(HNMO) - Chiều 24-4, trong chương trình Đại hội Công đoàn TP Hà Nội lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2018 - 2023, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã có cuộc đối thoại với 550 đại biểu và hàng trăm công nhân, lao động.
Cùng cùng tham gia còn có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Nguyễn Thị Tuyến và Trưởng ban Quản lý Các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội Phạm Khắc Tuấn.
Với không khí cởi mở, thẳng thắn, cán bộ Công đoàn, công nhân, lao động bày tỏ tin tưởng, những vấn đề liên quan đến đời sống người lao động tiếp tục được thành phố quan tâm, giải quyết kịp thời.
| ||
Nhiều kiến nghị đã được giải quyết hiệu quả
Tại buổi đối thoại, Trưởng ban Quản lý Các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội Phạm Khắc Tuấn cho biết, sau hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo thành phố với công nhân, lao động năm 2017, UBND thành phố đã có Thông báo số 486/TB-UBND ngày 29-5-2017 giao nhiệm vụ cho 20 sở, ngành, địa phương, đơn vị trực thuộc thành phố giải quyết những kiến nghị của doanh nghiệp và người lao động trong các khu công nghiệp gồm 47 nhiệm vụ.
Đến nay đã có 30 nhiệm vụ được hoàn tất, 7 nhiệm vụ đang triển khai. Nhiều yêu cầu thiết thực với người lao động đã được thực hiện. Trong đó, Sở Thông tin và Truyền thông đã chủ trì phối hợp với Công ty TNHH một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội, Tập đoàn Viễn thông quân đội rà soát, nghiên cứu lắp đặt hệ thống mạng wifi không dây miễn phí tại khu nhà ở cho công nhân tại xã Kim Chung (huyện Đông Anh) và các khu công nghiệp khác. Đến nay, đã hoàn thành kéo cáp quang kết nối 28/28 toà nhà; hoàn thành lắp đặt mạng LAN kết nối các thiết bị phát sóng wifi tại 18/28 toà nhà; hoàn thành tích hợp và phát sóng wifi tại toà nhà A4-DN1, khu vực sân ngoài trời các toà nhà từ DN1 đến DN6. Tại các khu công nghiệp: Phú Nghĩa, Thạch Thất - Quốc Oai, thành phố sẽ hoàn thành việc lắp đặt wifi miễn phí vào cuối năm 2018.
Đối với nhiệm vụ kiểm tra, rà soát chấn chỉnh nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của các trạm y tế cấp cơ sở ở khu vực tập trung đông công nhân lao động, Sở Y tế Hà Nội đã chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng, các bệnh viện trực thuộc, trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã tăng cường chăm sóc sức khoẻ, quan tâm và nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động khám chữa bệnh cho đối tượng là công nhân, lao động các khu công nghiệp.
Công an thành phố đã chỉ đạo công an các quận, huyện nơi có khu công nghiệp chủ động phối hợp với Ban Quản lý khu công nghiệp và các doanh nghiệp sử dụng lao động hướng dẫn, tổ chức tiếp nhận hồ sơ đăng ký thường trú, tạm trú, cấp thẻ căn cước cho công nhân phù hợp với quy định của Luật Cư trú, Luật Thủ đô.
Tổng Công ty Điện lực Hà Nội đã chỉ đạo các công ty điện lực thực hiện giá bán điện sinh hoạt cho người thuê nhà ở và chỉ đạo Cục Điều tiết điện lực thực hiện giá bán điện sinh hoạt đúng quy định cho công nhân. Tổng Công ty cũng rà soát tất cả khách hàng có nhà cho thuê trọ trên địa bàn, thường xuyên kiểm tra, bảo đảm các định mức đã cấp đúng đối tượng sử dụng điện...
Kiến nghị thêm 6 nhóm vấn đề
Tại hội nghị, Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến cho biết, trước đại hội, Công đoàn thành phố đã nhận được nhiều kiến nghị của công nhân, viên chức, lao động gửi tới UBND, các sở, ban, ngành của thành phố và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Ngoài ra, nhiều kiến nghị của công nhân, viên chức, lao động và cán bộ Công đoàn đã được trực tiếp gửi tới Chủ tịch UBND thành phố. Tổng cộng có 1012 câu hỏi tập trung vào 54 nhóm, 6 vấn đề.
Trong đó, vấn đề quan tâm nhiều nhất là về đời sống và việc làm. Cụ thể, công nhân đề nghị UBND TP Hà Nội và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xây dựng 1-2 thiết chế văn hóa; đẩy nhanh các dự án xây dựng nhà ở cho công nhân, lao động tại các khu công nghiệp Thăng Long, Quang Minh, để công nhân lao động sớm ổn định nhà ở, đời sống, nhất là những căn hộ có giá 100-200 triệu đồng, phù hợp điều kiện của công nhân.
Về các biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông tại Khu công nghiệp Thăng Long, công nhân kiến nghị lắp đặt hệ thống đèn báo giao thông, biển hạn chế tốc độ tại vòng xuyến khu công nghiệp Thăng Long, cắm biển cấm xe tải đi vào tỉnh lộ 80 và đường trong khu công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai.
Đáng chú ý có 159 ý kiến về chính sách đối với người lao động, tập trung vào tình trạng nợ đọng các loại bảo hiểm của các doanh nghiệp hiện nay gây ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp, cuộc sống của người lao động. Nhiều công nhân kiến nghị xem xét khởi kiện, điều tra, xử lý những đơn vị, doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại Điều 216 Bộ luật Tố tụng hình sự...
Bên cạnh đó, công nhân, viên chức, lao động đề nghị thành phố đẩy mạnh các chương trình biểu dương lao động giỏi, sáng kiến, sáng tạo cấp thành phố; đưa hội thi thợ giỏi do Liên đoàn Lao động thành phố tổ chức thành cuộc thi cấp thành phố do Chủ tịch UBND thành phố cấp bằng; hỗ trợ đào tạo nâng cao kỹ năng tay nghề cho công nhân lao động, đáp ứng yêu cầu của cách mạng công nghiệp 4.0.
Về tình hình an ninh trật tự, có 15 ý kiến, tập trung vào việc lắp đèn chiếu sáng tại các tuyến đường trong khu công nghiệp Quang Minh; hỗ trợ các tổ công nhân tự quản tại các nhà trọ, các khu công nghiệp; sửa chữa hạ tầng khu công nghiệp và có giải pháp đưa 2 tòa nhà 15 tầng tại Khu công nghiệp Thăng Long vào hoạt động, cho công nhân lao động thuê.
Tại hội nghị, bà Phạm Thị Vân Anh (Công ty TNHH Canon Việt Nam) đại diện cho hơn 140.000 công nhân, lao động các khu công nghiệp, chế xuất Hà Nội, kiến nghị thành phố bổ sung quỹ đất xây nhà cho công nhân mua ưu đãi với giá 200-300 triệu đồng/căn; tạo điều kiện cho các công ty thuê nhà phục vụ công nhân của doanh nghiệp mình.
Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Sóc Sơn Đỗ Thị Hương kiến nghị, thành phố xây dựng nhà trẻ tại các khu công nghiệp, nhất là khu công nghiệp Quang Minh; xây dựng nhà trẻ trông giữ trẻ từ 6-24 tháng tuổi phục vụ công nhân làm ca kíp.
Bà Nguyễn Thùy Chi (Liên đoàn Lao động quận Bắc Từ Liêm) kiến nghị về giải quyết việc làm cho công nhân tại cụm công nghiệp Phú Minh, Cổ Nhuế 2 vì sắp tới, hơn 30 doanh nghiệp tại đây sẽ phải di dời nhà xưởng, nhiều công nhân hơn 40 tuổi, rất khó khăn tìm việc mới.
Chủ tịch Công đoàn Công ty Toto Việt Nam Phạm Thị Bích Hải kiến nghị, công nhân lao động làm việc tại các khu công nghiệp rất đông, số cây ATM ít, công nhân phải chờ đến 11-12 giờ đêm để rút tiền…
Nỗ lực giải quyết tâm tư, nguyện vọng của người lao động
Giải đáp những băn khoăn, thắc mắc của người lao động thông qua các kiến nghị gửi đến cũng như ý kiến trực tiếp tại hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung khẳng định quan điểm của thành phố là luôn lắng nghe, đã và đang đẩy mạnh hỗ trợ công nhân, người lao động bằng nhiều giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt và cụ thể.
Về vấn đề nhà ở cho công nhân, người lao động, nhất là tại các khu công nghiệp, Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh, đây là nhu cầu chính đáng và nhiều năm qua thành phố rất quan tâm. Ngoài việc cải tạo, nâng cấp các khu nhà hiện có, thành phố đã, đang và sẽ kêu gọi đầu tư, nhất là tại hội nghị xúc tiến đầu tư vào tháng 6 tới, để xây dựng mới và bổ sung thêm khu nhà ở cho công nhân ở Khu công nghiệp Quang Minh, Bắc Thăng Long, huyện Quốc Oai... Theo quy định hiện hành, nhà chung cư ở Hà Nội phải có diện tích tối thiểu 45m2/căn hộ. Muốn hạ giá thành để người lao động và công nhân có thể tiếp cận được, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết sẽ đề xuất Bộ Xây dựng, Chính phủ đồng ý để Hà Nội xây dựng các căn hộ diện tích từ 35-40m2. Ngoài ra, thành phố sẽ thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho người lao động vay tiền mua nhà với lãi suất thấp.
Về kiến nghị cụ thể của đại biểu về tình hình nhà ở cho công nhân ở Khu công nghiệp Quang Minh, Chủ tịch UBND thành phố cho biết, thành phố đã xác định nhà đầu tư hiện nay không đủ năng lực, sẽ thu hồi dự án, thay thế nhà đầu tư khác, sớm xây dựng nhà ở phục vụ công nhân như cam kết.
Tiếp thu kiến nghị chính đáng của đại diện người lao động về việc còn thiếu nhiều thiết chế văn hóa xã hội tại địa bàn tập trung đông người lao động, Chủ tịch UBND thành phố khẳng định thành phố sẽ hết sức quan tâm đến vấn đề này. Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND thành phố cũng đề nghị Liên đoàn Lao động thành phố rà soát, thống kê để giúp thành phố nắm được nhu cầu thực tế, từ đó có kế hoạch đầu tư, hỗ trợ “sớm nhất có thể”.
Về phản ánh còn có sự phân biệt đối xử giữa lao động ngoại tỉnh và người địa phương trong một số dịch vụ vụ công ích, Chủ tịch UBND thành phố cho biết, tại phiên họp giao ban của thành phố sắp tới sẽ giao nhiệm vụ cho các địa phương tập trung tuyên truyền, giảm bớt tình trạng phân biệt đối xử, không công bằng đối với các gia đình công nhân.
Tại cuộc đối thoại, Chủ tịch UBND thành phố tiếp tục ghi nhận nhiều kiến nghị về cơ chế, chính sách của người lao động, trong đó có những chính sách mang tính chất tổng thể, liên quan không chỉ đến người lao động tại Hà Nội. Trước kiến nghị bảo đảm quyền lợi, chính sách của người lao động ở các doanh nghiệp công ích, chính sách về hưu trí…, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung ghi nhận và giao các sở, ngành liên quan rà soát để điều chỉnh, tổng hợp thành các đề xuất về cơ chế, chính sách để khắc phục bất cập. Về vấn đề nợ đọng bảo hiểm xã hội, Hà Nội đang phối hợp chặt chẽ với Bảo hiểm xã hội Việt Nam đôn đốc các đơn vị truy thu...
Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung khẳng định, Hà Nội luôn quan tâm đến đời sống người lao động, thực hiện chính sách đối với người lao động đúng với quy định của pháp luật. Đồng thời cũng mong Liên đoàn Lao động thành phố nắm chắc những yếu tố pháp lý trong mối quan hệ giữa người lao động và sử dụng lao động, phối hợp với chính quyền để giải quyết kịp thời những tâm tư, nguyện vọng, thắc mắc của người lao động.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.