Trải qua 4 tháng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, hầu hết doanh nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh đã cạn kiệt nguồn lực, khó duy trì và khôi phục lại hoạt động sản xuất, kinh doanh trong thời gian ngắn. Do đó, doanh nghiệp cần được bơm “ô xy” bằng các cơ chế chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn nhằm phục hồi và phát triển kinh tế trong thời gian tới. Đây là nội dung được nhiều cử tri khối doanh nghiệp đề cập tại buổi tiếp xúc cử tri của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh với cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn thành phố theo hình thức trực tuyến vào ngày 2-10.
Doanh nghiệp đối mặt nhiều khó khăn
Theo ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh, làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ 4 đã khiến doanh nghiệp ở hầu hết các ngành nghề, các lĩnh vực đều rơi vào tình trạng tê liệt, phải đóng cửa, ngừng kinh doanh từ tháng 7 đến nay. Trong suốt 3 tháng qua, doanh nghiệp thành phố chỉ duy trì được khoảng 20% năng lực sản xuất theo mô hình “3 tại chỗ”, "1 cung đường 2 điểm đến".
Tuy nhiên, việc duy trì sản xuất trong điều kiện ngặt nghèo chủ yếu chỉ để bảo đảm sản xuất cung ứng hàng hóa, lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân và duy trì chuỗi cung ứng xuất khẩu theo các đơn hàng đã ký kết, duy trì đội ngũ công nhân chủ chốt, nhưng chi phí cao, thua lỗ nặng, không thể kéo dài bền vững được. Khách hàng tụt giảm, doanh thu không đủ bù đắp chi phí, dòng tiền bị thu hẹp đáng kể, thậm chí không đủ trả nợ tiền vay và lãi tiền vay đến hạn, chuỗi cung ứng trong nước và nước ngoài bị đứt gãy nghiêm trọng.
Theo ông Chu Tiến Dũng, số lượng doanh nghiệp giải thể, đóng cửa, tạm ngừng kinh doanh cao hơn nhiều so với số thành lập mới. Thống kê chưa đầy đủ thì đến tháng 8-2021, có 24.000 doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh rời khỏi thị trường chiếm 28,1% và tăng 6,6% so với cùng kỳ. Tuy nhiên con số thực tế còn cao hơn nhiều vì một số lớn các doanh nghiệp giải thể chưa khai báo.
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội lương thực, thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh nêu thực tế, doanh nghiệp đã và đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn chưa từng có tiền lệ, lần đầu tiên doanh nghiệp phải tổ chức ăn ở sinh hoạt sản xuất tại chỗ, phát sinh rất nhiều vấn đề, từ chi phí tăng đến chăm lo, ổn định tâm lý người lao động. Song song đó, hầu hết nguyên phụ liệu đầu vào cho sản xuất đều tăng cao từ 20-50%, chi phí vận tải, logistics cũng tăng không ngừng, doanh nghiệp khó càng thêm khó.
Không chỉ khó khăn về nguồn lực tài chính, các doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh cũng đang đối mặt với nguy cơ thiếu hụt trầm trọng nguồn lao động phục vụ quá trình khôi phục sản xuất sau giãn cách. Qua số liệu khảo sát, có tới gần 30% lao động bị mất việc làm. Trong đó, ngành da giày giảm rất sâu, ở mức 62%; ngành dệt may giảm 42,6%; ngành dịch vụ lưu trú (khách sạn) giảm 37%; ngành dịch vụ ăn uống giảm 38%.
Ông Phạm Văn Việt, Phó Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan thành phố Hồ Chí Minh thông tin, trước thời gian giãn cách xã hội, thành phố Hồ Chí Minh có hơn 4,7 triệu người lao động đang làm việc, trong đó có trên 3,2 triệu lao động thuộc khối sản xuất, kinh doanh, hơn 50% trong số này là lao động ngoại tỉnh. Vào giai đoạn cao điểm bùng phát dịch Covid-19, thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với các địa phương đưa trên 33.000 người về các tỉnh, thành; chưa kể những người đã tự về quê trước đó chưa được thống kê. Đến nay, nhiều người lao động có nguyện vọng quay lại thành phố làm việc nhưng vướng nhiều yêu cầu phòng, chống dịch (phải được tiêm vắc xin trong khi độ phủ vắc xin giữa các địa phương là khác nhau), quy định đi lại khó khăn giữa các địa phương...
Cần chính sách hỗ trợ kịp thời, thiết thực
Bà Lý Kim Chi nhận định, việc thay đổi chiến lược chống dịch và khởi động, mở cửa lại nền kinh tế thành phố vào thời điểm này là rất cấp bách và hoàn toàn phù hợp với mong muốn, nguyện vọng của cộng đồng doanh nghiệp và tất cả người dân thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, nếu xét theo các tiêu chí hướng dẫn "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19" do Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch đang dự thảo và chỉnh sửa thì thành phố Hồ Chí Minh sẽ rất khó đáp ứng.
Do đó, doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch khẩn trương ban hành sớm hướng dẫn tạm thời “Thích ứng, linh hoạt với Covid-19” thay thế Chỉ thị 15, 16, Quyết định 2686 ngày 31-5-2021 về quy định đánh giá mức độ nguy cơ và các biện pháp hành chính tương ứng trong phòng, chống dịch Covid-19 phù hợp với tình hình đặc thù của thành phố Hồ Chí Minh để doanh nghiệp có thể nhanh chóng sản xuất và phục hồi sản xuất.
Theo bà Lý Kim Chi, doanh nghiệp cần được quyền chủ động xây dựng kế hoạch, phương án sản xuất đảm bảo an toàn phòng, chống dịch và tự chịu trách nhiệm, được phép tự tổ chức thực hiện sau khi đã thông báo đến cơ quan thẩm quyền địa phương xác nhận. Nhà nước chỉ thực hiện hậu kiểm bằng kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch tại doanh nghiệp, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm và yêu cầu đóng cửa ngay lập tức để rà soát, đánh giá, khắc phục nếu cơ sở, đơn vị không đảm bảo các tiêu chí an toàn để tránh tình trạng xin - cho, gây khó dễ cho doanh nghiệp.
Đặc biệt, đặc thù kinh tế thành phố Hồ Chí Minh luôn gắn kết với các tỉnh, thành phía Nam, nhất là trong lĩnh vực sản xuất các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu. Do đó, đề nghị Chính phủ cần ưu tiên tiêm vắc xin phủ diện rộng cho các đối tượng tham gia trong chuỗi cung ứng tại các khu vực này để trước mắt giữ cho chuỗi cung ứng hàng hóa được ổn định, doanh nghiệp mở cửa sản xuất, kinh doanh an toàn.
Đối với vấn đề lao động, ông Phạm Văn Việt cho rằng, doanh nghiệp không thể khôi phục quy mô sản xuất, khả năng đứt gãy tiếp các chuỗi cung ứng còn lại là rất cao nếu không đủ lao động để sản xuất. Do đó, doanh nghiệp rất cần những chủ trương, chính sách hỗ trợ thiết thực như: Phối hợp tổ chức các chuyến xe đưa người lao động từ các địa phương về thành phố Hồ Chí Minh; thiết lập các "vùng đệm" khám sàng lọc, hỗ trợ lưu trú tạm thời 14 ngày cho người lao động ngoại tỉnh tại các chung cư tái định cư bỏ trống, các trường học chưa có học sinh quay lại, ưu tiên tiêm vắc xin, xét nghiệm an toàn trước khi doanh nghiệp đón người lao động quay lại các nhà máy làm việc.
Ông Phạm Văn Việt cũng đề nghị thành phố có quỹ đất riêng tại các quận, huyện cho việc xây dựng các khu lưu trú công nhân tập trung; có chính sách trợ giá nhà ở, nhà trọ và bình ổn giá nhà trọ cho công nhân. Thành phố Hồ Chí Minh cũng cần kêu gọi đầu tư, hỗ trợ lãi suất ưu đãi để khuyến khích, thu hút doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở xã hội, khu lưu trú tập trung cho công nhân.
Về chính sách tài chính, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Viettravel cho rằng, hiện nay doanh nghiệp cần hỗ trợ tài chính cũng cấp bách như "người bệnh cần ô xy". Do đó, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thích ứng an toàn với Covid-19 cần triển khai nhanh và dứt khoát để không làm chậm tiến độ phục hồi kinh tế - xã hội khi tái mở cửa lại.
Theo đó, cần có quy chế đặc biệt để tất cả doanh nghiệp tiếp cận được hỗ trợ ưu đãi lãi suất, không phân biệt ngành nghề. Thời gian qua, rất nhiều gói hỗ trợ lãi suất được ban hành nhưng đa phần các doanh nghiệp không thể tiếp cận được bởi quy định ngặt nghèo tại Luật Các tổ chức tín dụng. Nếu muốn được giải ngân doanh nghiệp phải đảm bảo: Không có nợ xấu, đảm bảo doanh thu, có lợi nhuận, có tài sản đảm bảo…, trong khi đó doanh nghiệp đang rơi vào tình trạng kiệt quệ và cần thời gian để khôi phục sản xuất, tăng doanh thu.
Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước tăng cường cho vay tái cấp vốn, tiếp tục linh hoạt hạn mức tăng trưởng tín dụng đối với các tổ chức tín dụng để có thêm nguồn lực giảm lãi suất, cung ứng tín dụng hỗ trợ nền kinh tế phục hồi, hỗ trợ doanh nghiệp được tiếp cận vay vốn mới, với lãi suất vay thấp, không phải thế chấp tài sản để sớm phục hồi lại được sản xuất.
Thành phố Hồ Chí Minh sẽ sớm khởi sắc
Chủ tịch nước cho rằng, trong bối cảnh hết sức khó khăn, cộng đồng doanh nghiệp của thành phố Hồ Chí Minh đã cùng đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, "nắm tay nhau" vượt qua thời khắc khó khăn nhất trong 35 năm đổi mới.
Chủ tịch nước biểu dương doanh nhân Việt Nam và thành phố Hồ Chí Minh dù gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn nỗ lực chung sức, đồng lòng cùng chính quyền chống dịch, hỗ trợ tài lực, vật lực, nhân lực cho tuyến đầu chống dịch và hỗ trợ an sinh xã hội. Nhiều doanh nghiệp đã tổ chức các hoạt động thiện nguyện chia sẻ khó khăn với người lao động; nhường cơm sẻ áo với các hoàn cảnh khó khăn do dịch bệnh. Một số doanh nghiệp gặp khó khăn, chi phí sản xuất tăng cao và không an toàn nhưng vẫn cố gắng vượt khó với các hình thức phù hợp để giữ vững sản xuất và giữ người lao động, tạo công ăn việc làm, giải quyết đời sống cho người lao động. Đây là hành động đáng được trân trọng của doanh nhân, Chủ tịch nước nêu rõ.
Chủ tịch nước đánh giá, những nỗ lực của doanh nhân thành phố Hồ Chí Minh thời gian qua là rất kiên cường; đồng thời cho rằng, những khó khăn lớn nhất đã nằm lại phía sau. Các doanh nghiệp đang đứng trước các cơ hội mới để phục hồi sản xuất, lấy lại đà phát triển.
"Tương lai còn nhiều thách thức nhưng ánh sáng đã xuất hiện ở đoạn cuối đường hầm. Những cơ hội kinh tế đã mở ra, không chỉ bù đắp lại những mất mát đã qua mà còn là cơ hội lớn để bứt phá trong thời gian tới", Chủ tịch nước nói và nêu rõ, Đảng, Nhà nước, chính quyền thành phố, trước hết là ngành Tài chính, thuế, Ngân hàng Nhà nước, các bộ, ngành trung ương đang và sẽ tiếp tục kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, từng bước nới dần giãn cách xã hội, giúp phục hồi kinh tế. Đặc biệt là sẽ có chính sách cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay.
Cho ý kiến về các gói hỗ trợ từ chính sách tài khóa doanh nghiệp rất quan tâm, Chủ tịch nước cũng lưu ý cần tăng cường miễn giảm thay vì trì hoãn nộp một số loại thuế để hỗ trợ doanh nghiệp; nghiên cứu việc kéo dài việc miễn, giảm nộp thuế đến năm 2022, nhất là tiền thuê đất.
Chủ tịch nước yêu cầu cần tăng cường phân cấp cho thành phố Hồ Chí Minh thực hiện các gói kích thích tài khóa, tài khoản để hỗ trợ cho doanh nghiệp trong khả năng cân đối ngân sách của thành phố. Ví dụ như chính sách giảm tiền thuê đất 30% vừa qua được áp dụng chung cho cả nước, thay vì như vậy có thể phân cấp cho thành phố Hồ Chí Minh được tự quyết trong khoảng 30-50% tùy khả năng ngân sách và điều kiện của thành phố để tạo sự chủ động. Thứ hai, nghiên cứu tăng quy mô gói kích thích kinh tế bởi gói kích thích kinh tế ở Việt Nam không chỉ là xem xét tính hiệu quả mà nhiều người dân, doanh nghiệp rất cần, nhưng quy mô còn nhỏ so với các quốc gia, việc tiếp cận còn nhiều vấn đề.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị ngành ngân hàng tiếp tục chia sẻ hơn nữa với những khó khăn của nền kinh tế, đặc biệt tiếp tục chủ động giảm lãi suất, cần tái cơ cấu các khoản vay, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân. Lúc này không đặt lợi nhuận lên trên mà chính sách cần chia sẻ một phần lợi nhuận cho sản xuất, kinh doanh.
Chủ tịch nước cũng yêu cầu, thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương đẩy mạnh cắt giảm thủ tục hành chính, tuyệt đối không được tạo ra các giấy phép con làm phát sinh chi phí của doanh nghiệp. Tập trung tháo gỡ khó khăn cho hai động lực tăng trưởng là xuất khẩu và đầu tư công. Trên cơ sở đề xuất của doanh nghiệp, Bộ Y tế nghiên cứu trao quyền tự chủ cho doanh nghiệp trong xét nghiệm và quản lý lao động.
Đặc biệt, Chủ tịch nước yêu cầu, cần tạo thuận lợi cho sự di chuyển hàng hóa, con người, từng bước khôi phục lại sản xuất; mở dần các đường bay thương mại, tạo điều kiện cho những người đã tiêm 2 mũi, có xét nghiệm âm tính di chuyển trên các loại hình phương tiện vận tải, có giám sát y tế an toàn. Không nên áp dụng giãn cách xã hội quá dài, phạm vi quá rộng khi tình hình dịch bệnh dần được cải thiện. Cần tham khảo mô hình hộ chiếu vắc xin của nhiều nước. Các địa phương phải có sự thống nhất, không chia cắt, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.