũng có được một khoản tiền kha khá mang về cho gia đình.

Thôn Thiện Chánh 2, của thị trấn Tam Quan Bắc có hơn 600 hộ dân thì có đến 90% làm nghề đi biển. Cả thôn, cả xã thành lập từng nhóm, từng đội đóng tàu đi biển đánh bắt cá. Tàu to thì đi xa, đi lâu, tàu bé đi gần bờ. Những ngày bình thường trong thôn chỉ có phụ nữ và trẻ nhỏ ở nhà, chỉ khi các tàu đánh bắt cá trở về, không khí trong thôn nhộn nhịp hẳn lên.

Bao nhiêu năm nay, ông Trần Phít, người có thâm niên gần 30 năm đi biển, vẫn luôn đau đáu với giấc mơ vươn xa hơn, đánh bắt được nhiều hơn, làm chủ ngư trường truyền thống từ bao đời nay. Ông kể, lúc còn trẻ ông đi tàu công suất chỉ 90CV (mã lực), sau đó có tàu 270CV. Đến nay, ở thôn Thiện Chánh 2 đã có tàu công suất 700CV. Nhưng ra khơi mới thấy tàu của mình vẫn còn quá nhỏ bé. Nhiều khi không tránh khỏi thua thiệt, nhất là khi biển động, có bão thì ngư dân càng vất vả hơn. "Những lúc như vậy chỉ mong có tàu lớn, chống chịu được sóng gió cho đỡ cực", ông Trần Phít ngậm ngùi.

Ông Bùi Thanh Ninh, xã Tam Quan Bắc, cũng là một trong những ngư dân đi tiên phong về đánh bắt xa bờ ở Bình Định và đã có thâm niên hàng chục năm phát triển đội tàu cá. Đến nay, đội tàu mang thương hiệu Sáu Ninh của ông có 16 tàu cá. Chiếc mới nhất vừa hoàn thành có công suất gần 1000CV. Thế nhưng, theo ông Ninh thì đội tàu đánh bắt của ông chia làm nhiều tổ, mỗi tổ 3-4 tàu nhưng tất cả đều là vỏ gỗ. "Nếu mỗi tổ mà có một tàu vỏ sắt dẫn đầu khi ra khơi, chắc chắn hiệu quả sẽ nâng lên đáng kể", ông Ninh quả quyết.

Bình Định là tỉnh có sản lượng khai thác cá ngừ đại dương vào tốp đầu cả nước, cá khai thác được chủ yếu là xuất khẩu. Theo kinh nghiệm của ngư dân Bình Định, cá ngừ thường xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản. Tuy nhiên, họ kiểm tra rất khắt khe, để những con cá đó được thị trường Nhật Bản chấp nhận thì thời gian từ bờ ra đến ngư trường đánh bắt, cả đi và về không được quá 8 ngày, bảo quản theo đúng quy trình; còn từ lúc bắt cá đến khi xuất khẩu sang nước bạn không được quá 10 ngày. Muốn đáp ứng yêu cầu gắt gao đó và để nâng cao giá trị sản phẩm đánh bắt, ngư dân cần những con tàu nhanh hơn, đi xa hơn, có điều kiện bảo quản tốt hơn. Và đó chỉ có thể là những tàu vỏ thép, công suất lớn.

Cũng chính bởi vậy mà ngư dân Bình Định và nhiều địa phương trên cả nước rất vui mừng khi Đảng và Nhà nước đã có đề án phát triển nghề đánh bắt cá xa bờ, theo đó đã có những chiếc tàu cá vỏ thép đầu tiên được hạ thủy. Chẳng riêng ngư dân Bình Định mà ngư dân Phú Yên, Khánh Hòa, Quảng Ngãi….ai ai cũng mong có tàu vỏ thép vững chãi khi ra khơi. Nói thì nói vậy, nhiều ngư dân vẫn còn e ngại bởi vốn đóng tàu lớn, rồi cách sử dụng thế nào cho hiệu quả bởi mấy ai đã được đi biển trên những con tàu vỏ thép... nên bà con vẫn còn nghe ngóng.

Sau khi Quốc hội thông qua gói hỗ trợ 16.000 tỷ đồng nhằm giúp ngư dân hiện đại hóa đội tàu đánh cá, vươn khơi bám biển trên vùng biển, vùng đặc quyền kinh tế nước ta, Chính phủ đã triển khai ngay phương án vay vốn ưu đãi để ngư dân đóng tàu vỏ sắt, vươn khơi đánh bắt hải sản an toàn. Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC) được giao đề án triển khai đóng các mẫu tàu cá phù hợp với từng vùng miền và thói quen, tập quán đánh bắt của ngư dân. Đặc biệt, khi đủ các điều kiện, ngư dân sẽ được vay tiền để đóng tàu với lãi suất 1-3%/năm và cho vay trong vòng 10 năm, ân hạn 1 năm. Người đi vay có thể thế chấp bằng chính con tàu đó và thân tàu được bảo hiểm.

Theo ông Nguyễn Ngọc Sự, Chủ tịch Hội đồng thành viên SBIC thì việc đóng mới tàu cá vỏ thép là công việc hoàn toàn trong tầm tay. Với năng lực hiện tại, 14 nhà máy đóng tàu của SBIC dọc từ Bắc vào Nam trong vòng một năm có thể đóng được khoảng 500 chiếc tàu, thậm chí nhiều hơn nếu hội đủ điều kiện về tài chính và thiết bị. Mặc dù vậy, theo ông Sự, để mỗi con tàu ra đời thật sự gần gũi, khả dụng với ngư dân, cần một quá trình tìm tòi, nắm bắt thói quen, phương thức đánh bắt của người đi biển. Con tàu vỏ thép đầu tiên được SBIC đóng mới vào cuối năm 2013. Đến thời điểm này, SBIC đã triển khai chương trình thí điểm đóng mẫu 10 tàu cá vỏ thép bàn giao được 4 tàu cho các ngư dân, trong đó 2 tàu cho ngư dân tỉnh Nam Định và 2 tàu cho ngư dân Quảng Ngãi. Tháng 8 vừa qua, Công ty cổ phần Công nghiệp tàu thủy Sông Đào đã bàn giao tiếp 2 tàu cho ngư dân tỉnh Thái Bình, Nam Định.

Để có được các mẫu tàu phù hợp với phương thức đánh bắt của ngư dân từng vùng miền, các kỹ sư của SBIC đã phải lênh đênh hàng tháng trời với ngư dân các tỉnh, về nhiều xã ven biển, tiếp xúc với hàng trăm người dân, tỉ mỉ hỏi han, quan sát thực tế công việc của ngư dân ở các vùng, miền khác nhau. Kỹ sư Nguyễn Đức Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn thiết kế công nghiệp tàu thủy của SBIC cho biết: Một trong những ưu điểm nổi bật của tàu vỏ sắt là được phân chia làm nhiều khoang, do đó khi bị thủng 1 khoang cũng không thể thấm nước sang các khoang khác, an toàn cho tàu thuyền đi biển. Hơn nữa, khi đánh bắt các loại cá đặc sản, có giá trị kinh tế cao thì điều kiện bảo quản của tàu vỏ sắt cũng cao hơn nhiều so với tàu vỏ gỗ.
(Còn nữa)

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chủ trương lớn đang thành hiện thực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.