(HNM) - Cúp bóng đá thế giới là sự kiện thể thao lớn thứ nhì chỉ sau Olympic. Có người cho rằng World Cup còn lớn hơn Olympic vì bóng đá là môn thể thao số 1 hành tinh. Chỉ World Cup mới có thể thu hút hơn 1 tỷ người theo dõi qua màn ảnh nhỏ cho trận chung kết!
Tổ chức World Cup vì thế luôn là vinh dự, trách nhiệm và vận hội lớn đối với quốc gia đăng cai mà Nam Phi là nước được quyền đăng cai cúp thế giới 2010.
Đây tất nhiên là sự kiện lớn đối với đất nước Nam Phi. Ngày 7-6, Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma phát biểu: "Nam Phi đã sẵn sàng từ hơn 1 tháng trước World Cup. Giải đấu này sẽ đem lại lợi ích nhiều năm về sau cho đất nước Nam Phi".
Sân Soccer City, nơi diễn ra các hoạt động chính World Cup 2010. |
Cả triệu công ăn việc làm, cơ sở vật chất được làm mới hoặc tu bổ, không có World Cup người Nam Phi không dám mơ đến những con đường, bệnh viện, sân bay, công viên hiện đại như bây giờ. Đúng là có World Cup, bộ mặt chung của Nam Phi thay đổi hẳn (theo hướng đẹp ra, hiện đại hơn) chứ không chỉ thể hiện sự hào nhoáng ở một số thành phố lớn.
BTC World Cup dự tính sẽ thu về khoảng 5,5 tỷ USD, vẫn còn quá ít so với chi phí bỏ ra. Kinh phí tổ chức giải nghe đâu lên đến 80 tỷ USD (Chính phủ chỉ bỏ ra cỡ 2,7 tỷ USD), một con số khổng lồ đối với một quốc gia như Nam Phi với tỷ lệ thất nghiệp lên đến 25%, còn tỷ lệ người nghèo chiếm đến 40%. Có khá nhiều người nghèo như anh Toronga (30 tuổi) tranh thủ kiếm sống bằng nghề bán vật phẩm liên quan đến World Cup (cờ, khăn choàng, kèn vuvuzela). Trong một ngày khấm khá, Toronga có thể kiếm được 100 USD nhưng sau khi World Cup kết thúc thì sao? Toronga chia sẻ: "Tôi chưa nghĩ tới và cũng không dám nghĩ tới".
World Cup 2010 là bộ mặt của quốc gia Nam Phi nói riêng và châu Phi nói chung nhưng đồng thời cũng là mối lo không nhỏ của người dân Nam Phi. Vì World Cup, nhiều khu ổ chuột được giải tỏa, nhưng người nghèo phải dồn đến những khu tập trung ở tạm.
Một phần đáng kể dân số Nam Phi là người nghèo nên không nhiều người có thể đến sân xem bóng đá ở những SVĐ hoành tráng như Soccer City (sức chứa 94.000 chỗ, là nơi diễn ra trận khai mạc và chung kết World Cup). Giá vé rẻ nhất tại World Cup là 75 USD, vé xem chung kết rẻ nhất là 375 USD, đó là chưa kể sau khi vào tay dân phe giá sẽ được đẩy lên nhiều lần. Vào sân chỉ được uống bia Budweiser và nước ngọt Coca Cola theo quy định chặt chẽ của FIFA. Nhiều người Nam Phi đành đứng từ xa nhìn các SVĐ hiện đại hoặc nhìn các đoàn xe chở các cầu thủ, quan chức của các đội nước ngoài đến dự cúp thế giới. Tất cả đều được bảo vệ tận răng nên muốn tiếp xúc chụp hình giao lưu cũng rất khó.
Sau World Cup 2010, chi phí tu bổ cơ sở vật chất phục vụ World Cup chắc chắn là nỗi lo lớn đối với chủ nhà. Ngay cả những quốc gia hùng mạnh về kinh tế như Nhật hay Hàn Quốc còn khốn đốn vì vấn đề sân bãi sau World Cup bị bỏ không, do chi phí thuê sân quá đắt. Không phải nước nào cũng sang như Mỹ sẵn sàng dùng sân chỉ một kỳ World Cup rồi phá bỏ dùng khu đất khổng lồ ấy làm chuyện khác.
Một số ý kiến cho rằng những giải đấu lớn như World Cup diễn ra ở những quốc gia lớn thích hợp hơn những nước như Nam Phi vì sẽ không làm xáo trộn và ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống người dân. Hy Lạp là một ví dụ, 6 năm sau khi đăng cai Olympic mùa hè đất nước này đang đứng bên bờ vực phá sản. Nam Phi lần đầu tiên sau 17 năm nếm trải suy thoái kinh tế (GDP giảm 0,3%). Đó là dấu hiệu ban đầu cho những mối lo của chủ nhà sau World Cup?
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.