Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chủ động việc tiêu thụ nông sản

Ngọc Quỳnh| 28/03/2022 06:19

(HNM) - Thời gian qua, ngành Nông nghiệp và các địa phương đã chủ động triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, đẩy mạnh việc tiêu thụ nông sản trong nước và xuất khẩu đi các nước. Một trong những giải pháp quan trọng, đó là chú trọng thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu nông sản, đẩy mạnh liên kết chuỗi để hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã tìm kiếm, mở rộng thị trường...

Nông sản của các tỉnh phía Bắc được giới thiệu tới người tiêu dùng Thủ đô qua một hội chợ do Trung tâm Khuyến nông Hà Nội tổ chức.

Mở rộng kết nối tiêu thụ sản phẩm

Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thực phẩm Đồng Giao (DOVECO) Đinh Cao Khuê cho biết, công ty đã tập trung đầu tư công nghệ chế biến sâu sản phẩm chanh leo để xuất khẩu chính ngạch. Năm 2020, xuất khẩu tiểu ngạch sản phẩm chanh leo của DOVECO chiếm 75% nhưng năm 2021 chỉ còn 25%. Nhờ đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch, giá sản phẩm tăng từ 7.000-10.000 đồng/kg lên 20.000 đồng/kg...

Cũng hướng đến xuất khẩu nông sản, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Nguyễn Thành Công thông tin, trong năm 2021, Sơn La đã đẩy mạnh xúc tiến thương mại cho các sản phẩm xoài, nhãn và mở rộng thị trường tới 21 quốc gia, vùng lãnh thổ như: Ba Lan, Hà Lan, Anh... với giá trị xuất khẩu hơn 161 triệu USD, tổng sản lượng nông sản xuất khẩu đạt 144.759 tấn. Từ đầu năm đến nay, Sơn La tập trung hoàn thiện hệ thống các kênh tiêu thụ nông sản, kết nối chặt chẽ theo chuỗi giá trị, gia tăng sản xuất, chế biến, bảo quản, tiêu thụ, bảo đảm lợi ích của các đối tượng tham gia hợp tác liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản.

Với Hà Nội, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, Sở đã phối hợp với các địa phương kết nối đưa hàng trăm tấn nông sản của Hà Nội và các tỉnh, thành phố vào hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích, điểm giới thiệu Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Hà Nội cũng đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa thiết yếu qua các kênh thương mại điện tử...

Theo Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Quốc Toản, từ đầu năm đến nay, ngành Nông nghiệp đã hỗ trợ, kết nối đưa một lượng lớn nông sản vào vụ thu hoạch hoặc xuất khẩu gặp khó khăn vào các hệ thống siêu thị như: Big C, AEON, Hapro, Vinmart; đồng thời thúc đẩy việc tham gia các sàn thương mại điện tử uy tín như: Alibaba, Amazon, Sendo, Voso, Shopee… Mặt khác, các cơ quan chức năng đã phối hợp với đại sứ quán, thương vụ Việt Nam xây dựng kênh trao đổi, cung cấp thông tin các thị trường xuất khẩu trọng tâm như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, châu Âu, Trung Quốc… để đánh giá, dự báo thị trường và đưa ra giải pháp ứng phó kịp thời, linh hoạt…

Nhân viên Bưu điện Việt Nam hỗ trợ người dân tiêu thụ nông sản thông qua sàn thương mại điện tử.

Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại

Thực tế cho thấy, việc xúc tiến thương mại tiêu thụ nông sản còn không ít khó khăn, chủ yếu từ các vấn đề nội tại, như một số địa phương chưa chú trọng phát triển công nghiệp chế biến nên sản phẩm phần nhiều còn dưới dạng tươi sống và chưa tạo được nhiều mặt hàng mang tính đặc trưng. Mặt khác, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp hầu hết có quy mô vừa và nhỏ, thiếu cả vốn và nguồn nhân lực cho hoạt động xúc tiến thương mại...

Để thúc đẩy tiêu thụ nông sản, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chế biến kinh doanh nông sản Bảo Minh (quận Hoàng Mai) Bùi Thị Hạnh Hiếu đề xuất, cơ quan quản lý nhà nước cần hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện việc cấp tem truy xuất nguồn gốc nhằm tạo thuận lợi cho tiêu thụ sản phẩm; đồng thời cho biết, công ty sẽ tập trung xây dựng vùng nguyên liệu lúa gạo chất lượng cao theo hướng an toàn; đầu tư chế biến sâu các sản phẩm và xây dựng thương hiệu để mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước, hướng tới xuất khẩu.

Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn thông tin: Ngành Nông nghiệp sẽ đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại; gắn việc quảng bá du lịch với các chương trình công bố giới thiệu sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản…; phát triển vùng nguyên liệu phục vụ các nhà máy chế biến và mở rộng thị trường tiêu thụ những mặt hàng có lợi thế như: Gạo chất lượng cao, nhãn chín muộn, chuối...

Còn Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam Vũ Thị Hậu cho rằng: Các doanh nghiệp cần tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa kênh bán hàng trực tiếp và trực tuyến…, qua đó vừa tiết kiệm được chi phí vừa có thể quảng bá sản phẩm tới người tiêu dùng một cách dễ dàng, thuận lợi.

Theo Thứ trưởng Bộ NN& PTNT Trần Thanh Nam, bên cạnh việc đề nghị các địa phương chú trọng phát triển công nghiệp chế biến; tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp để đẩy mạnh sản xuất, bảo đảm nguồn cung trong nước và phục vụ xuất khẩu, Bộ NN&PTNT đang tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng, doanh nghiệp tăng cường các biện pháp hỗ trợ hoạt động thương mại biên giới, tạo thuận lợi về thủ tục thông quan, không để ứ đọng hàng hóa. Cùng với đó là triển khai các giải pháp hỗ trợ hoạt động xúc tiến thương mại; đa dạng các biện pháp phân phối hàng hóa; kích cầu tiêu dùng trong nước để chuẩn bị cho các vụ thu hoạch nông sản.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho rằng, các địa phương có vùng nguyên liệu lớn cần chủ động phương án hỗ trợ tiêu thụ nông sản, tránh tình trạng ứ đọng hàng hóa; đồng thời thông tin kịp thời về tình hình sản xuất, lưu thông nông sản tại địa phương để chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất theo nhu cầu thị trường. Mặt khác các hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng của Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nội địa và nhân rộng các hình thức liên kết sản xuất nhằm ổn định giá nông sản trong mọi tình huống.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chủ động việc tiêu thụ nông sản

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.