Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chủ tịch nước dự Lễ ký Quy chế phối hợp giữa Văn phòng Chủ tịch nước với Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao và Tòa án nhân dân Tối cao

Theo TTXVN| 14/04/2022 18:58

Chiều 14-4, tại Phủ Chủ tịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp trung ương dự và chứng kiến Lễ ký các Quy chế phối hợp giữa Văn phòng Chủ tịch nước và Tòa án nhân dân Tối cao; Văn phòng Chủ tịch nước và Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao.

Cùng dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình; Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định; Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Lê Minh Trí; Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Lê Khánh Hải cùng lãnh đạo các ban, bộ, ngành trung ương.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chứng kiến lễ ký. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Hai Quy chế phối hợp công tác giữa Văn phòng Chủ tịch nước với Tòa án nhân dân Tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao cùng được ban hành ngày 11-1-2012. Qua 10 năm triển khai thực hiện, các quy chế trên đã tạo cơ sở quan trọng để 3 cơ quan phối hợp, góp phần nâng cao hiệu quả tham mưu, phục vụ hoạt động của Chủ tịch nước thực hiện các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp, pháp luật và nhiệm vụ được Bộ Chính trị phân công phụ trách công tác tư pháp; góp phần quan trọng vào những thành tựu chung của Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên, do đã ban hành một thời gian dài nên một số nội dung không còn phù hợp với tình hình thực tiễn. Các bản quy chế phối hợp ký kết lần này đã được sửa đổi, bổ sung một số điều nhằm khắc phục những hạn chế, vướng mắc; phù hợp hơn với tình hình mới.

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, các nhiệm kỳ qua, công tác phối hợp giữa Văn phòng Chủ tịch nước với Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao và các cơ quan khối nội chính, tư pháp luôn chặt chẽ, đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Từ đó, góp phần bảo đảm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan cũng như nâng cao hiệu quả tham mưu, phục vụ hoạt động của Chủ tịch nước trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Hiến pháp, pháp luật và nhiệm vụ được Bộ Chính trị phân công.

Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch nước, Văn phòng Chủ tịch nước đã phối hợp với các cơ quan nghiên cứu, sửa đổi quy chế phối hợp công tác. Việc ký quy chế phối hợp lần này là thực sự cần thiết; là cơ sở quan trọng để các cơ quan thực hiện công việc theo chức năng, nhiệm vụ một cách hiệu quả hơn.

Để thực hiện tốt công tác tham mưu, phục vụ Chủ tịch nước trong thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và pháp luật và nhiệm vụ được Bộ Chính trị phân công phụ trách công tác tư pháp, Trưởng ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp trung ương, Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Ban Nội chính Trung ương, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Bộ Công an, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội và Văn phòng Chủ tịch nước phải có sự phối hợp chặt chẽ, liên tục và hiệu quả hơn.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Chủ tịch nước yêu cầu các bản quy chế được ký kết lần này phải được triển khai sâu rộng và thực hiện một cách nghiêm túc từ lãnh đạo đến các bộ phận nghiệp vụ, đặc biệt là các cán bộ, chuyên viên trực tiếp thực hiện công việc; đi đôi với làm tốt công tác kiểm tra, giám sát thực hiện quy chế. Quá trình thực hiện phải đảm bảo đúng nguyên tắc, tuân thủ chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan theo quy định của pháp luật; đảm bảo tính chủ động, thường xuyên, chặt chẽ, kịp thời, tạo điều kiện hỗ trợ lẫn nhau. Định kỳ hằng năm, ba cơ quan cần tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm và báo cáo Chủ tịch nước.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị các cơ quan tăng cường phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong việc triển khai thực hiện các đề án của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp trung ương và Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ tịch nước dự Lễ ký Quy chế phối hợp giữa Văn phòng Chủ tịch nước với Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao và Tòa án nhân dân Tối cao

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.