Chiều 23/8, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trần Đại Quang tiếp Đoàn công tác Ủy ban Kinh tế Nhật - Việt Keidanren.
Đây là liên đoàn kinh tế lớn nhất Nhật Bản gồm 1.340 doanh nghiệp lớn nhất Nhật Bản, 109 hiệp hội công nghiệp toàn quốc và 47 tổ chức kinh tế tầm khu vực và địa phương.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang tiếp đoàn công tác Ủy ban Kinh tế Nhật-Việt. |
Thay mặt nhà nước Việt Nam, Chủ tịch nước Trần Đại Quang chào mừng các nhà đầu tư Nhật Bản trong Đoàn công tác Ủy ban Kinh tế Nhật-Việt đến thăm và làm việc tại Việt Nam.
Chủ tịch nước cho rằng, quan hệ Việt Nam-Nhật Bản hiện đang trong giai đoạn phát triển tốt đẹp nhất từ trước đến nay. Chủ tịch nước khẳng định Việt Nam luôn xác định Nhật Bản là đối tác quan trọng hàng đầu và lâu dài và mong muốn cùng Nhật Bản phát triển toàn diện và thực chất hơn nữa mối quan hệ tốt đẹp này.
Trong đó, cộng đồng doanh nghiệp hai bên đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc đưa quan hệ hợp tác hai nước lên tầm cao mới. Đồng thời, tiềm năng phát triển của kinh tế Việt Nam sẽ mang đến nhiều cơ hội mới cho các doanh nghiệp Nhật Bản.
Chủ tịch nước khẳng định, Việt Nam sẽ luôn cùng đồng hành với các nhà đầu tư, thành công của doanh nghiệp Nhật Bản cũng chính là thành công của kinh tế Việt Nam. Chủ tịch nước mong muốn Chính phủ Nhật Bản cần tạo điều kiện tối đa để cộng đồng doanh nghiệp hai bên kết nối đầu tư, kinh doanh thông qua các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch và lao động.
Chủ tịch nước cho biết, Việt Nam đã và đang hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng thông thoáng, ổn định và minh bạch để tạo ra sân chơi canh tranh bình đẳng cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Đánh giá cao sự hợp tác và hỗ trợ quý báu của Keidanren đã đồng hành cùng Việt Nam trong việc cải thiện môi trường đầu tư, Chủ tịch nước khẳng định đây chính là cầu nối giúp các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư nhiều hơn vào Việt Nam, góp phần đưa quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước phát triển tốt đẹp trên mọi lĩnh vực.
Đánh giá cao vai trò của ngài Chủ tịch trong việc thúc đẩy quan hệ giữa hai nước, đặc biệt là việc thực hiện Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản, Chủ tịch nước cho rằng đây là kênh thông tin hữu hiệu cho các cơ quan chức năng của Việt Nam trong quá trình hoàn thiện luật pháp, chính sách nhằm cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư Việt Nam.
Chủ tịch nước khẳng định Việt Nam sẽ quyết tâm tiếp tục nỗ lực triển khai mạnh mẽ các biện pháp hoàn thiện các khuôn khổ pháp lý, chính sách... để tạo môi trường đầu tư, kinh doanh ổn định và thông thoáng hơn nữa cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp Nhật Bản, đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
Chủ tịch nước cũng cho biết Việt Nam đang phối hợp với phía Nhật Bản để triển khai Sáng kiến chung Việt - Nhật giai đoạn 6 cải thiện môi trường đầu tư tại Việt Nam trong năm 2016. Chủ tịch nước mong muốn trong thời gian tới, Ủy ban kinh tế Nhật-Việt tiếp tục là cầu nối giữa các nhà đầu tư Nhật Bản với Việt Nam để có nhiều dự án đầu tư hơn nữa.
Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Nhật-Việt Takahashi chân thành cảm ơn những ý kiến trao đổi của Chủ tịch nước dành cho đoàn, giúp các doanh nghiệp Nhật Bản hiểu hơn những cơ hội đầu tư và hoạt động có hiệu quả tại Việt Nam.
Báo cáo kết quả cuộc họp của Ủy ban kinh tế Nhật-Việt ngày hôm qua đã thành công tốt đẹp, ngài Takahashi cho biết, Nhật Bản luôn coi trong hợp tác với Việt Nam. Đặc biệt kể từ khi hai nước ký hiệp định kinh tế năm 1999 thì thương mại đầu tư giữa hai nước tăng nhanh. Việt Nam là quốc gia Nhật Bản đầu tư nhiều nhất trong khối ASEAN với hơn 1.500 doanh nghiệp đang hoạt động.
Ngài Takahashi cho biết, tháng 3 năm nay liên đoàn kinh tế Nhật Bản đã khảo sát các doanh nghiệp của Nhật Bản về sự phát triển trong khối ASEAN và cơ hội hợp tác đầu tư thì Việt Nam đứng hàng đầu trong khối.
Ngài Takahashi cho biết, Ủy ban Kinh tế Nhật-Việt cam kết nỗ lực thực hiện sáng kiến chung Việt Nam-Nhật Bản với mục tiêu cải thiện môi trường đầu tư và tăng cường khả năng cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam và mong nhận được sự giúp đỡ của Chủ tịch nước; Cho rằng, Việt Nam đang trong quá trình hội nhập sâu rộng với việc tham gia các Hiệp định thương mại như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình dương (TPP)... sẽ mang lại nhiều cơ hội mới trong hợp tác kinh tế giữa hai nước.
Ngài Takahashi cho biết, khi TPP được thông qua sẽ giúp Việt Nam mở rộng hơn nữa chuỗi cung cấp hàng hóa ngoài khối ASEAN và Việt Nam sẽ là thị trường hấp dẫn thu hút nhiều nhà đầu tư trong đó có các doanh nghiệp Nhật Bản../.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.