Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Cộng hòa Belarus, chiều 12-12 theo giờ địa phương, tại thủ đô Minsk, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã hội đàm với Chủ tịch Viện Đại biểu Quốc hội (Hạ viện) Belarus Vladimir Andreichenko.
Chủ tịch Hạ viện Vladimir Andreichenko chào mừng Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn thăm chính thức Belarus và nhấn mạnh chuyến thăm đặc biệt ý nghĩa bởi đây là Đoàn đại biểu Quốc hội nước ngoài đầu tiên của Viện Đại biểu Quốc hội Belarus khóa mới (bầu cử vào ngày 17-11-2019).
Chủ tịch Quốc hội bày tỏ vui mừng dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam thăm nước Cộng hòa Belarus tươi đẹp, thanh bình và giàu lòng mến khách, cảm ơn Hạ viện Belarus đã dành cho Đoàn sự đón tiếp trọng thị, chu đáo.
Nhấn mạnh tình hữu nghị và sự ủng hộ, hợp tác trong nhiều năm qua luôn được hai nước dành cho nhau, Chủ tịch Hạ viện Vladimir Andreichenko cho biết, nhân dân Belarus luôn dành những tình cảm nồng ấm đối với đất nước và con người Việt Nam; đồng thời, bày tỏ tin tưởng chuyến thăm chính thức Belarus của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân sẽ góp phần thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác nhiều mặt giữa hai nước và hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam với Nghị viện Belarus.
Chia sẻ về ấn tượng tốt đẹp khi tới thăm Việt Nam năm 2010 khi được chứng kiến những thành quả kinh tế - xã hội mà Việt Nam đạt được, ngài Vladimir Andreichenko đánh giá, Việt Nam đã trải qua một giai đoạn khó khăn nên những kết quả đạt được hiện nay không phải là ngẫu nhiên, mà đó là từ lao động và sáng tạo của nhân dân Việt Nam.
Nhấn mạnh thúc đẩy quan hệ hợp tác với Việt Nam là một trong những ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Belarus tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, ngài Vladimir Andreichenko cho rằng, hai nước còn nhiều dư địa hợp tác, có nhiều quan điểm giống nhau trong nhiều vấn đề quốc tế, đều ủng hộ việc tăng cường hơn nữa vai trò của Liên hợp quốc, ủng hộ các xu thế hòa bình, ổn định và phát triển. Hai nền kinh tế của hai đất nước không cạnh tranh mà bổ sung cho nhau.
Chủ tịch Hạ viện Belarus cho rằng hai nước có cơ sở pháp lý đầy đủ cho hợp tác song phương, trong đó Quốc hội hai nước đã ký kết nhiều văn kiện hợp tác. Lãnh đạo cấp cao các Ủy ban, các nhóm công tác Quốc hội hai nước thường xuyên trao đổi, tiếp xúc.
Ngài Vladimir Andreichenko thông báo vào tháng 1-2020, Hạ viện Belarus sẽ thành lập nhóm nghị sĩ hữu nghị hợp tác với Việt Nam, đồng thời cho biết hai bên cần duy trì và thúc đẩy hơn nữa đối thoại đã có thời gian qua, đồng thời tiếp tục trao đổi để tìm hình thức hợp tác mới.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chúc mừng Belarus vừa tổ chức thành công cuộc bầu cử Hạ viện khóa VII với tỷ lệ cử tri đi bầu cao. Chúc mừng ngài Vladimir Andreichenko được tín nhiệm bầu lại làm Chủ tịch Hạ viện.
Chủ tịch Quốc hội chia sẻ về tình hình kinh tế - chính trị Việt Nam và cho biết, trong quan hệ đối ngoại, Việt Nam tiếp tục thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Về quan hệ hai nước, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước Việt Nam - Belarus được kế thừa truyền thống tốt đẹp từ thời Liên bang Xô Viết; cảm ơn sự ủng hộ to lớn và quý báu của nhân dân Belarus dành cho Việt Nam trong công cuộc giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước trước đây và công cuộc xây dựng, phát triển Tổ quốc ngày nay và sự giúp đỡ đó đã trở thành nền tảng vững chắc cho mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt Việt Nam - Belarus không ngừng được củng cố và phát triển tốt đẹp.
Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội trân trọng cảm ơn sự phối hợp, ủng hộ của Belarus dành cho Việt Nam tại cơ chế hợp tác đa phương như Liên hợp quốc, Phong trào Không liên kết…
Về hợp tác kinh tế, theo Chủ tịch Quốc hội, kim ngạch thương mại giữa hai nước vẫn còn khiêm tốn (năm 2018, kim ngạch thương mại song phương đạt 92,2 triệu USD; 6 tháng đầu năm 2019 đạt 41,1 triệu USD), cần được nâng lên cho tương xứng với tiềm năng và mong muốn của hai bên; đề nghị hai nước khai thác tiềm năng, lợi thế của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh kinh tế Á - Âu; thúc đẩy phổ biến thông tin về các ưu đãi của Hiệp định đến cộng đồng doanh nghiệp hai nước nhằm mở rộng cơ cấu hàng xuất nhập khẩu giữa hai bên.
Tại hội đàm, hai nhà lãnh đạo nhất trí cho rằng, hai bên cần tập trung ưu tiên thúc đẩy hơn nữa hợp tác trong những lĩnh vực Việt Nam có thế mạnh và Belarus có nhu cầu như hàng dệt may, đồ gỗ, thủy hải sản, dược phẩm, máy tính, cũng như những lĩnh vực Belarus có thế mạnh như phân bón, máy móc, thiết bị, phụ tùng ô tô, máy kéo, ô tô tải, hóa chất…
Chủ tịch Quốc hội cho rằng, hai bên có thể liên doanh, xây dựng các nhà máy sản xuất các mặt hàng của nhau. Nhất trí với ý kiến của Chủ tịch Quốc hội, ngài Vladimir Andreichenko cho biết Belarus sẽ thúc đẩy để hướng tới thành lập liên doanh chế biến chè, cà phê tại Việt Nam phù hợp với khẩu vị người dân Belarus…
Về hợp tác quốc phòng, an ninh, hai nước đang hợp tác hiệu quả trong lĩnh vực quốc phòng; mong muốn hai bên tiếp tục hợp tác lâu dài trên cơ sở các thỏa thuận đã ký kết, trong đó có Chương trình hợp tác kỹ thuật quân sự giai đoạn 2016-2020; phát huy hiệu quả cơ chế Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kỹ thuật quân sự.
Chủ tịch Quốc hội cảm ơn và đề nghị Belarus tiếp tục dành các học bổng ưu đãi, giảm học phí và mở rộng chuyên ngành đào tạo cho phía Việt Nam, nhất là các chuyên ngành thế mạnh của Belarus như công nghệ thông tin, vô tuyến điện tử, tự động hóa… Phía Việt Nam sẵn sàng tiếp tục nhận quân nhân Belarus sang học tiếng Việt và tham gia khóa quốc tế tại Học viện Quốc phòng Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị hai bên tiếp tục duy trì các hình thức hợp tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; trao đổi thông tin về những vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia của mỗi nước, đấu tranh phòng, chống tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia, tội phạm sử dụng công nghệ cao, chống khủng bố, di cư trái phép…
Hai nhà lãnh đạo đánh giá quan hệ hợp tác hai nước trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch đã có những bước phát triển tích cực; ủng hộ tăng cường trao đổi giao lưu văn hóa giữa hai bên thông qua việc luân phiên tổ chức Những ngày văn hóa tại Việt Nam và Belarus.
Theo Chủ tịch Quốc hội, lượng khách du lịch Belarus đến Việt Nam tăng nhanh từ sau khi Việt Nam miễn thị thực cho công dân Belarus (nằm trong số 40 nước được Việt Nam áp dụng cấp thị thực điện tử từ 1-2-2017), mong phía Belarus tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho việc xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị hai bên tiếp tục tăng cường hợp tác trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo; mong muốn Belarus xem xét khả năng miễn học phí và cấp học bổng trong thời gian 1 năm học dự bị tiếng cho các sinh viên Việt Nam theo học tại các cơ sở đào tạo ở Belarus như đã được thực hiện trước đây.
Chủ tịch Quốc hội cảm ơn ngài Chủ tịch Hạ viện, lãnh đạo, các cấp chính quyền và nhân dân Bearus đã giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi để cộng đồng người Việt Nam cư trú, làm ăn ổn định, lâu dài và hợp pháp tại Belarus, hòa nhập tốt vào xã hội sở tại, tiếp tục phát huy vai trò cầu nối hữu nghị giữa Việt Nam và Belarus, góp phần củng cố và phát triển quan hệ hợp tác giữa hai nước.
Về tình hình Biển Đông, Chủ tịch Quốc hội cho biết, chủ trương nhất quán của Việt Nam là giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982; thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), tiến tới sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất, hiệu quả và phù hợp với UNCLOS 1982; bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.
Chia sẻ một số kết quả mà kỳ họp thứ tám Quốc hội Việt Nam vừa họp, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Quốc hội Việt Nam đã xem xét, thông qua một số dự án luật, bộ luật, nghị quyết và cho ý kiến về một số dự án luật khác nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Chủ tịch Quốc hội vui mừng nhận thấy quan hệ hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và Nghị viện Belarus không ngừng được củng cố và phát triển trong những năm qua; đề nghị hai bên duy trì trao đổi đoàn cấp cao và đoàn ủy ban chuyên môn; tạo điều kiện cho hai Nhóm nghị sĩ hữu nghị hai nước giao lưu, trao đổi kinh nghiệm công tác lập pháp; thường xuyên tham vấn, phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương như Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) để trao đổi về những vấn đề hai bên cùng quan tâm.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, trong vai trò Chủ tịch Hội đồng Liên nghị viện ASEAN (AIPA) năm 2020, Quốc hội Việt Nam sẽ quan tâm thúc đẩy quan hệ đối tác giữa AIPA và các cơ quan lập pháp của Belarus. Hiện Belarus là một trong những nước có cơ chế đối thoại với AIPA.
Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội trân trọng mời Chủ tịch Hạ viện Belarus và các hạ nghị sĩ thu xếp sớm thăm Việt Nam và dự Đại hội đồng AIPA-41 tại Việt Nam sẽ được tổ chức vào cuối tháng 8, đầu tháng 9-2020 tại thành phố Hạ Long.
Chủ tịch Quốc hội mong muốn nhân dịp này, doanh nghiệp Belarus sẽ cùng sang Việt Nam để tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư với doanh nghiệp Việt Nam về những ngành nghề, hàng hóa mà hai bên có nhu cầu trao đổi thương mại.
Chủ tịch Hạ viện Belarus Vladimir Andreichenko bày tỏ ấn tượng về những kết quả kinh tế - xã hội mà Việt Nam đã đạt được; cho rằng Việt Nam duy trì tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ở mức gần 7% là thành tựu đáng khâm phục; nhấn mạnh hai bên còn nhiều dư địa để trao đổi kinh nghiệm với nhau, cũng như tăng cường phát triển hợp tác kinh tế, thương mại.
Cho rằng Quốc hội hai nước cần đóng vai trò tích cực hơn nữa để bổ trợ cho những hợp tác này, ngài Vladimir Andreichenko đưa ra ý kiến hai bên có thể thúc đẩy sự tham gia của các đại biểu Quốc hội/nghị sĩ vào các hoạt động của Ủy ban liên Chính phủ giữa Việt Nam và Belarus vì khi các đại biểu Quốc hội tiếp cận, tham gia thì không những có thêm thông tin mà còn có thể đưa ra những đề xuất, sáng kiến tăng cường hợp tác hơn nữa giữa hai nước.
Theo ngài Vladimir Andreichenko, để đạt mục tiêu nâng kim ngạch song phương lên 500 triệu USD/năm, hai bên cần phát huy hơn nữa các sáng kiến trong khuôn khổ ASEAN, Liên minh kinh tế Á - Âu, nhất là khi sắp vào năm 2020 Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN, Belarus đảm nhận Chủ tịch luân phiên Liên minh kinh tế Á - Âu. Hai bên cùng nhau nỗ lực phát huy những tiềm năng hợp tác sẽ tạo ra cơ hội lớn để gia tăng kim ngạch thương mại song phương.
Nhất trí với ý kiến của Chủ tịch Quốc hội, ngài Vladimir Andreichenko cho biết, khi sang thăm Việt Nam sẽ cùng đoàn doanh nghiệp Belarus đến tìm hiểu khả năng, cơ hội hợp tác với Việt Nam. Belarus thường xuyên tham gia vào cơ chế AIPA ở cấp ủy ban. Khi tham dự AIPA 41, đoàn Belarus sẽ tham dự ở cấp cao hơn với mong muốn tăng cường quan hệ với ASEAN.
Nhấn mạnh sự cần thiết thúc đẩy hợp tác giữa các địa phương của hai nước, ngài Vladimir Andreichenko mong muốn dự thảo kế hoạch hợp tác giữa thành phố Minsk và Hà Nội sẽ sớm được ký kết…
Nhân dịp này, ngài Vladimir Andreichenko cho biết, vào tháng 5-2020, tại Belarus sẽ tổ chức diễn đàn kinh tế và đầu tư, mong muốn doanh nghiệp Việt Nam tham dự, cho rằng đây là cơ hội để doanh nghiệp hai bên tìm hiểu khả năng hợp tác.
Nhất trí với Chủ tịch Quốc hội rằng cùng với hợp tác sẵn có, hai bên cần tìm những hướng hợp tác mới, ngài Vladimir Andreichenko nhấn mạnh, người dân Belarus và Việt Nam luôn mong muốn quan tâm hơn về đất nước, con người của nhau. Chính vì vậy, cần huy động các ủy ban liên quan của Quốc hội hai nước tham gia thúc đẩy hợp tác văn hóa, nhân văn giữa hai nước.
Thời đại ngày nay là thời đại kinh tế tri thức dựa vào con người, do vậy hợp tác giáo dục rất quan trọng. Belarus thu hút sinh viên đến từ hơn 100 quốc gia trên thế giới đến học tập, trong đó có nhiều sinh viên Việt Nam.
Trước đây và hiện nay, Belarus vẫn duy trì đào tạo nghề chuyên ngành tốt (kỹ sư xây dựng, kỹ sư cơ khí…), nên sẵn sàng hợp tác, hỗ trợ Việt Nam đào tạo chuyên gia trong lĩnh vực này, hoặc cử chuyên gia xây dựng, chuyên gia cơ khí sang Việt Nam nhằm thúc đẩy hợp tác trên lĩnh vực này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.