Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chủ động ứng phó mưa lũ, ngập lụt

Kim Nhuệ| 06/07/2022 10:32

(HNMO) - Tối và đêm qua (5-7), thành phố Hà Nội xảy ra mưa to đến rất to, làm gãy đổ cây xanh, úng ngập đô thị và vùng sản xuất nông nghiệp. Để giảm thiệt hại, cơ quan phòng, chống thiên tai yêu cầu các địa phương khẩn trương triển khai giải pháp ứng phó.

Mưa lớn kèm dông, lốc, gió giật mạnh làm gãy cành cây cổ thụ, đổ cột điện, đứt dây truyền thanh của xã Hồng Phong (huyện Chương Mỹ).

Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội cho biết: Tối và đêm qua (5-7), thành phố Hà Nội mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến 47,3-90,5mm. Đặc biệt, một số nơi có lượng mưa rất lớn, như: Hoài Đức 161,5mm, Láng 100,5mm, Hà Đông 92,8mm... Mưa lớn kèm dông, lốc, gió giật mạnh đã làm 6 cây xanh tại quận Hoàn Kiếm, Hoàng Mai bị đổ, ngập úng nhiều tuyến phố khu vực nội thành, úng ngập 96ha lúa mới cấy và rau màu thuộc các huyện: Thanh Oai, Đan Phượng, Hoài Đức, Mỹ Đức.

Các đơn vị, địa phương đã kịp thời giải tỏa cây xanh gãy đổ, tiêu thoát nước đô thị, bảo đảm giao thông hoạt động bình thường trong sáng nay. Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi sông Đáy đang vận hành 3 trạm bơm với 19 tổ máy để tiêu úng cho lúa, rau màu tại các huyện nêu trên.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, chiều và đêm nay (6-7), thành phố Hà Nội và các tỉnh thuộc khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ mưa rào và dông, có nơi mưa to đến rất to kèm lốc, sét, gió giật mạnh. Đợt mưa dông này ở Bắc Bộ có khả năng kéo dài đến ngày 9-7; nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại vùng núi và ngập úng tại những khu vực trũng, thấp...

Để ứng phó, giảm thiệt hại do mưa lũ gây ra trong thời gian tới, sáng 6-7, Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai - Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn có công điện đề nghị chủ tịch UBND, trưởng ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh miền núi phía Bắc tập trung chỉ đạo cơ quan, đơn vị, địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ và thông tin kịp thời, đầy đủ đến các cấp chính quyền, người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó; kiểm tra, rà soát các hoạt động sản xuất ven sông, suối, hầm mỏ, khu khai thác khoáng sản, người dân trên các lều, chòi canh nương rẫy, ven sông suối; di dời người dân tại những khu vực có nguy cơ để bảo đảm an toàn.

Bên cạnh đó, các tỉnh miền núi phía Bắc kiểm tra, rà soát công trình đang thi công, có phương án chủ động biện pháp bảo đảm an toàn cho người và tài sản khi có mưa lũ; tạm dừng thi công các công trình trong trường hợp cần thiết; rà soát, bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông các ngầm tràn, khu vực ngập lụt, chia cắt; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, bảo đảm giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính. Chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với cơ quan thông tin truyền thông, đặc biệt là hệ thống thông tin cơ sở, tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn kỹ năng ứng phó với thiên tai, nhất là lũ, lũ quét, sạt lở đất để người dân biết, chủ động phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chủ động ứng phó mưa lũ, ngập lụt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.