Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chủ động xây dựng phương án phòng ngừa, xử lý sự cố hỏa hoạn

Thúy Nga| 29/09/2021 17:32

(HNMO) - Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ngày 27-9-2021 ban hành Kế hoạch số 41-KH/TU về triển khai thực hiện Kết luận số 02-KL/TƯ ngày 18-5-2021 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 47-CT/TƯ của Ban Bí thư (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC).

Kế hoạch xác định 8 nhiệm vụ trọng tâm để triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, hiệu quả Kết luận số 02-KL/TƯ và Chỉ thị số 47-CT/TƯ của Ban Bí thư.

Trong đó, cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền các cấp tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thường xuyên kiểm tra, giám sát công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ (CNCH) ở địa phương, đơn vị; xác định PCCC và CNCH là một nhiệm vụ quan trọng, cần thiết, thường xuyên hằng ngày và không thể thiếu trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội.

Chủ động xây dựng các phương án phòng ngừa và xử lý các tình huống nếu xảy ra cháy, nổ, sự cố, tai nạn, bảo đảm nhanh, kịp thời, hiệu quả theo phương châm “4 tại chỗ”. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp... chịu trách nhiệm trước hết về bảo đảm an toàn, cháy nổ và CNCH trong phạm vi lãnh đạo, quản lý của mình. Đồng thời, phát huy vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trong công tác PCCC và CNCH. Đánh giá, xử lý trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân không thực hiện đúng, đủ chức trách, nhiệm vụ, để xảy ra tình trạng vi phạm nghiêm trọng, mất an toàn về PCCC và CNCH tại địa bàn, cơ sở.

Song song tiếp tục đẩy mạnh, không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCCC và CNCH; tiếp tục nghiên cứu, ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật về PCCC; chủ động rà soát lại quy hoạch tổng thể cơ sở của lực lượng cảnh sát PCCC và CNCH…, Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo tập trung xây dựng, kiện toàn lực lượng cảnh sát PCCC và CNCH cách mạng, chính quy, tinh nhuệ tiến lên hiện đại, tinh thông về pháp luật, nghiệp vụ, kỹ thuật, chiến thuật chữa cháy và CNCH.

Kiện toàn, củng cố mô hình lực lượng bán chuyên trách PCCC tại cơ sở (lực lượng PCCC cơ sở, lực lượng dân phòng và lực lượng PCCC tình nguyện), có chế độ, chính sách phù hợp để phát huy vai trò của lực lượng này trong PCCC tại chỗ; khuyến khích, động viên mọi tầng lớp nhân dân tham gia hoạt động PCCC. Chú trọng áp dụng công nghệ hiện đại, trong đó đẩy mạnh xây dựng, triển khai các hệ thống công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu dùng chung và phát huy lợi thế của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào phục vụ công tác PCCC và CNCH. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác PCCC...

Đặc biệt là tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong các văn bản của Trung ương, của Ban Thường vụ Thành ủy về PCCC và CNCH. Phấn đấu mục tiêu giảm số vụ cháy, nổ lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, nhất là giảm số vụ cháy, nổ đối với loại hình nhà ở, nhà ở hộ gia đình kết hợp sản xuất kinh doanh trong thời gian tới...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chủ động xây dựng phương án phòng ngừa, xử lý sự cố hỏa hoạn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.