Ngày 28/5, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tiếp đại sứ các nước Namibia, Lesotho, Papua New Guinea và Burkina Faso đến trình quốc thư.
Tiếp đại sứ Namibia, ngài Ringo F.Abed, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chúc mừng những thành tựu Namibia đạt được trên các lĩnh vực kinh tế xã hội. Chủ tịch khẳng định Việt Nam quan điểm trước sau như một, coi trọng quan hệ với các nước châu Phi trong đó có Namibia.
Ghi nhớ sự giúp đỡ của Namibia trong quá khứ, Chủ tịch nước hy vọng với khả năng và kinh nghiệm của ngài đại sứ, hai bên sẽ tăng cường hợp tác ở những lĩnh vực có thế mạnh; trước mắt phối hợp tổ chức thực hiện tốt những hiệp định, thỏa thuận đã từng cam kết trong dịp Tổng thống Namibia sang thăm Việt Nam.
Tiếp đại sứ Lesotho, ngài Bothata Tskoane, Chủ tịch nước hoan nghênh và đánh giá cao các đề xuất của đại sứ và cho rằng hai bên có thể mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực viễn thông, giáo dục, y tế.
Chủ tịch nước cảm ơn Lesotho đã ủng hộ Việt Nam ứng cử làm thành viên Hội đồng nhân quyền, và thành viên không chính thức Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Chủ tịch đề nghị Chính phủ và doanh nghiệp hai nước cần tăng cường trao đổi đoàn nhằm thiết lập quan hệ đối tác trực tiếp giữa các bộ, ngành, địa phương, tích cực chia sẻ quảng bá những tiềm năng và nhu cầu hợp tác phù hợp.
Tiếp đại sứ Papua New Guinea, ngài Peter Ilau, Chủ tịch nước nhấn mạnh những ấn tượng sâu sắc trong lần gặp Thủ tướng Papua New Guinea tại Hội nghị cấp cao APEC diễn ra tại Bali, Indonesia năm 2013.
Việt Nam coi trọng quan hệ với Papua New Guinea, ủng hộ Papua New Guinea tăng cường hợp tác với ASEAN.
Với thế mạnh về kinh tế, thương mại, đầu tư mà hai bên cùng có thế mạnh, Việt Nam sẵn sàng cùng Papua New Guinea thảo luận để có cơ chế hợp tác tránh đánh thuế hai lần đối với hàng hóa giao thương.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp Đại sứ Burkina Faso kiêm nhiệm Việt Nam Idriss Raoua Ouedraogo đến trình Quốc thư. (Ảnh: Nguyễn Khang/TTXVN) |
Tiếp đại sứ Burkina Faso, ngài Ouedraogo Idriss Faoua, Chủ tịch nước đồng ý với những đề xuất tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực giáo dục và nông nghiệp, đồng thời gợi mở viễn thông cũng là thế mạnh mà Việt Nam có thể hợp tác với Burkina Faso.
Cám ơn Việt Nam đã ủng hộ Namibia trong những năm tháng khó khăn giành độc lập, Đại sứ Namibia, bày tỏ mong muốn nỗ lực đóng góp cho quan hệ ngoại giao hai nước. Trên cơ sở quan hệ chính trị và những tình cảm tốt đẹp mà hai nước dành cho nhau, Việt Nam và Namibia sẽ tiếp tục tăng cường quan hệ.
Đại sứ Lesotho Bothata Toane bày tỏ vinh dự được nhận nhiệm vụ tại Việt Nam và nhấn mạnh, Lesotho muốn đẩy mạnh quan hệ với Việt Nam, qua đó thúc đẩy hợp tác Nam-Nam.
Trước mắt Lesotho mong muốn được trao đổi đoàn ở cấp Bộ trưởng ngoại giao và sau đó là cấp cao. Về kinh tế, Lesotho mong muốn hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam trong các lĩnh vực nông nghiệp, ngư nghiệp.
Đại sứ Papua New Guinea chuyển lời thăm hỏi của Thủ tướng Papua New Guinea đến Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, mong muốn Việt Nam ủng hộ Papua New Guinea đăng cai tổ chức Hội nghị cấp cao APEC năm 2018.
Papua New Guinea rất coi trọng và mong muốn trở thành thành viên của ASEAN. Ngài đại sứ cũng thông báo Papua New Guinea đang có kế hoạch đẩy mạnh sản xuất khí ga hóa lỏng; khẳng định đây là thế mạnh hai bên có thể tăng cường hợp tác.
Xác định trọng trách của mình trong nhiệm kỳ công tác, đại sứ Burkina Faso cho biết, nông nghiệp là những lĩnh vực Burkina Faso mong muốn được thúc đẩy hợp tác với Việt Nam.
Dù có đến 80% dân số lao động trong lĩnh vực nông nghiệp nhưng Burkina Faso vẫn chưa tự chủ được lương thực.
Là hai quốc gia thành viên khối Pháp ngữ, Burkina Faso cũng muốn cùng Việt Nam tăng cường hợp tác về giáo dục đại học.
Vừa qua Burkina Faso đã tổ chức thêm được một số hoạt động xúc tiến thương mại, bước đầu giúp các doanh nghiệp Burkina Faso thâm nhập thị trường Việt Nam.
Đại sứ Burkina Faso cho biết Tổng thống Burkina Faso mong muốn được đón tiếp Chủ tịch nước sang thăm vào thời gian thích hợp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.