(HNMO) - Ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, Hà Nội không mưa, rét về đêm và sáng sớm trong nhiều ngày tới. Tuy nhiên, các tỉnh, thành phố thuộc khu vực miền Trung, Tây Nguyên xảy ra mưa rất to, đề phòng lũ quét, sạt lở đất...
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, đêm nay (26-11) và sáng mai, Hà Nội tiếp tục nhiều mây, không mưa, trời rét, nhiệt độ thấp nhất khu vực trung tâm và phía Bắc thành phố 15-17 độ C, khu vực phía Tây và phía Nam 14-16 độ C.
Trưa và chiều mai (27-11), Hà Nội giảm mây, trời nắng, nhiệt độ cao nhất phổ biến 24-26 độ C. Hình thế thời tiết như trên tại Hà Nội còn duy trì trong nhiều ngày tới...
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường nên từ đêm nay đến 30-11, các tỉnh, thành phố thuộc khu vực miền Trung và Tây Nguyên có mưa to đến rất to. Tổng lượng mưa tại các tỉnh từ Quảng Nam đến Khánh Hòa 300-500mm, có nơi cao hơn 600mm; các tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế, Ninh Thuận, Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên có mưa phổ biến 100-250mm, có nơi cao hơn 250mm.
Từ ngày 27-11 đến 1-12, lũ trên các sông từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên lên báo động cấp I-II, có sông trên báo động lũ cấp III. Các tỉnh, thành phố nêu trên có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng cục bộ tại những vùng trũng, thấp, ven sông, khu đô thị...
Để chủ động ứng phó với mưa lũ, tối 26-11, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai - Văn phòng Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đề nghị Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên tập trung chỉ đạo triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho người dân tại các khu vực có nguy cơ bị ngập lụt, chia cắt; kiểm tra công tác chuẩn bị lương thực, thực phẩm theo phương châm "4 tại chỗ".
Đồng thời, rà soát, bổ sung các phương án ứng phó với tình huống lũ quét, sạt lở đất; tổ chức lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai kiểm tra, khơi thông dòng chảy ở các vị trí bị tắc nghẽn và kiểm tra khu dân cư ở ven sông, suối, hạ lưu các hồ, đập, vùng trũng thấp, vùng ven sông suối, ngoài bãi sông, khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét để chủ động các biện pháp bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho người dân...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.