Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chữ “hiếu” thời hiện đại

Thanh Phong| 21/08/2011 06:22

Chứng kiến những câu chuyện đau lòng về chữ "hiếu" trong một xã hội bộn bề và phức tạp hiện nay, không ít người băn khoăn phải chăng "chữ hiếu đã lệch lạc", phải chăng trẻ em ngày nay không còn hiếu thảo như ngày xưa? Chúng ta hãy cùng lắng nghe ý kiến của các bậc cha mẹ và các em học sinh về chữ hiếu trong gia đình hiện đại nhé.

Em Trần Văn Chiến (lớp 12, Trường THPT Nguyễn Gia Thiều)

- Anh trai em đi làm xa gia đình và hằng tháng gửi rất nhiều tiền về cho bố mẹ. Mọi người nói anh ấy là người con có hiếu. Nhưng nhiều lúc em tự hỏi có phải anh đang làm tròn "chữ hiếu" không ? Em biết, bố mẹ luôn rất buồn và nhớ anh. Trong bữa cơm, mẹ em thường nhắc đến anh, nhớ ngày ở nhà, anh thích ăn những món nào nhất… Em cũng đã nhiều lần nói với anh nên sắp xếp một tháng về thăm nhà một lần hay gọi điện về hỏi thăm bố mẹ thường xuyên hơn. Nhưng anh ấy nói, để cố gắng kiếm nhiều tiền gửi về nhà, công việc của anh luôn bận rộn. Số tiền anh gửi về, bố mẹ cứ thoải mái tiêu pha, mua sắm, ăn uống, thuốc men đầy đủ là anh yên tâm rồi… Nhưng cha mẹ đâu phải lúc nào cũng cần tiền mà chỉ cần nhất là sự gần gũi, quan tâm, chăm sóc của con cái thôi.

Em Lê Bảo Nguyên (lớp 11, Trường THPT Yên Viên)

- Em là con một trong gia đình có bố mẹ làm nghề buôn bán, khá giả. Bố mẹ em luôn sẵn sàng đáp ứng mọi nhu cầu vật chất để mong em chăm ngoan, học giỏi. Nhưng bố mẹ bận bịu suốt, chẳng bao giờ có thời gian chuyện trò, quan tâm đến em. Em đã nghĩ cha mẹ không yêu em nên luôn trách giận mọi người. Đôi lúc, em còn tỏ ra ngỗ ngược, trái ý cha mẹ. Hè vừa rồi, được tham gia một khóa học về chữ "hiếu" ở CLB Tuổi trẻ Phật giáo, được nghe những đạo lý về tình cảm hiếu thảo trong đạo Phật, em đã hiểu nhiều điều và cảm thấy rất hối hận về những việc làm không đúng của mình.

Chị Nguyễn Thị Phượng (phụ huynh học sinh, Hà Nội)

- Tôi nghĩ trong xã hội hiện đại, quan niệm về chữ "hiếu" có phần khác xưa. Trẻ em bây giờ được tiếp thu nhiều luồng văn hóa, cuộc sống hiện đại và đặc biệt chúng phát triển sớm nên trong nhận thức có vẻ "già dặn" hơn, phần lớn muốn tự lập về ý thức. Nếu ngày trước "cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy", cha mẹ nói thì con phải nghe lời dù đúng hay sai thì ngày nay con cái nên được quyền lựa chọn. Bố mẹ cũng nên tôn trọng quyết định của con. Ngoài ra, con cái cũng được trao đổi ý kiến trong gia đình trên tinh thần đóng góp xây dựng. Chúng ta không thể áp đặt mọi suy nghĩ của người lớn đối với con trẻ.

So với trước kia, chữ "hiếu" ngày nay đã có phần thay đổi. Thế hệ trẻ sống trong sự thừa thãi về vật chất nhưng thiếu hụt nhiều giá trị tinh thần, đặc biệt là tình cảm gia đình. Theo tôi, đó là lỗi của người lớn, là kết quả của sự giáo dục sai lầm trong gia đình bởi gia đình luôn là ngôi trường đầu tiên của mỗi con người.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chữ “hiếu” thời hiện đại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.